Cải cách hành chính trong ngành y tế:

Đã chuyển biến tích cực - nhưng đừng vội lạc quan!

07:00 | 08/07/2015

1,084 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế công bố ngày 25/6, trong hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính 5 năm qua của Bộ Y tế tại Hà Nội, dễ hình dung, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) có sự chuyển biến vượt bậc, khi tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ y tế công ở mức lý tưởng.  

Năng lượng Mới số 437

Phòng khám từ thiện Đông Hồ: Niềm vui nhân ái

Phòng khám từ thiện Đông Hồ: Niềm vui nhân ái

Nằm hiền hòa giữa một con ngõ nhỏ thanh bình, yên ắng trên đường Thụy Khuê, Hà Nội, phòng khám Đông Hồ của bác sĩ Nguyễn Văn Chương, hơn 20 năm qua đã trở thành ngôi nhà chung để ngày ngày đón bệnh nhân nghèo khắp nơi đến chữa bệnh.

Những con số gây sốc

Theo ThS Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế: Có tới 93,3% người dân hài lòng trong lĩnh vực KCB và 85,5% hài lòng với dịch vụ tiêm chủng; 84,8% người dân được hỏi cho biết sẽ quay trở lại với dịch vụ KCB và 94% cũng tiếp tục quay trở lại dịch vụ tiêm chủng khi có nhu cầu.

Đã chuyển biến tích cực - nhưng đừng vội lạc quan!
Phẫu thuật cho bệnh nhân bằng công nghệ cao

Trong lĩnh vực KCB, tuyến cung cấp dịch vụ càng cao thì tỷ lệ hài lòng của người sử dụng dịch vụ càng thấp: bệnh viện đa khoa huyện có tỷ lệ người bệnh hài lòng cao nhất là 88,6%, bệnh viện đa khoa tỉnh là 86%, trong khi tỷ lệ này ở bệnh viện tuyến trung ương dù thấp nhất cũng là 81,7%.

Ở các bệnh viện trung ương, tỷ lệ hài lòng cao nhất thuộc về nhóm chỉ số minh bạch thông tin và thủ tục hành chính, chiếm 88,7%, còn thấp nhất là về cơ sở vật chất, cũng là 84,2%.

ThS Vũ Thị Minh Hạnh giải thích nguyên nhân sự hài lòng giữa bệnh viện tuyến huyện với tuyến trung ương chênh lệch là do mức độ kỳ vọng của người dân với các cơ sở y tế tuyến huyện thường thấp hơn các tuyến trên. Hơn nữa, bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế huyện những năm gần đây được đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ cho nhân viên y tế. Trong khi đó, bệnh viện công lập tuyến tỉnh và tuyến trung ương thường xuyên bị quá tải về quy mô giường bệnh, lại xuống cấp về điều kiện cơ sở vật chất.

Do đó, lĩnh vực KCB cần tiếp tục được coi là trọng tâm để ngành y tế tập trung phấn đấu cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của nhân dân; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất và tăng khả năng tiếp cận nhằm gia tăng tỷ lệ hài lòng của người bệnh với bệnh viện tuyến trung ương.

Cũng theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, minh bạch thông tin và thủ tục hành chính là nhóm có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ y tế công hài lòng cao nhất tới 89,7%. Trong lĩnh vực tiêm chủng thì có tới 96% người dân hài lòng với thái độ, kiến thức, kỹ năng cung cấp dịch vụ của nhân viên y tế. Các nhóm có tỷ lệ hài lòng thấp nhất là khả năng tiếp cận và cơ sở vật chất cũng là 92,4%. Tỷ lệ hài lòng với cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm chủng tuyến tỉnh (95,3%), cao hơn tuyến huyện (91,4%).

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, kết quả này được thực hiện ở 5 bệnh viện tuyến trung ương và tương đương: Bệnh viện Bạch mai; Bệnh viện Nhi T.Ư; Bệnh viện Phổi T.Ư; Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên; Bệnh viện Từ Dũ và Sở Y tế của 4 tỉnh.

Thực tế không như báo cáo

Đặc biệt, với những con số hài lòng về các dịch vụ y tế công như bà Vũ Thị Minh Hạnh đưa ra thì rõ ràng, ngành y tế đã đạt được mức tương đương với chỉ tiêu Chính phủ giao trong giai đoạn 2016 - 2010 là 87,3% so với 80%.

Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của ngành y tế thời gian qua trong việc nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là việc giảm tải, cố gắng không nằm ghép, cũng như giảm thời gian chờ đợi cho người dân khi đi KCB, đổi mới phong cách và thái độ phục vụ người bệnh, cũng như cải thiện cơ sở vật chất ở các phòng khám bệnh.

Đặc biệt, với việc cải cách quy trình KCB, đã đơn giản hóa các thủ tục KCB, giúp giảm thời gian khám bệnh từ nhiều giờ xuống còn trung bình là 48,5 phút/người bệnh. Với mong muốn nâng cao chất lượng KCB, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong ngành y tế, xây dựng phương án đơn giản hóa 225 thủ tục hành chính, rà soát 8 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm và đề xuất sửa đổi 14 thủ tục, bãi bỏ 1 thủ tục.

Ngành y tế đã có sự thay đổi về phân cấp quản lý, bố trí luân phiên cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế và cải thiện chất lượng KCB tại các tuyến. Ngành còn tăng cường cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cấp phép, KCB.

Việc mở các kênh tiếp nhận thông tin như: đường dây nóng, fanpage… đã giúp lãnh đạo Bộ, Sở Y tế các địa phương nhận được những phản ánh trực tiếp của người dân về các bất cập trong ngành y tế, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, để làm tốt hơn công tác chăm sóc và điều trị cho nhân dân.

Song, với tỷ lệ người dân hài lòng về dịch vụ y tế cao như Viện Chiến lược và Chính sách y tế đưa ra, thì quả thật, không thể không băn khoăn. Bởi những con số trên có vẻ mâu thuẫn với chính những điều mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ ra tại hội nghị: Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người tương tác với facebook mang tên Bộ trưởng Bộ Y tế, trong số các ý kiến trao đổi, đa phần phàn nàn về thái độ cáu gắt, hoặc thờ ơ của nhân viên y tế.

Bộ trưởng đã đề nghị các cán bộ y tế phải đọc cả mạng xã hội để thấy được thái độ của người dân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác KCB, như thủ tục vào viện, thanh toán viện phí còn rườm rà, phòng khám còn xập xệ như Bệnh viện E v.v…

Một vấn đề nổi lên trong cải cách hành chính của ngành y tế là việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở KCB còn yếu. Hầu hết, hệ thống công nghệ thông tin tại các bệnh viện chưa hoàn chỉnh và chưa thống nhất ở tất cả các khâu trong quy trình KCB và trong công tác quản lý, điều hành, nên việc quản lý dữ liệu không có sự kết nối trong quản lý bệnh nhân cũng như quy trình KCB. Tình trạng này cho thấy việc cải cách hành chính tại các bệnh viện còn chậm và yếu, gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh.

Con số cuộc gọi qua đường dây nóng được Bộ Y tế đưa ra càng khiến nhiều người băn khoăn về kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế: Đã có trên 100.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của ngành y tế trong hơn một năm qua.

Bên cạnh một số ít ý kiến ca ngợi sự tận tụy của các thầy thuốc, thì đại đa số là phản ánh tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh, quy trình chuyên môn, viện phí và thủ tục KCB bảo hiểm y tế, những biểu hiện tiêu cực, vòi vĩnh của nhân viên y tế v.v… Từ đó, đã có gần 7.000 cán bộ bị nhắc nhở, 137 cán bộ bị khiển trách, 116 cán bộ bị cắt thi đua, 18 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác sang bộ phận khác, 6 cán bộ bị cách chức và 4 cán bộ bị nghỉ việc.

Chưa hết, từng có thời gian dài các bà mẹ không cho con đi tiêm chủng, hoặc chỉ cho con tiêm chủng vaccine dịch vụ, do có hiện tượng tiêm thuốc nhầm cho trẻ, rồi tiêm nhầm cả cho bà mẹ mang thai, thì liệu con số về việc người dân tin tưởng dịch vụ tiêm chủng cao tới 94,9% có thuyết phục?

Trước những con số quá “vênh” nhau trong cùng một vấn đề, tại cùng một hội nghị, chắc chắn, công chúng sẽ gửi niềm tin vào người đứng đầu của Bộ Y tế, vì đó mới phản ánh đúng ý kiến của người dân, thay vì tin vào những con số quá “lạc quan”. Chỉ khi nhìn thẳng vào sự thật, mới có thể thay đổi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả.

Trịnh Tú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc