Cuộc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa

07:50 | 30/04/2012

979 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với việc giành lại chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, ta đã thu giang sơn về một mối, cả đất liền, biển, đảo, tạo nên một thế chiến lược rất quan trọng trên vùng biển của Tổ quốc.

Cuộc tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc một cuộc chiến dài nhất thế kỷ XX. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và hình ảnh lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập là sự kiện đánh dấu chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt Nam sau 30 năm chiến đấu bền bỉ. Những chiến dịch lừng danh như Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn đã được nhân dân cả nước biết đến. Nhưng không phải ai cũng tường tận về một sự kiện diễn ra cách đó gần 1.000km nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với đất nước…

Tháng 4/1975 là những ngày hết sức sôi động của đất nước. Lúc này cả miền Bắc đang tập trung mọi sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong khi các quân đoàn, sư đoàn chủ lực đang nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến thì các đơn vị Hải quân lại đang tiến theo một hướng khác để thực hiện một nhiệm vụ vinh quang trên Biển Đông: Giải phóng quần đảo Trường Sa – một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc có vị trí chiến lượng quan trọng về kinh tế và quân sự đang do quân ngụy đóng giữ. Nhìn vào bản đồ, Biển Đông có độ sâu từ 2.000-4.000m, nổi lên 2 quần đảo lớn: Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong kháng chiến, tuyến chi viện đường biển của ta đã mở đường đi trong hải phận quốc tế qua Hoàng Sa và Trường Sa. Những đảo của Trường Sa đã được những “con tàu không số” sử dụng làm nơi dừng chân trên biển. Từ năm 1956, tranh chấp về chủ quyền đối với 2 quần đảo này diễn ra giữa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và chính quyền Sài Gòn.

Ngày 19 và 20/1 năm 1974, Trung Quốc cho quân tiến công chiếm đảo Hoàng Sa. Sự kiện này càng cho thấy tầm quan trọng của những mảnh đất xa xôi trên Biển Đông. Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định: Cần nhanh chóng tổ chức giải phóng ngay Trường Sa, nếu để chậm rất có thể quân đội nước ngoài sẽ xâm chiếm trước. Ngay sau khi quân ta đánh chiếm được quân khu 1 và 2 của ngụy trong đó có quân cảng Đà Nẵng. Bộ Tư lệnh đã giao nhiệm vụ trên cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Quân chủng Hải quân. Kế hoạch chiến đấu nhanh chóng được triển khai. Một biên đội tàu chiến và lực lượng đổ bộ được tổ chức, Chỉ huy trưởng là đồng chí Mai Năng.

Tướng Mai Năng

4h sáng ngày 11/4/1975, lực lượng giải phóng đảo được lệnh xuống tàu. Tướng Mai Năng nhớ lại: Các đơn vị lần lượt xuống 3 tàu của Đoàn 125 (Đoàn tàu không số), được cải dạng thành tàu đánh cá đè sóng hướng ra Trường Sa. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đặc công đều nằm ở hầm tàu, phía trên tàu là ngư cụ nghi binh. Tuy nhiên, vừa đi được vài chục hải lý, trên bầu trời bỗng xuất hiện máy bay địch, chúng quần thảo ngay phía trên tàu thăm dò. Ông Mai Năng quyết định tiếp tục hành trình, hướng ra vùng biển quốc tế như những tàu đánh cá nước ngoài. Quả thật sau vài lần quần thảo, thăm dò, máy bay địch bỏ đi, chúng tôi quay lại hướng Trường Sa thẳng tiến”.

Sau 3 ngày hành quân trên biển, lực lượng giải phóng áp sát đảo Song Tử Tây. Ban chỉ huy lệnh cho tàu lùi ra xa và thả trôi. Tới 1h5′ sáng ngày 14/4/1975, tàu 673 tiến vào vị trí thả xuồng, một bộ phận bơi vào đảo chính thức mở đầu cuộc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trên Trường Sa lúc này quân địch giữ 5 đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa. Mỗi đảo là một trận địa phòng ngự có lô cốt bằng bao cát, có từ 20 đến 100 quân, được trang bị súng cối 81mm, ĐKZ và các loại súng bộ binh. Ngoài ra chúng còn dùng 1-2 tàu nhỏ cơ động bảo vệ các đảo. Đêm 13/4/1975, các tàu ta tiếp cận Song Tử Tây. Tàu T673 thả neo cách đảo 500m, các tàu T674, T675 án ngữ phía bắc và phía nam đảo sẵn sàng chi viện cho cac lực lượng tấn công. 0h ngày 14/4, quân ta tổ chức thành 3 nhóm, mỗi nhóm đi trên 3 xuống cao su, 1 xuồng chở các khẩu đội cối ĐKZ, 2 xuồng chở quân đổ bộ. 1h, tàu T673 tiến sát đảo, chuẩn bị chiến đấu. 2h, quân đổ bộ bám được vào đảo và tiếp cận các mục tiêu trên đó. Đúng 4h30′ ngày 14/4/1975, quân ta đồng loạt nổ súng, sau nửa giờ ta đã tiêu diệt và bắt toàn bộ địch, nhanh chóng kéo lá cờ Tổ quốc lên cột bờ trên đảo. Giải phóng được đảo, quân ta tổ chức phòng ngự.

Cũng bằng lối đánh trên, ngày 25/4 ta giải phóng đảo Sơn Ca, ngày 27/4 đảo Nam Yết, ngày 28/4 đảo Sinh Tồn và ngày 29/4 đảo Trường Sa, hoàn thành nhiệm vụ sau nửa tháng với những cố gắng lớn nhất. Cuộc tiến công trên biển của ta đã được phối hợp nhịp nhàng với cuộc tiến công trên bộ vào Sài Gòn. Bằng lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến, cách đánh mưu trí, táo bạo, bí mật, bất ngờ và mau lẹ cùng tinh thần chiến đấu quả cảm, ta đã giành được thắng lợi một cách nhanh gọn. Với việc giành lại chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, ta đã thu giang sơn về một mối, cả đất liền, biển, đảo, tạo nên một thế chiến lược rất quan trọng trên vùng biển của Tổ quốc.

Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh đó vẫn in sâu trong ký ức của Thiếu tướng Mai Năng. Ông nhớ nhất câu nói của viên sĩ quan ngụy trên đảo Song Tử Tây sau khi bị bắt: "Khi thấy các ông nói tiếng Việt, chúng tôi đầu hàng ngay. Trước đó, chúng tôi chống cự bởi nghĩ nước ngoài đổ bộ chiếm đảo”. Có lẽ tinh thần dân tộc vẫn có trong những người lính ngụy Sài Gòn.

Trần Bích Phương

Báo Năng lượng Mới số 115-116 ra ngày 27/4/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc