Đặc công Quảng Đà trong chiến dịch Thượng Đức

07:00 | 07/06/2018

1,885 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Cây đại thụ” của Mặt trận 44 Quảng Đà - Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Đặc khu ủy viên Quảng Đà, nguyên Phó chính ủy Mặt trận 44 - năm nay đã 91 tuổi, nhưng “tần suất” hoạt động của ông tại các hội thảo, hội nghị về chiến tranh không hề sót một buổi nào.  

Tớ rất “mê” đặc công

Ông Thạnh bảo: “Quả đấm thép” quyết định giải quyết chiến trường là bộ binh. Nhưng tớ lại rất “mê” cách đánh của đặc công. Theo lời kể của ông: Trong những năm ông làm Phó chính ủy Mặt trận 44, ngoài cương vị chỉ huy chung, ông rất quan tâm đến việc sử dụng đặc công trong các chiến dịch.

Ông kể rằng: Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, quân ngụy ở Quảng Đà liên tục có những hành động vi phạm Hiệp định như lấn đất, dồn dân trong vùng kiểm soát của ta. Chỉ 2 giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân lực Việt Nam cộng hòa đã tập trung càn quét các vùng tây Duy Xuyên, vùng B Đại Lộc và các vùng tranh chấp giữa hai bên. Trong nội thành Đà Nẵng, chúng thành lập lực lượng cảnh sát dã chiến được trang bị đầy đủ để đánh phá các sơ sở cách mạng.

dac cong quang da trong chien dich thuong duc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và nói chuyện với Đại tá Lê Công Thạnh (ảnh: VGP/Hồng Hạnh)

Trước tình hình đó, quân ta tiến hành đáp trả bằng cách điều Sư đoàn 304 từ Cam Lộ, Quảng Trị vào phối hợp với các đơn vị trong Quân khu 5 từ tháng 5-1974, nhằm tiêu diệt một số vị trí quân lực Việt Nam cộng hòa lấn chiếm sâu vào vùng giải phóng, xóa bỏ các lõm, tạo thế cho chiến trường Khu 5 và cả nước, trọng tâm là tiêu diệt căn cứ Thượng Đức.

Về Chiến dịch Thượng Đức, các phương tiện thông tin đại chúng đã viết nhiều. Song có thể tóm gọn thế này: Trong chiến dịch này ta tổ chức 3 đợt tấn công. Đợt 1, vào đêm 28 rạng ngày 29-7-1974. Đợt 2, từ nửa đêm 5 đến 7-8-1974. Và đợt 3, ta và địch giằng co từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11-1974 ta mới làm chủ hoàn toàn căn cứ Thượng Đức.

Nói về chiến thắng Thượng Đức, Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công nhận xét: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ phá tan “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng, mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Từ thực tiễn đó góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân lịch sử năm 1975”.

Về vai trò của bộ đội đặc công trong chiến dịch này, Đại tá Lê Công Thạnh cho hay: Để cứu vãn tình hình, quân ngụy đã huy động tối đa các nguồn lực “đổ” vào đây. Nhận lệnh của cấp trên, đặc công Quảng Đà có nhiệm vụ tổ chức đánh phá các sân bay, tàu chiến, tàu chở hàng, hệ thống cầu cống…

Với cách đánh thọc sâu, bất ngờ, đánh vào sào huyệt, đánh vào hậu cứ của địch, bộ đội đặc công Quảng Đà đã góp phần quan trọng vào việc tiêu hao sinh lực địch, cắt đứt sự chi viện của địch cho chiến dịch Thượng Đức, góp phần không nhỏ trong chiến thắng Thượng Đức của quân và dân Khu 5, tạo ra thế và lực mới trên chiến trường, tạo tiền đề cho những thắng lợi vang dội của quân và dân ta trong Chiến dịch mùa xuân 1975 sau này.

Trận đánh trái quy luật

Trung tá Nguyễn Xuân Hiến, nguyên Đội phó Đội 2, Tiểu đoàn Đặc công nước 471, người trực tiếp chỉ huy trận đánh cầu Thủy Tú, cắt đứt giao thông chi viện của địch vào đêm 2-8-1974. Ông Hiến sau thời gian dài rời quân ngũ, nhưng nhắc lại trận đánh ấy, nói như ông: Đã “đóng đinh” vào tâm khảm. Ông Hiến bảo: “Cuộc đời quân ngũ của mình đã từng tham gia nhiều trận. Nhưng trận đánh ấy để lại trong mình nhiều kỷ niệm nhất”.

Theo ông, đấy là trận đánh “trái quy luật” của bộ đội đặc công nước. Đặc công tập kích mục tiêu thường là vào những đêm tối trời. Nhưng trận đánh cầu năm ấy lại đúng vào “đêm rằm”, đây là điểm bất lợi nhất cho việc thực hiện tiềm nhập mục tiêu ở dưới nước. Song mệnh lệnh của trên là bằng mọi cách phải “cắt” cho được cầu Thủy Tú.

Cầu Thủy Tú nằm trong hệ thống phòng thủ chung của địch. Phía bắc gồm có cầu Trắng, kho xăng Liên Chiểu. Phía nam là sân bay Xuân Thiều, khu hậu cần Bầu Mạc, nên khi các mục bị ta tấn công, địch chi viện bằng binh lực và hỏa lực rất nhanh chóng. Ngoài ra còn có dân vệ ở Nam Ô, Kim Liên vẫn thường xuyên tổ chức phục sẵn ở các ngả đường mà bộ đội ta xuống hoạt động.

dac cong quang da trong chien dich thuong duc
Trung tá Nguyễn Xuân Hiến (người thứ 2 từ trái sang) nhận hoa chúc mừng của đồng đội nhân ngày gặp mặt

Lực lượng phòng thủ cầu là 1 đại đội ngụy do một tên đại úy chỉ huy. Hai bên đầu cầu có lô cốt, ụ súng, mố cầu phía Nam có lô cốt vuông xây từ thời Pháp, dưới lô cốt thông xuống hầm ngầm, mố cầu có gắn đại liên. Chúng dùng lưới thép B40 và dây thép gai rào quanh các trụ cầu, mắc đèn cao áp chiếu thẳng xuống mặt sông. Hai đầu cầu chúng bố trí cặp đèn pha cực mạnh, liên tục chiếu qua quét lại. Trên cầu thường xuyên có lính đi tuần. Cách cầu về phía thượng lưu chừng 50m, chúng đóng cọc sắt giăng dây kẽm gai bùng nhùng làm thành rào chắn trên sông phòng thủ từ xa, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của đặc công nước.

Không chỉ vậy, tại các trụ cầu, chúng kết thùng phuy thành những chiếc phao nổi cắt cử lính ngồi gác, ném lưu đạn cầm canh, thấy bất cứ khả nghi gì là chúng vãi đạn xuống mặt sông. Bẵng đi thời gian khá dài cầu chưa bị đánh. Tên đại úy chỉ huy đại đội bảo vệ cầu rêu rao “giờ đây cầu Thủy Tú là bất khả xâm phạm”. Lời rêu rao này, một phần để củng cố tinh thần binh lính, phần khác là huênh hoang với dân chúng, đặc biệt là với cơ sở của ta, nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân với cách mạng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trận Thượng Đức cho phép ta rút ra nhận định: Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của địch. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh”.

Trước sự bố phòng dày đặc như vậy, khi nhận nhiệm vụ, Nguyễn Xuân Hiến đã đề xuất với Ban Chỉ huy tiểu đoàn một cách đánh hết sức độc đáo. Phương án ông trình bày: Đóng bè chuối thả từ thượng nguồn cho trôi về phía cầu, nhằm thu hút sự chú ý và theo dõi của địch. Cùng lúc ấy, tổ tác chiến tiềm nhập mục tiêu từ phía cửa biển vào cầu. Đêm trăng sáng, địch sẽ lơi là trong việc bố phòng, hơn nữa bằng sự nghi binh trên, địch sẽ tập trung đối phó từ phía thượng nguồn.

Phương án được duyệt. Tối 2-8-1974, tổ trinh sát, bộ phận mang vác và tổ tác chiến âm thầm rời vị trí tập kết đến vị trí ém quân, lắp ráp khối nổ. 20 giờ 30 phút, 3 chiến đấu viên do Nguyễn Xuân Hiến chỉ huy rời bến, kéo theo khối thuốc nổ 1,5 tạ đột nhập từ phía biển vào cầu.

Lần đầu tiên đánh trái quy luật, luồng lạch chưa thông thạo, nên anh em bị mắc cạn. Rất may vị trí mắc cạn cách cầu khoảng 400 mét. Sau gần 1 giờ đồng hồ xoay sở mới tìm đúng luồng. Lúc ấy đồng hồ đã nhích đến con số 12. Nhẩm tính thời gian vẫn còn cho phép, Nguyễn Xuân Hiến quyết định tiếp tục đột nhập cầu. Đang thực hiện động tác đi ngầm dưới nước, anh em nghe đại liên địch bắn xối xả về phía thượng nguồn. Bằng ám hiệu liên thông qua sợi dây liên kết, anh em ráng sức đẩy nhanh khối thuốc nổ về phía mục tiêu…

Vào đến gần gầm cầu, Nguyễn Xuân Hiến quyết định cho xì hơi chiếc phao, khối thuốc chìm nhanh xuống đáy sông, anh em đẩy nhanh khối thuốc vào mố cầu, chỉ sau mấy phút thao tác, khối thuốc đã được cột chặt, kíp hẹn giờ đã được phát hỏa. Cả tổ luồn sâu dưới đáy sông trườn nhanh ra phía biển. 2 giờ sáng ngày 3-8, một tiếng nổ long trời từ đáy sông, mố cầu bị xé toác, mặt cầu bị lật nhào xuống dòng sông.

Ngay sau trận đánh, đồng chí Tỉnh ủy viên Quảng Đà đứng ở cánh Bắc Hòa Vang đến thăm và chúc mừng chiến công của đơn vị. Ông thông báo, trận đánh sập cầu Thủy Tú đã góp phần quan trong trong việc cắt đứt chi viện của địch cho quân đội ngụy ở chiến trường Thượng Đức.

“Thọc sâu, đánh hiểm”

Có thể nói, trận đánh khu radar đối hải trên bán đảo Sơn Trà và nhấn chìm tàu địch tại cảng Tiên Sa vào đêm 19-9-1974 của 8 chiến đấu viên Đội 1, Tiểu đoàn Đặc công nước 471, là trận “thọc sâu, đánh hiểm”, làm rúng động bộ máy chính quyền ngụy ở Đà Nẵng.

Nói về trận đánh này, Đại tá Lê Công Thạnh khẳng định: Tuy là trận đánh không “có tên” trong chiến dịch Thượng Đức, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc tiêu hao sinh lực, phương tiện chiến tranh mà địch chi viện cho Thượng Đức. Trận đánh làm cho quân địch hoang mang, hoảng loạn. Việc “chia lửa” với chiến trường Thượng Đức của bội đội đặc công Quảng Đà trên chiến trường sông biển đã góp phần không nhỏ trong việc làm suy yếu lực lượng địch.

Với cách đánh thọc sâu, bất ngờ, đánh vào sào huyệt, đánh vào hậu cứ của địch, bộ đội đặc công Quảng Đà đã góp phần quan trọng vào việc tiêu hao sinh lực địch, cắt đứt sự chi viện của địch cho Chiến dịch Thượng Đức, góp phần không nhỏ trong chiến thắng Thượng Đức của quân và dân Khu 5.

8 chiến đấu viên ngày ấy nay đều đã trở về với đời thường. Chuẩn úy Trần Văn Huân, sau giải phóng, ra quân đi lao động hợp tác tại Tiệp Khắc (cũ), giờ về quê cùng với đồng đội mở công ty đào tạo vệ sĩ bảo vệ cho các doanh nghiệp tại Hưng Yên.

Thượng sĩ Bùi Đức Tùy, Thượng sĩ Phan Văn Hóa, Thượng sĩ Đinh Văn Bình, Thượng sĩ Nguyễn Văn Hợi, Trung sĩ Hoàng Thanh Bình, Trung sĩ Nguyễn Hữu Nghị giờ đây là những nông dân thực thụ. Người làm đầm nuôi tôm, người thầu hồ nuôi cá… Trong cuộc mưu sinh đầy vất vả, các anh đều vượt qua những thử thách của thời tiết, vượt qua những khó khăn của thời “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa” trụ vững, trở thành những nông dân sản xuất giỏi ở địa phương.

Gặp các anh vừa rồi, ai cũng đều rưng rưng khi nhắc đến Trung sĩ Phan Văn Huỳnh - người cùng dầm sương, cùng “màn trời, chiếu đất” suốt 45 ngày đêm trên bán đảo Sơn Trà vừa nuôi thương binh, vừa tổ chức các trận đánh làm cho địch thất điên, bát đảo, do nhiễm chất độc da cam đã ra đi mãi mãi.

Trận đánh ấy được tóm gọn như sau: Nhận lệnh của trên đúng vào thời điểm miền Trung đang mùa mưa bão. Vượt biển từ Hải Vân sang Sơn Trà trong điều kiện thời tiết ấy là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, không thể vì khó khăn mà không hoàn thành.

Vượt biển vào mùa “gió chướng” tuy vất vả, nhưng việc tuần tra của địch trên biển cũng lơi là hơn. Đêm 16-9-1974, 6 chiến đấu viên dưới sự chỉ huy của Chuẩn úy Trần Văn Huân âm thầm vượt biển sang bán đảo Sơn Trà. Gần 1 đêm vật lộn với sóng to gió lớn, các anh cũng sang được đảo. Chỉ kịp chợp mắt lúc trời chưa sáng, vừa rõ mặt người là 4 chiến sĩ đánh khu radar đối hải phải cắt rừng từ phía bắc sang phía nam bán đảo. 2 chiến sĩ còn lại tổ chức trinh sát tàu thuyền của địch vào cảng Tiên Sa.

Và theo hợp đồng tác chiến, cùng trong đêm 19-9, hai tổ cùng xuất kích đánh phá mục tiêu. Mọi việc sẽ suôn sẻ hơn, nếu trận đánh khu rada đối hải không xảy ra tình huống bất ngờ. Khi bộ đội ta đang tiềm nhập sát mục tiêu thì ở hướng đánh khu kho giã chiến và bãi đậu xe của địch buộc phải đánh cường tập, do một lính ngụy ra ngoài giáp mặt với chiến sĩ Tùy đang gắn khối nổ vào mục tiêu.

Trận đánh thành công, phá sập khu radar, tiêu diệt toàn bộ sĩ quan, nhân viên kỹ thuật đang vận hành máy, nhưng chiến đấu viên Bùi Đức Tùy bị xăng phủ bỏng gần như toàn thân. Cùng lúc chiếc tàu hàng vừa cập cảng Tiên Sa đã bị 2 chiến đấu viên Phan Văn Hóa và Nguyễn Hữu Nghị đánh chìm.

Trong điều kiện nuôi và điều trị thương binh trong lòng địch vô cùng khó khăn. Chuẩn úy Huân quyết định: Anh cùng 2 chiến đấu viên khác là Đinh Văn Bình và Nguyễn Đức Hợi vượt biển về báo cáo đơn vị. 2 chiến đấu viên là Phan Văn Hóa và Nguyễn Hữu Nghị ở lại nuôi thương binh.

Được Tiểu đoàn tăng cường cho 1 y tá (nguyên là 1 chiến đấu viên vừa hoàn thành lớp đào tạo y tá tại chức). Người “thầy thuốc” ấy là Trung sĩ Phan Văn Huỳnh, cùng với Trung sĩ Hoàng Thanh Bình đưa thuốc quân y sang đảo cứu chữa thương binh.

Như một “phép màu”, ở ngay sát nách địch trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, “thầy thuốc” chỉ có trình độ y tá, “hộ lý” quen với kỹ thuật tác chiến, đâu quen với việc lau rửa vết thương, mà cứu sống thương binh bỏng tới 50% cơ thể bị nhiễm trùng nặng. Không chỉ vậy, trước khi đưa thương binh rời đảo, các anh còn tổ chức một trận đánh bồi, nhấn chìm 1 tàu chở đầy lính biệt kích, thám báo của địch vừa cập cảng.

Những trận đánh không có trong báo cáo chiến lệ của Chiến dịch Thượng Đức. Chiến công thầm lặng của các chiến sĩ đặc công Mặt trận 44 Quảng Đà đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch.

Đặng Trung Hội

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps