Cựu Thủ tướng Chu Ân Lai là người đồng tính?

12:23 | 03/01/2016

11,045 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là câu hỏi xuyên suốt trong bài “Bí mật về giới tính của cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai” (La mystérieuse sexualité de l’icône communiste Zhou Enlai) trên nhật báo Le Monde (Pháp) ra ngày 3/1/2016.
tin nhap 20160103122150
Chu Ân Lai và vợ trong một bức ảnh chụp thập niên 1940.

Le Monde đặt vấn đề trên dựa vào cuốn sách “Đời sống tình cảm bí mật của Chu Ân Lai” (La Vie sentimentale secrète de Zhou Enlai), một tác phẩm mới của Tsoi Wing Mui, một nhà nghiên cứu Hồng Kông. Cuốn sách đã được phát hành ngày 31/12/2015 tại Hồng Kong nhưng bị cấm ở Trung Quốc.

Theo Le Monde, bà Tsoi Wing Mui, cựu Tổng biên tập tạp chí Open Magazine, đã bỏ ba năm để nghiên cứu cuốn nhật ký được viết vào năm 1918 của ông Chu Ân Lai, một trong những nhân vật chủ chốt trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chu Ân Lai, lúc đó là một sinh viên 19 tuổi đang học tại Nhật Bản, viết trong nhật ký: “Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy xúc động vì từ ‘tình yêu’”. Vài tuần trước đó, Chu Ân Lai đã rời thành phố Thiên Tân. Tại đây, ông sống chung với một nam sinh viên khác mang tên Li Fu Jing. Sau này, người bạn cùng phòng được nhận vào học tại đại học Hồng Kông.

Theo cách diễn giải của tác giả Tsoi Wing Mui, có thể chính việc Li Fu Jing chuyển sang học tập tại thuộc địa Anh mà nhà lãnh đạo tương lai viết những dòng chữ sau : “Mình không thể nào diễn tả được bằng ngôn từ nỗi đau sâu thẳm này. Mình mất phương hướng, mất ngủ. Mình thật đáng thương”.

Năm 1921, cả hai thanh niên đều sang Anh. Li Fu Jing nhanh chóng được nhận vào trường đại học Manchester. Còn Chu Ân Lai, không có đủ kinh phí để trang trải việc học tại Luân Đôn, quyết định sang Pháp, nơi ông được một tổ chức cộng sản đỡ đầu.

Đời tư của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là một chủ đề cấm kỵ và Chu Ân Lai vẫn là một hình mẫu tại Trung Quốc. Ông được đánh giá là thành phần ôn hòa so với Mao Trạch Đông. Người ta cho rằng ông là người đã dám đứng ra bảo vệ Tử Cấm Thành trước dự định phá hủy của quân đội trong cuộc Cách mạng văn hóa.

Vẫn theo suy luận của bà Tsoi Wing Mui, định hướng giới tính của Chu Ân Lai có thể là lời giải thích tại sao ông giữ khoảng cách với người vợ Đặng Dĩnh Siêu (Deng Ying Chao).

Năm 1925, gần tròn 5 năm họ không gặp nhau và chưa bao giờ thật sự sống cùng nhau, vì ông gửi thư cầu hôn bà từ châu Âu. Nhưng khi người vợ tương lai tới Quảng Châu gặp Chu Ân Lai, ông chỉ mỉm cười từ xa và vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện. Lịch sử chính thức cũng nêu rằng chính mối quan hệ vợ chồng lạnh nhạt đã khiến ông toàn tâm toàn sức vào sự nghiệp chính trị.

Giải thích với nhật báo Le Monde, tác giả cuốn sách cho biết : “Tôi không tìm cách hạ thấp những huyền thoại này, nhưng những gì tôi tìm thấy được trong quá trình nghiên cứu đã phá vỡ chúng”.

Bao Pu, chủ nhà xuất bản chuyên phát hành tiểu sử các nhà lãnh đạo Trung Quốc (bị cấm ở Trung Hoa đại lục) giải thích: “Các tài liệu chính thức, cũng dựa trên cuốn nhật ký, kết luận là Chu Ân Ai sang Pháp để nghiên cứu chủ nghĩa Mác thật sự. Trong khi đó, tác giả Tsoi Wing Mui, cũng đọc và nghiên cứu cuốn nhật ký đó, lại cho biết Chu Ân Lai muốn sang Anh với người bạn Li Fu Jing”.

H.Phan

Theo Le Monde

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc