Đại biểu Quốc hội lên tiếng về 'tượng Quan Công trấn biển'

07:05 | 27/11/2015

6,792 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề xuất “quái dị” xây tượng Quan Công trấn biển phía Nam nằm trong Dự án Khu du lịch tâm linh - biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng của doanh nghiệp Thành Lợi đã gặp nhiều hoài nghi và phản ứng của dư luận. 

dai bieu quoc hoi len tieng ve tuong quan cong tran bien

Giật mình: Xây tượng Quan Công để 'trấn thủ' biển phía Nam?

Nhiều người cho rằng đây là đề xuất “quái dị” bởi nước ta có nhiều danh tướng, sao không thờ mà phải dựng tượng Quan Công, mà lại còn hướng ra biển?  

Phóng viên báo điện tử PetroTimes có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) và Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Liên quan đến đề xuất trên, trao đổi với PV, Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi: “Ta có thiếu gì các danh nhân, anh hùng, có những chiến công hiển hách, được nhân dân suy tôn và là danh tướng của thế giới, tại sao lại chọn tượng Quan Công của Trung Quốc?” 

Theo ĐB Thắng, việc chọn một hình tượng không phải người Việt Nam, lại nói để “trấn thủ” biển phía Nam thì càng không nên.

dai bieu quoc hoi len tieng ve tuong quan cong tran bien

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng.

“Chúng ta sống cạnh nước có nền văn hóa lớn, chúng ta chọn lọc và tiếp thu nét đẹp của các nền văn hóa du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn một danh tướng người Trung Quốc để đặt tượng, lại mang ý nghĩa tâm linh là không phù hợp. Tôi cũng đề nghị các ngành chức năng phải xem xét lại”, ĐB Thẳng nhấn mạnh.  

Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Quan Công ai cũng biết là người Trung Quốc nhưng đối với tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì là người chính trực. Chúng ta có thờ cúng Quan Công, kể cả người gốc Hoa hay người Việt cũng vậy. Ở một số miếu, đền vẫn có tượng Quan Công, cho nên ở đây không có vấn đề chính trị mà là vấn đề văn hóa. Mà văn hóa này cũng tồn tại từ rất lâu rồi. Ông Quan Công là tượng trưng cho người trung thực, nghĩa khí”.

Tuy đánh giá như vậy nhưng ông Nghĩa cho rằng, nếu xây dựng tượng Quan Công to lớn với chiều cao dự kiến là 36m bằng vật liệu bê tông cốt thép trên diện tích rộng 18ha hướng ra Biển Đông thì ở Việt Nam chưa bao giờ làm. 

dai bieu quoc hoi len tieng ve tuong quan cong tran bien

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Tượng Phật Thích ca, Phật Quan âm, tượng Chúa xây dựng lớn ở Việt Nam thì đã có, còn bây giờ mà làm tượng Quan Công to lớn đến như vậy thì đúng là đáng phải suy nghĩ. Đúng là các nơi thờ tự ở nước ta có tượng nhân vật này, nhân vật kia của Trung Quốc nhưng làm tượng to đến thế thì câu hỏi là vì sao phải làm?

“Việc này có hợp lý hay không? Khi đã không bình thường thì cần xem lại động cơ của chủ đầu tư đó là vì sao lại làm như thế. Tại sao ở đây không phải là tượng Trần Hưng Đạo hay Quang Trung (Nguyễn Huệ) mà lại là tượng Quan Công. Theo tôi, chúng ta cần phải trao đổi lại với doanh nghiệp để có câu trả lời rõ ràng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đề án giới thiệu của công ty cổ phần TM - SX bao bì Thành Lợi (trụ sở tại TP.HCM), dự án Khu du lịch tâm linh - biển Vĩnh Châu tại khóm 6 và khóm Hải Ngư (phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có quy mô gần 18ha với tổng mức đầu tư trên 30 tỉ đồng. Trong đó, vốn chính của chủ đầu tư khoảng 6 tỉ đồng, còn lại là vốn góp của nhiều công ty, cổ đông khác.

Dự án có hàng loạt hạng mục để phục vụ khai thác du lịch sinh thái dã ngoại, giải trí, ăn uống, chăm sóc sắc đẹp... Đáng chú ý, dự án “bố trí” diện tích khá lớn để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân gần xa.

Điểm nhấn quan trọng nhất của hạng mục tâm linh là tượng Quan Thánh Đế Quân với chiều cao dự kiến 36m bằng vật liệu bê tông cốt thép. Mục đích xây dựng tượng là không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn góp phần đứng “trấn thủ” biển phía Nam của Việt Nam(!?).

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc