Đà Nẵng sẽ thành trung tâm dịch vụ dầu khí?

07:00 | 07/07/2018

3,963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Đà Nẵng hoàn toàn hội đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm dịch vụ hậu cần cho ngành Dầu khí ở miền Trung…” - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã khẳng định khi ra giàn khoan thăm dò tại giếng Cá Lăng 1X Lô 120.

Cơ sở hạ tầng tốt nhất

Đà Nẵng, thành phố trung tâm của miền Trung hiện có cơ sở hạ tầng không chỉ vào loại tốt nhất ở miền Trung, mà còn tốt nhất cả nước.

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng hiện có 4 hãng hàng không nội địa và 22 hãng hàng không quốc tế đang khai thác. Từ Đà Nẵng đã có 9 tuyến bay nội địa, 39 tuyến đường bay đi quốc tế, trong đó có 15 đường bay trực tiếp thường kỳ và 24 đường bay trực tiếp thuê chuyến, với hơn 200 chuyến bay trong nước và quốc tế mỗi ngày. Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng được xếp vị trí thứ 23 trong top 30 sân bay tốt nhất châu Á.

Đà Nẵng còn có cảng nước sâu, là một cảng biển tổng hợp quốc gia, đang được quy hoạch để trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế (cảng loại IA) trong tương lai. Hiện nay, cảng Đà Nẵng có 3 khu bến: Tiên Sa - Sơn Trà, Liên Chiểu và Thọ Quang.

Tiên Sa - Sơn Trà là khu bến chính và là bến cảng tổng hợp có luồng vào dài 8km, độ sâu -12m, có khả năng tiếp nhận tàu 3-5 vạn DWT, tàu container tới 4.000 TEU và tàu khách du lịch tới 10 vạn GRT. Theo quy hoạch, khu bến này sẽ được nâng cấp để có thể đón nhận tàu 50 vạn DWT vào năm 2020.

Liên Chiểu hiện nay là khu bến chuyên dùng gắn liền với khu công nghiệp Liên Chiểu, có khả năng tiếp nhận tàu tới 10 nghìn DWT, sẽ được nâng cấp để trong tương lai thành khu bến tổng hợp và thay khu bến Tiên Sa - Sơn Trà làm khu bến chính, có thể nhận tàu tới 80 nghìn DWT vào năm 2020, có khả năng đạt 46 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thọ Quang là khu bến nhằm phục vụ nhu cầu khai thác của khu bến cảng cá Thọ Quang và các cảng của nhà máy quân sự trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tiếp nhận tàu trọng tải cho đến tàu 10.000DWT.

Đà Nẵng còn có các cơ sở nghỉ dưỡng lý tưởng, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort do Tập đoàn Sun Group đầu tư và Tập đoàn InterContinental Hotel Group (IHG) quản lý đã được vinh danh trong Top 10 khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á…

Những tín hiệu tích cực

Ngành công nghiệp tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở miền Trung vẫn còn đang trong giai đoạn phôi thai. Kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, khu vực này đang dần hình thành một trung tâm lọc hóa dầu nói riêng và trung tâm dầu khí nói chung.

da nang se thanh trung tam dich vu dau khi
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trao đổi với kỹ sư, chuyên gia Eni Việt Nam tại giàn khoan

Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực miền Trung đang có những tín hiệu hết sức tích cực.

Đã có những những kết quả khả quan trong việc xác định trữ lượng dầu khí đã thăm dò. Còn nhớ, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC 2017 tại Đà Nẵng, ngày 9-11-2017, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ).

Tại buổi làm việc, các bên tiếp tục trao đổi để thống nhất điều kiện cho các mốc thời gian quan trọng (FEED, FS, FID...) nhằm triển khai Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh đúng thời gian đã xác định. Hiện Exxon Mobil đang tích cực triển khai công tác nghiên cứu tối ưu phục vụ thiết kế cơ sở, chuẩn bị triển khai đấu thầu phần khảo sát trên bờ (giai đoạn 1) cho vị trí nhà máy xử lý khí và hành lang tuyến ống dẫn khí đến nhà máy điện.

Gặp gỡ báo giới trong Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC 2017, ông Liam Mallon - Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil - cho biết: Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh sẽ được khai thác vào năm 2019, sẽ mang lợi ích cả gián tiếp và trực tiếp cho cả đất nước Việt Nam, không giới hạn chỉ ở khu vực miền Trung.

Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88km về phía đông được Exxon Mobil thăm dò và phát hiện. Trữ lượng thu hồi tại chỗ của mỏ khí này khoảng 150 tỉ m³, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ (thuộc dự án khí Nam Côn Sơn lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại).

Cùng với Exxon Mobil, Eni Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Eni Spa (Italia) hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí - đang tiến hành tìm kiếm, thăm dò tại khu vực biển miền Trung.

Trao đổi với chúng tôi tại giàn khoan, ông Minh Nguyễn - Giám đốc luật, tư vấn pháp lý cao cấp của Eni Việt Nam cho biết: Hiện nay, Eni Việt Nam là nhà điều hành 5 lô ở bể Phú Khánh và Nam Sông Hồng ngoài khơi miền Trung Việt Nam: Lô 114, 116, 120, 122 và 124 với tổng diện tích khoảng 31.000km2. Eni Việt Nam đã tiến hành khoan 2 giếng thăm dò vào năm 2013, trong đó có 1 giếng biểu hiện dầu khí và 1 giếng phát hiện tuy không đủ trữ lượng để phát triển khai thác thương mại, nhưng rất có ý nghĩa cho các hoạt động thăm dò sau này. Các hoạt động thăm dò vẫn đang tiếp tục được tiến hành với giếng Cá Lăng 1X lô 120 năm 2018, sau đó vào năm 2019, Eni sẽ tiếp tục khoan thêm 2 giếng ở khu vực nước nông và năm 2020 khoan 2 giếng ở khu vực nước sâu.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Đà Nẵng có những lợi thế như vậy, nhưng nếu để trở thành một trung tâm dịch vụ dầu khí thì một trong những vướng mắc cần tháo gỡ ngay là tiến hành dự án cải tạo, nạo vét luồng hàng hải vào khu bến cảng Sơn Trà. Được biết, Cục Hàng hải Việt Nam được giao nhiệm vụ làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của dự án này. Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đề xuất dự án tại Quyết định số 3472/QĐ-BGTVT ngày 7-11-2016. Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn triển khai, nên ngày 23-5-2018, Cục Hàng hải Việt Nam đá có Công văn số 1979/CHHVN-KHĐT trình Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh dự án.

da nang se thanh trung tam dich vu dau khi
Giàn khoan thăm dò giếng Cá Lăng 1X Lô 120, do Eni Việt Nam đang triển khai

Vì thế, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến luồng hàng hải vào khu bến cảng Sơn Trà kéo dài suốt từ tháng 7-2016 đến nay. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng không phải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của dự án này. Song lãnh đạo thành phố sẽ tích cực đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ để dự án sớm hoàn thành. Về phần mình, Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dự án triển khai nhanh nhất, có hiệu quả nhất.

Đà Nẵng hoàn toàn hội đủ mọi điều trở thành trung tâm các dịch vụ hậu cần cho ngành Dầu khí. Song, chỉ vì một vướng mắc về nguồn vốn mà kéo dài thời gian triển khai một dự án quan trọng. Đừng để cả một hạ tầng khổng lồ từ sân bay, bến cảng, đến giao thông… đã được triển khai đồng bộ mất đi thời cơ chỉ vì một dự án bị kéo dài.

Eni Việt Nam đang là nhà điều hành 5 lô ở bể Phú Khánh và Nam Sông Hồng ngoài khơi miền Trung Việt Nam gồm: Lô 114, 116, 120, 122 và 124. Các hoạt động thăm dò đang tiếp tục tiến hành với giếng Cá Lăng 1X lô 120 năm 2018. Năm 2019, Eni sẽ khoan thêm 2 giếng ở khu vực nước nông và năm 2020 khoan 2 giếng ở khu vực nước sâu.

Đặng Trung Hội

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps