Đà Nẵng: Vì sao sóng phát thanh ở quận Ngũ Hành Sơn bị chèn?

21:40 | 20/07/2016

2,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dư luận cho rằng, việc phát ngôn với báo chí của lãnh đạo và một số cán bộ của quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), về tình hình Đài Truyền thanh quận và một số trạm phát sóng ở các phường trong quận này bị “chèn sóng” là cách nói của “thầy bói xem voi”.  

1. Ngày 18/7/2016, Group facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp, người dùng có tài khoản Jimno Song Ngọc đã đăng tải dòng trạng thái liên quan vấn đề “Đài Phát thanh quận Ngũ Hành Sơn phát thì đều bị phát qua tiếng Trung Quốc…”.

Sau đó phóng viên một số báo đã trực tiếp gặp, hoặc điện thoại đến lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn.

Trả với báo chí, bà Nguyễn Thị Anh Thi Chủ tịch UBND quận: Sở dĩ có tình trạng này là do phía Trung Quốc đang “phát sóng cực mạnh” nhắm vào các địa phương ven biển miền Trung nước ta!

da nang vi sao song phat thanh o quan ngu hanh son bi chen

Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực III khẳng định không có chuyện sóng vô tuyến Trung Quốc tại khu vực ven biển miền Trung rất mạnh.

Thông tin từ bà Phó chủ tịch quận theo chúng tôi là thiếu tính thuyết phục, bởi nếu Trung Quốc phát sóng cực mạnh từ biển thì không riêng gì đài Truyền thanh và một số trạm truyền thanh của quận này bị “chèn sóng”!

Cùng nằm theo trục ven biển của thành phố Đà Nẵng tại sao các đài truyền thanh ở các quận: Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu không bị “chèn sóng” như ở Ngũ Hành Sơn!? Và nếu có tình trạng này, thì không riêng quận Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng, các địa phương lân cận khác như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng sẽ gặp tình trạng tương tự.

Bà Thi còn cho biết thêm: giải quyết vấn đề này là “ngoài tầm tay” của quận, mà phải do Cục Tần số. Về hướng xử lý trước mắt, một mặt quận báo cáo với cơ quan chức năng (Sở Thông tin - Truyền thông thành phố), mặt khác lãnh đạo quận “cho dừng phát sóng” khoảng 1 tháng để nâng cấp đài và các trạm phát sóng trên địa bàn.

Còn theo ông Mai Xuân Thủy (Phó chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn), hiện tượng bị “chèn sóng” là do các resort, do người Trung Quốc làm chủ đầu tư, hiện đã xác định được vị trí !?

Sáng ngày 19/7, chúng tôi có buổi làm việc với ông Phan Thanh Liêm, Trưởng Đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn. Sau một hồi giải thích về kỹ thuật, ông Liêm cho hay, sự việc bị “chèn sóng” xảy ra lâu rồi, nhưng mức độ “bị chèn” cũng chỉ “5-7 giây” thôi. Ông Liêm nói: “Cái sóng này chèn vào lúc mình không phát thanh, còn khi mình phát thanh thì sóng đó không lấn được”!

Lạ thật “chèn sóng” vào lúc “mình không phát thanh”. Không phát thanh sao biết có bị “chèn” hay không? Nếu không phát thanh, sao ông Liêm lại nói: “Nó nói rồ rồ trên đó, nói tiếng Trung mà mình có biết tiếng Trung đâu mà biết nó nói chi”. Rồi ông nhận xét: “Theo tôi nghĩ có một số loa đặt trước nhà họ (nhà dân địa phương-PV), một số người không thích, nhiều khi sóng nhiễu, rồ rồ một cái là người ta bực mình cho nên nhân lúc này phản ánh chứ còn thực ra khi anh em biết thì sẽ xử lý ngay”.

Thế có nghĩa đài truyền thanh và các trạm phát trên địa bàn, quá trình phát sóng là “bị nhiễu” chứ không phải bị “chèn sóng”, và những phản ảnh của người dân là do “bực mình”.

Chẳng biết thực hư việc này ra sao. Khi bà Chủ tịch UBND quận khẳng định, “bị Trung Quốc phát sóng cực mạnh từ biển vào”, ông Phó văn phòng UBND quận lại nói bị “chèn sóng” là do các resort, còn ông Trưởng đài truyền thanh thì “đã nhiều lần đề xuất Cục Tần số…”. Thông tin không thống nhất, không chỉ thiếu tính định hướng dư luận, mà còn gây hoang mang cho nhân dân.

2. Ngay sau khi có thông tin từ các cơ quan truyền thông, Sở Thông tin - Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III và UBND quận Ngũ Hành Sơn khẩn trương xác minh sự việc. Đoàn công tác đã đến hiện trường cụm loa được phản ánh là có hiện tượng “nhiễu” sóng. Đây là 1 trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn thu sóng do đài truyền thanh không giây của phường Khuê Mỹ phát trên tần số 97,5MHz đã được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép.

Tại địa chỉ này, trong khoảng thời gian từ 16h00 - 16h30, khi đoàn kiểm tra cho cắm điện cụm thu và phát sóng thì loa hoạt động bình thường, không bị nhiễu. Theo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III thì hiện nay, tần số, thiết bị vô tuyến điện đều được thực hiện quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

da nang vi sao song phat thanh o quan ngu hanh son bi chen

Cụm loa tại phường Khuê Mỹ có hiện tượng nhiễu sóng đã được ngắt nguồn bộ thu.

Từ khi nhận được thông tin nhiễu sóng nêu trên (từ 12 giờ đến 19h30 ngày 18/7/2016), thông qua hệ thống kiểm soát tần số, chưa phát hiện có hiện tượng nhiễu sóng tại tần số tần số 97,5MHz của Đài Truyền thanh phường Khuê Mỹ.

Sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chuyên môn, và Sở Thông tin - Truyền thông thành phố bước đầu đã tạo sự yên tâm cho dư luận và nhân dân địa phương. Chiều ngày 19/7, để thông tin một cách cặn kẽ và đầy đủ hơn cho bạn đọc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trương Công Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III. Tại đây chúng tôi nêu nhiều câu hỏi liên quan đến hiện tượng bị cho là “chèn sóng”, với tinh thần được nghe giải thích một cách thấu đáo nhất. Và đã nhận được sự hợp tác tích cực từ ông Hạnh.

Theo lý giải của ông Hạnh, nếu có sóng mạnh chạy dọc bờ biển miền Trung thì làm sao nhiễu chỉ có 1 cụm loa của đài phường. Nó sẽ nhiễu hết tất cả đài phường ven biển. Xin nhắc lại là “nhiễu” chứ không phải là “chèn sóng” (PV). Chúng tôi nêu vấn đề: Như vậy, có nghĩa là Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III khẳng định là việc nhiễu sóng không phải do sóng Trung Quốc? Ông Hạnh nói dứt khoát: “Nếu nói các đài phát sóng Trung Quốc phát dọc bờ biển là không có. Còn nếu có ở trên đất liền thì Trung tâm sẽ tìm ra và xử lý được”.

Về thông tin các khu resort của người Trung Quốc làm chủ đầu tư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn phát sóng gây nhiễu? Ông Hạnh cho hay, ở các khu resort hiện nay có dùng máy bộ đàm. Và tất nhiên phải được Cục Tần số cấp phép. Việc sử dụng bộ đàm dùng băng tần khác với băng tần của các trạm phát thanh không dây. Về mặt kỹ thuật, hai băng tần khác nhau thì không thể gây nhiễu cho nhau.

Như vậy, việc một số cụm loa phát thanh không dây đôi khi bị “nhiễu sóng” là không có gì bất thường và khó hiểu. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng tôi xin trích đăng văn bản mà Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III gửi cho chúng tôi.

3. Ngày 18/7/2016, ngay sau khi nhận được văn bản của Sở TT&TT Đà Nẵng đề nghị phối hợp kiểm tra tình trạng can nhiễu cho các đài truyền thanh không dây (TTKD) trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn,

Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III đã tiến hành thu thập các thông tin, tổ chức kiểm soát trên tần số 97,5 MHz đã được Cục Tần số cấp phép cho Đài TTKD phường Khuê Mỹ; kiểm tra thực tế tại địa điểm xảy ra can nhiễu đồng thời làm việc với UBND quận, Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn để thống nhất các nội dung liên quan. Trung tâm đã xác định:

- Đài Truyền thanh Quận Ngũ Hành Sơn không bị can nhiễu như một số báo đưa tin. Nhiễu xảy ra theo phản ánh của người dân là tại 1 cụm loa thu của Đài TTKD phường Khuê Mỹ - quận Ngũ Hành Sơn.

- Không tồn tại đài phát sóng FM của Trung Quốc trên địa bàn Trung tâm quản lý nói chung và địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng. Không có hiện tượng cố tình “chế áp sóng”, chèn sóng tiếng Trung Quốc trong khi đài truyền thanh đang phát. Tiếng nước ngoài nghe được theo phản ánh của người dân xảy ra vào thời điểm 14 giờ là thời gian đài truyền thanh Quận và đài TTKD các phường đã ngừng phát.

- Không thể có tình trạng các máy bộ đàm từ các resort của Trung Quốc phát trùng tần số 97,5 MHz như một số nguồn tin phỏng đoán do băng tần số của hai thiết bị này là hoàn toàn khác nhau.

da nang vi sao song phat thanh o quan ngu hanh son bi chen

Ông Phan Thanh Liêm, Trưởng Đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Sự lan truyền của sóng vô tuyến điện trong không gian là không biên giới và rất phức tạp. Trong thời gian qua, Trung tâm Tần số VTĐ Khu vực III cũng đã tiếp nhận và xử lý nhiều vụ can nhiễu do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, tạo ra các đường truyền sóng bất thường, làm cho sóng vô tuyến V/UHF có thể truyền đi rất xa. Hiện tượng này gọi là “ống dẫn sóng đối lưu”.

Ống dẫn sóng đối lưu là một dạng môi trường truyền sóng. Sóng vô tuyến V/UHF truyền trong môi trường này có suy hao rất thấp nên truyền đi rất xa đến hơn 1000 km, thậm chí hơn 2000 km. Thực tế đã có một số trường hợp chứng minh cho hiện tượng siêu truyền dẫn này nhưng đa số là tín hiệu FM và tín hiệu truyền hình.

Trên thế giới, một số quốc gia đã có hẳn một trang web chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của ống dẫn sóng đối lưu đến quá trình truyền sóng. Thậm chí người ta có thể dự báo được hiện tượng nhiễu sóng này sẽ xảy ra trên tần số nào, vào các thời điểm nào.

Ống dẫn sống đối lưu hình thành khi có sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột của không khí gọi là đảo nhiệt hay nghịch nhiệt (temperature inversion).Hiện tượng này xảy ra khi có sự tiếp xúc của lớp không khí lạnh và lớp không khí ấm hơn. Giới hạn giữa 2 lớp không khí này được gọi là weather front (theo khí tượng học thì định nghĩa này gọi là giới hạn phân tách giữa 2 lớp không khí có đặc tính khác nhau) chính là ống dẫn sóng đối lưu (troposheric ducting) Sóng vô tuyến khi truyền trong môi trường này bị phản xạ nhiều lần và suy hao rất ít nên có thể truyền đi được rất xa.

Hiện tượng này thường xảy ra nhiều nhất ở các khu vực ven biển tiếp giáp với vùng biển rộng. Vì vậy, việc các sóng vô tuyến V/UHF từ Trung Quốc hay các quốc gia khác lan truyền đến và gây nhiễu theo cơ chế ống dẫn sóng nêu trên là có thể xảy ra.

da nang vi sao song phat thanh o quan ngu hanh son bi chen
Hình ảnh minh họa ống dẫn sóng tầng đối lưu

Đối với những trường hợp can nhiễu như trên, thông thường chỉ xảy ra theo mùa, trong thời gian rất ngắn, mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Để giải quyết can nhiễu này, Trung tâm đã giải thích, hướng dẫn các đơn vị áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục chất lượng thiết bị, hoặc thực hiện các giải pháp khác - cụ thể là: nâng mức ngưỡng máy thu, điều chỉnh hướng anten thu phát, sử dụng công nghệ mã hóa các cụm thu để các cụm thu chỉ nhận được tín hiệu đúng với tín hiệu đài phát đã được mã hóa (đối với các cụm loa thu nếu không có bộ mã hóa thì loa sẽ tự động phát khi thu được tín hiệu cùng tần số)… nhằm tránh tình trạng can nhiễu lặp lại.

Các cụm loa bị chèn sóng là do ống dẫn sóng đối lưu

Tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng hiện có 78 cụm loa trong các khu dân cư thuộc đài truyền thanh của 4 phường Khuê Mỹ, Mỹ An, Hòa Hải và Hòa Quý. Các đài phường thực hiện việc tiếp âm và phát sóng từ đài truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn vào thời gian: buổi sáng từ 5h30 - 6h30, buổi trưa từ 11h00 -11h30 và buổi chiều từ 17h00 - 17h30 hằng ngày.

Cụm loa theo phản ánh bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung Quốc được đặt tại số nhà số 28, đường Trương Văn Hiến, phường Khuê Mỹ. Đây là 1 trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ, thu sóng phát trên tần số 97,5MHz. Tần số này đã được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép hoạt động.

Như vậy, thông tin mà bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cung cấp là: Đài truyền thanh quận bị “chèn sóng”, là do Trung Quốc “phát sóng cực mạnh” vào ven biển miền Trung là chưa chính xác.

Vì không bị “chèn sóng”, nên việc dừng phát sóng của đài quận này chắc chắn sẽ không xảy ra. Nếu có, thì chỉ là một số trạm phát sóng không dây ở các khu dân cư có thể dừng phát sóng để nâng cấp.

Được biết, đây không phải lần đầu, các đài truyền thanh phường của quận Ngũ Hành Sơn bị nhiễu sóng. Trước đó, Đài Truyền thanh phường Mỹ An cũng đã bị nhiễu sóng và phải nâng cấp thiết bị, lắp thêm bộ chống nhiễu, tăng công suất hoạt động.

Tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) cũng đã xảy ra hiện tượng nhiễu sóng từ gần một tháng qua. Cũng trùng với những đặc điểm giống hiện tượng nhiễu sóng tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Đó là không xảy ra vào khung giờ phát sóng chính của đài, diễn ra trong thời gian ngắn, không thường xuyên.

Theo lý giải của Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III, hiện tượng một số cụm loa tại khu vực miền Trung bị chèn sóng là do hiện tượng ống dẫn sóng đối lưu và bị can nhiễu có thể do các hiện tượng thời tiết.

Trung tâm này cũng khẳng định, không tồn tại đài phát sóng FM của Trung Quốc trên địa bàn Trung tâm quản lý nói chung và địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng. Không có hiện tượng cố tình “chế áp sóng”, chèn sóng tiếng Trung Quốc trong khi đài truyền thanh đang phát. Tiếng nước ngoài nghe được theo phản ảnh của người dân xảy ra vào thời điểm 14h là thời gian đài truyền thanh quận và đài truyền thanh không dây của các phường đã ngừng phát.

Và không thể có tình trạng các máy bộ đàm từ các resort của Trung Quốc phát trùng tần số 97,5 MHz như một số nguồn tin phỏng đoán do băng tần số của hai thiết bị này là hoàn toàn khác nhau.

Trung tâm này cũng cho biết đã có tiếp nhận kháng nghị và xử lý nhiều trường hợp không chỉ là các đài truyền thanh không dây mà còn nhiều mạng đài vô tuyến khác như trường hợp 1 đài taxi tại Hưng Yên gây nhiễu cho taxi Mai Linh Thừa Thiên - Huế. Hoặc các can nhiễu của đài truyền thanh huyện Triệu Phong Quảng Trị, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)… cũng đều do tình trạng ống dẫn sóng đối lưu như đã giải thích.

Trung Hội - Thanh Hiếu