Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp

18:00 | 02/09/2015

2,627 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày nay, nhắc đến Đà Lạt hẳn mỗi chúng ta sẽ nghĩ ngay đến thành phố ngàn hoa, thành phố tình yêu và nỗi nhớ, thành phố sương mù… Nhưng ít ai biết rằng, Đà Lạt được tạo dựng vào cuối thế kỷ 19 từ những dự định trái ngược và tranh chấp nhau: nó sẽ là một vườn ươm, một pháo đài chống bệnh tật, một trung tâm của quyền lực thực dân, một căn cứ quân sự, một đỉnh cao để từ đó thống lĩnh Đông Dương.

Chúng ta thật sự bất ngờ khi biết rằng vào cuối thế kỷ XIX các nhà qui hoạch Đà Lạt tìm cảm hứng ở nhiều nơi như tham khảo rất nhiều đến Petropolis ở Brazil, đến Baguio ở Philippines, đến Pháp và dãy Alps Thụy Sĩ, đến Côte d’Azur và đến những thị trấn đồi núi ở Hòa Lan mà lúc bấy giờ còn gọi là Hòa - Ấn (Netherland Indies).

Nói cách khác, Đà Lạt hiện đại và hoàn cầu từ trong tinh chất. Vậy mà nó cũng là tỉnh lẻ: khu nghỉ dưỡng này nổi tiếng vì các phong cách vùng Basque, Bretagne, Normandie và Provence, chẳng hạn. Nhà sử học người Canada gốc Pháp Eric T.Jenning đã mất 10 năm để hoàn thành công trình nghiên cứu này, và cuốn sách đã góp phần quan trọng trong việc khám phá những nguồn gốc và tiến hóa của Đà Lạt trong kỷ nguyên thuộc địa, khảo sát nhiều căng thẳng và nghịch lý trên đường đi của nó.

Theo Eric T.Jenning thì Đà Lạt sẽ còn quyến rũ mọi người lâu dài. Dường như nó gieo niềm hoài nhớ cho ngay cả một thế hệ trẻ Việt Nam, những người xem nó như một nơi chốn lãng mạn và thoát ly. Cảm nhận đương đại này, về nhiều mặt, là sự đứt đoạn với cảm nhận thực dân Pháp về Đà Lạt như một sự thay thế cho nước Pháp, một bản sao thu nhỏ của mẫu quốc.

Chỉ cách TP Hồ Chí Minh (trước đây là Sài Gòn) gần 300 km về phía Đông Bắc, khu nghỉ dưỡng miền núi thời thực dân này có hàng trăm biệt thực lạ mắt của nhiều vùng miền Pháp, sân gôn của cựu hoàng Việt Nam, một khách sạn xa hoa tráng lệ, những trường nội trú thời thuộc địa, chùa chiền và tu viện - tất cả nằm giữa những hàng thông cao và những cái hồ nhân tạo. Cả đất đai, cả kiến trúc lẫn khí hậu đều không có cái nào giống với những gì mà hầu hết du khách chờ đợi sẽ tìm thấy ở Việt Nam.

hinh-1-2
Khách sạn Dalat Palace được hoàn thành vào năm 1922

Với gần 650 trang bảng tiếng Việt, trong đó có gần 100 trang chú thích và thư mục “Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp” đã cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh lịch sử vùng đất này từ cuối thế kỷ XIX đến khi Đông Dương thuộc Pháp sụp đổ và những thời kỳ lịch sử sau đó. Đây không phải là cuốn sử liệu khô khan theo kiểu biên niên mà Eric T.Jenning đã thổi vào đó một cách viết sử mới, rất hấp dẫn, ông vừa là nhà sử học – nhà văn – nhà dân tộc học…

Theo dịch giả Phạm Viêm Phương để dịch “Imperial heights, Dalat and the making and undoing of French Indochina” sang tiếng Việt, ông và cộng sự là dịch giả Bùi Thanh Châu và nhà báo Trần Đức Tài mất gần một năm trời. Và trong quá trình dịch, tìm hiểu tư liệu để dịch cuốn sách này ông mới giật mình thấy kiến thức phổ thông về Đà Lạt bị hỏng khá nhiều. Và ông cũng cho rằng người đọc chắc cũng giống như ông sẽ không ngờ Đà Lạt mênh mông, sâu thẳm, nhiều bí ẩn, ngồn ngộn tư liệu đến như vậy. Dịch giả Phạm Viêm Phương cũng cho rằng, giá trị cuốn sách này nằm ở chỗ, nhà sử học Eric T.Jenning khai thác gần như là tài liệu sơ cấp để viết.

hinh-1
Nhà báo Trần Đức Tài (bìa trái) và dịch giả Phạm Viêm Phương trong buổi tọa đàm về cuốn sách

Còn theo nhà sử học người Canada Eric T.Jenning thì nguồn tài liệu để viết về Đà Lạt là kết quả tìm tư liệu và điều tra ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Pháp, Thụy Sỹ, Canada và Mỹ. Nhiều hồ sơ trong các văn khố này cho đến tận gần đây mới được cho phép tiếp cận. Và ông cũng khẳng định rằng: “Quan trọng nhất, bản thân Đà Lạt là một câu chuyện hấp dẫn và nhiều gợi nhớ, một câu chuyện không cần phải kể bằng một bức bích họa kiểu tân thuộc địa, một mưu đồ tôn giáo thần bí, hay một giả thuyết chung nhất”.

Còn nhà báo Trần Đức Tài, một nhà báo và nhà dịch thuật tự do sống ở Đà Lạt đã kể cái duyên khi gặp nhà sử họcEric T.Jenning. Và nhà báo Trần Đức Tài khẳng định: “Cuốn sách thể hiện đầy đủ sự hình thành Đà Lạt từ thời Pháp thuộc từ mọi góc độ chính trị, kinh tế, quân sự, quy hoạch, giáo dục và thậm chí cả tôn giáo và du lịch. Không những thế, nguồn tư liệu phong phú của tác giả đã cung cấp vô số thông tin mới và lạ mà tôi không thể nào tìm thấy ở các tài liệu sẵn có trong nước”.

Cũng nên nói một chút về nhà sử học Eric T. Jennings. Ông là giáo sư sử học chuyên về chủ nghĩa thực dân Pháp hiện đại tại Đại học Victoria thuộc Viện Đại học Toronto. GS Eric T. Jennings là người Canada có mẹ là người Pháp và sinh ra ở Mỹ. Ông thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp không phải vì nhiều năm sống ở Canada nơi sử dụng hai ngôn ngữ này mà vì ông có thời gian đi học nhiều năm ở Paris.

Thời trung học, các thầy dạy sử đều khích lệ ông theo đuổi niềm yêu thích là sử học. Ở ĐH, ông chọn con đường chuyên về lịch sử thực dân Pháp là do đọc… tiểu thuyết. Nhiều cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh một số thuộc địa Pháp ở vùng biển Caribe đã khiến ông hứng thú và quyết định làm luận án tiến sĩ ở Berkeley với đề tài “Thế chiến thứ Hai ở ba thuộc địa Pháp là Guadeloupe, Madagascar và Đông Dương”.

Từ luận án tiến sĩ này, Eric T. Jennings đã viết lại thành cuốn sách mang tựa đề “Vichy in the Tropics” (Chính phủ Vichy ở vùng nhiệt đới) và được Đại học Stanford xuất bản năm 2001. Đến nay, Eric T. Jennings đã viết 5 cuốn sách về nhiều khía cạnh của lịch sử thực dân Pháp. Tất cả đều được giới sử học thế giới đánh giá xuất sắc và đều được dịch sang tiếng Pháp.

Riêng cuốn “Imperial heights, Dalat and the making and undoing of French Indochina”là cuốn thứ tư của Eric T. Jennings được NXB Payot, Paris xuất bản ở Pháp tháng 10-2013 với tựa đề “La Ville de l’éternel printemps” (Thành phố của mùa xuân vĩnh cửu). Được biết Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) ở Việt Nam trong cuốn “Đà Lạt – Et la carte créa la ville” (Đà Lạt – Bản đồ sáng lập thành phố) xuất bản bằng ba thứ tiếng Pháp – Việt – Anh đầu năm 2014 cũng sử dụng tài liệu tham khảo chính là cuốn “Imperial heights…” và nhờ GS Eric T. Jennings đọc lại bản thảo.

hinh-1-1
Nhà sử học Eric T.Jenning

Một cuốn sách viết về Đà Lạt và không gì hạnh phúc hơn khi nó được xuất bản tại Việt Nam. Do đó, trong bức thư gửi cho Ban tu thư Đại học Hoa Sen khi cuốn sách được xuất bản bản tiếng Việt tại Việt Nam, GS Eric T. Jennings viết: “Tôi vui mừng thấy cuốn sách này giờ đây hiện diện qua bản tiếng Việt. Tôi muốn cảm ơn ông Mai Sơn vì đã tin vào công trình này từ lúc bắt đầu và vì mọi việc mà ông làm để biến nó thành hiện thực. Tôi cũng xin cảm ơn dịch giả nhà báo Trần Đức Tài vì đã quan tâm đến cuốn sách này. Thật là vinh hạnh thấy cuốn sách được đọc qua bảng tiếng Việt và được đọc ở Đà Lạt”.

Chắc hẳn rằng trong mỗi chúng ta cũng từng đến Đà Lạt, đi một mình với bạn bè hay với gia đình và lãng mạn nhất là đi cùng người yêu, người tình. Nhưng cũng chưa nhiều người hiểu về một Đà Lạt trong quá khứ. Một Đà Lạt từng được người Pháp chọn làm đỉnh cao để xây dựng chủ nghĩa đế quốc ở Đông Dương. Nguồn sử liệu về sự hưng vong của Đà Lạt cho người đọc có cách nhìn rộng hơn về sự hưng vong của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Ngày nay những di sản còn lại trong tiến trình xây dựng Thành phố Đà Lạt, nổi bật là các công trình kiến trúc đã trở thành thương hiệu của thành phố ngàn hoa. Đây cũng là giá trị để thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước (nhất là du khách Pháp) đến nghỉ dưỡng, nhắc nhớ về một kỷ niệm xa xưa bên cạnh khí hậu mát mẻ quanh năm.

Và có lẽ, nhiều nhà văn, nhà sử học, nhà nghiên cứu trong nước.. sẽ có mong muốn tiếp tục nghiên cứu về Đà Lạt, còn những đôi tình nhân thì vẫn đến Đà Lạt để giữ một tình yêu lãng mạn, hưởng tuần trăng mật đáng nhớ.

Thiên Thanh