Đặc sản “giá bèo” ở Hà Nội

06:28 | 16/12/2012

4,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì giá thành khá cao, nên lâu nay các loại thủy, hải sản như tôm hùm, ba ba, cá hồi, cá ngừ, cá tầm, càng cua… thường chỉ xuất hiện trong thực đơn các nhà hàng, khách sạn lớn. Nhưng gần đây, những mặt hàng đặc sản này ngày càng “bình dân hóa”, được bày bán nhiều tại các khu chợ đầu mối, chợ cóc với giá rất “hữu nghị”.

Khi đặc sản “hạ mình” ra chợ

Bên cạnh những mặt hàng bình dân như cá trắm, cá chép, rô phi…, các hàng nhỏ trong chợ Đông Tác (Kim Liên) ba ba, cá tầm nguyên con, cá hồi, cá ngừ cắt khúc mua bao nhiêu cũng có với giá rẻ như giá thịt lợn: từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Hay ngay tại góc trái khu chợ cóc gần trường tiểu học Kim Đồng (Ba Đình), càng cua biển thậm chí còn chất đầy trong cái mẹt rất lớn, người bán xúc ào ào như bán… hến.

Những mặt hàng đặc sản ngày càng được bày bán nhiều tại các chợ cóc với giá rất “hữu nghị”.

Cá biệt, ở chợ đầu mối Long Biên cũng bày bán nhiều cua biển “ngất”, “ngã”, “chết lâm sàng”... (cách gọi của người bán chỉ loại hải sản mới chết, thịt vẫn còn tươi chưa kịp hỏng, chế biến luôn vẫn đảm bảo thơm ngon) với mức giá rẻ chỉ bằng gần một nửa so với cua biển sống trên thị trường. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ chừng nửa buổi sáng, cả mẹt cua biển đầy đã hết veo.

Chị Thu Trang, người mua nguyên liệu thực phẩm cho một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cỗ mang đến tận nhà tại phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Để giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo “cơ cấu” món cho mâm cỗ sang, nhiều người thường mua các loại hải sản “ngất” như vậy, nhất là với tôm, cua biển…”. Theo chị, mua loại này còn “tốt và tử tế” hơn là trà trộn hàng kém chất lượng, hàng đông lạnh “hết date” được xử lý bằng hóa chất bảo quản, hoặc đong vơi đong thiếu đĩa, bát cho mâm cỗ.

Với các bà nội trợ và cửa hàng nhỏ, nếu muốn tiện hơn, chỉ cần nhấc máy điện thoại, nhiều cửa hàng bán hải sản còn sơ chế, tẩm ướp sẵn rồi mang đến tận nhà cho khách hàng. Hải sản tươi hay không phụ thuộc vào uy tín của cửa hàng(!). Người mua ngỏ ý muốn đặt hàng “quý hiếm” như cá hồi, cá tầm, ba ba… thì đến 90% chủ hàng gật đầu đồng ý. Nguồn gốc hàng hải sản đều được các chủ hàng cam kết “miệng”, lấy từ các nguồn như Đồ Sơn (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa)…

Không chỉ xuống chợ, thời gian gần đây, cá ngừ, cá hồi, đặc biệt là tôm hùm ngày càng bình dân hóa khi trở thành món ăn không thể thiếu tại rất nhiều nhà hàng lớn nhỏ với giá rẻ bất ngờ. Có hàng chục món ăn được chế biến từ tôm hùm, cá ngừ… nhưng giá lại rẻ. Từ giá gốc 220.000 đồng/suất, nhà hàng giảm xuống chỉ còn 120.000 – 150.000 đồng/suất, thực đơn không thay đổi, đủ các món hải sản hấp dẫn: gỏi cá hồi, gỏi salad rau xanh cá ngừ, tôm sú chiên muối tiêu… Hấp dẫn nhất là món cháo cá tầm - loại hải sản hiếm vốn chỉ dành cho giới “thượng lưu” nay trở thành món bình dân mà ai cũng có thể thưởng thức. Thông tin này bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể kiểm chứng tại các nhà hàng hải sản khá tiếng tăm tại phố Mai Hắc Đế, hay dọc bờ sông Hồng… hoặc thậm chí là ở một vài nhà hàng chuyên bán bia lớn.

Mập mờ nguồn gốc, lo ngại chất lượng

Mặc dù hiện đã có nhiều cơ sở thủy, hải sản nuôi trồng và cung cấp các loại sản phẩm này cho thị trường trong nước, nhưng việc bán cá tầm cũng như nhiều mặt hàng hải sản quý hiếm như cá hồi, cá ngừ, ba ba… với giá rẻ khiến nhiều người nghi ngờ. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu đồ hải sản, gần đây, thị trường cá tầm đã xuất hiện cá tầm nhập lậu qua đường biên giới với giá cực “mềm”. Cá tầm trong nước vốn được bán với giá 160.000 đồng/kg, nhưng hàng Trung Quốc chỉ 100.000 đồng/kg.

Điều đáng lo ngại là cá tầm nhập lậu vào Việt Nam không hề qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai và Cao Bằng tăng cường kiểm soát việc nhập thủy sản qua biên giới, đặc biệt là cá tầm, nghiêm cấm việc xác nhận để hợp thức hóa nguồn gốc thủy sản không rõ nguồn gốc.

Giá của những loại cá đặc sản “chết lâm sàng” này chỉ bằng một phần ba so với loại còn sống.

Nói về những nguy hại của một số loại đặc sản, trong đó có hải sản giá rẻ bán tràn lan như hiện nay, TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Khi tươi sống, hải sản chứa thành phần dinh dưỡng cao, có khả năng kháng khuẩn rất tốt, nhưng khi chúng chết, khả năng kháng khuẩn gần như bằng không.

So với động vật trên cạn (như gà, lợn, bò…) hải sản sống dưới nước có nguy cơ nhiễm vi sinh vật cao. Chỉ cần không sơ chế sạch, hay dùng phải đồ hỏng, người ăn dễ bị nhiễm vi sinh vật. Vỏ ngoài của hải sản vốn rất nhớt vì chứa nhiều đạm. Khi hải sản chết, vi khuẩn trong môi trường dinh dưỡng cao sẽ hoạt động mạnh, xâm nhập nhanh; độc tố trong cơ thể chúng tiết ra nhanh, men hoạt động mạnh để phân giải chất đạm bên trong khiến chúng rữa nhanh, chỉ cần một thời gian ngắn là hỏng. Protein trong hải sản “ươn”, chết khi bị phân giải sẽ tạo ra nhiều loại protein “lạ”, gây dị ứng mạnh. Những đối tượng vốn nhạy cảm, khả năng đề kháng kém (như phụ nữ và trẻ em) càng dễ dị ứng, ngộ độc thức ăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng nhận ra sự nguy hiểm này, nhất là khi các loại hải sản quý hiếm trên qua quá trình sơ chế, đã được tẩm ướp, tẩy mùi thêm rất nhiều gia vị, gia giảm để làm ngon miệng, đánh lừa cảm giác của khách hàng.

Vì vậy, để tránh ngộ độc thức ăn, người tiêu dùng trực tiếp cũng như những nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm thực phẩm qua chế biến cần lựa chọn những thực phẩm tươi sống, thơm ngon ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.

TTXVN

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.