Cuộc hôn phối dầu mỏ lý tưởng?

09:55 | 17/05/2011

527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đường ống dẫn dầu Nga – Trung đã trở thành một tin nóng trên các phương tiện truyền thông. Liệu đây có phải là cuộc hôn phối lý tưởng giữa nhà sản xuất dầu lớn nhất với nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới?

Đường ống dẫn dầu là cách đầu tiên để chuyển dầu thô trực tiếp từ Nga – nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới năm 2009 – tới Trung Quốc – nước mà năm 2010 đã trở thành nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Thực vậy, một số chuyên gia nhận định nếu cộng với việc chở dầu qua đường sắt hiện nay, lượng dầu mỏ Nga bán cho Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong vài năm qua. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là sự thay đổi căn bản trong quan hệ năng lượng giữa hai cường quốc lớn ở châu Á, vốn từ trước tới nay theo đuổi các chiến lược năng lượng khá độc lập, đôi khi còn cạnh tranh.

Mặc dù vậy, thực thế là lượng dầu mỏ Nga bán cho Trung Quốc chưa thể sớm được chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ như vậy. Lý do chính là dù Nga muốn xuất khẩu thêm nhiều dầu cho các khách hàng châu Á, nhưng điều này không hẳn đồng nghĩa với việc khách hàng ấy luôn là Trung Quốc.

Năm 2009 Nga trở thành nước cung cấp dầu mỏ lớn thứ tư cho Trung Quốc, mang đến 7,8% lượng dầu nhập khẩu vào nước này trong năm 2009, tăng so với mức 6,3% hồi năm 2008. Con số thấp như vậy thật đáng ngạc nhiên vì hai nước này lẽ ra phải là đối tác năng lượng tự nhiên nhờ vị trí địa lý khá gần nhau, trong khi Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ và Trung Quốc là nước ngày càng "đói” năng lượng.

Thêm vào đó, trữ lượng dầu và khí tự nhiên của Nga lại nằm ở vị trí gần Trung Quốc hơn các nguồn năng lượng mà nước này có thể nhập khẩu từ châu Phi hay vùng Vịnh. Điều này đồng nghĩa với việc trong khi dầu khí từ các châu lục này chỉ có thể đến Trung Quốc qua đường biển quốc tế rất dễ bị tổn thương trước sự can thiệp của hải quân nước ngoài và cướp biển, thì nguồn năng lượng từ nước láng giềng Nga có thể trực tiếp chảy vào lãnh thổ Trung Quốc bằng các tuyến đường bộ khá an toàn.

Vậy tại sao quan hệ năng lượng giữa hai nước này không phát triển? Cho đến gần đây, lý do quan trọng là cơ sở hạ tầng giao thông kết nối hai nước còn kém phát triển. Chẳng hạn, hầu hết dầu thô được vận chuyển bằng đường sắt qua biên giới Zabaikalsk-Manzhouli trên tuyến đường Chita-Harbin-Vladivostok. Tuyến đường này vừa tốn kém lại vận chuyển được khối lượng rất ít. Đối với nhà sản xuất dầu Nga, không chỉ vận tải đường sắt đắt gấp 2,5 – 3 lần so với vận chuyển bằng đường ống dẫn dầu, mà việc vận chuyển dầu bằng đường sắt sang Trung Quốc lại phải cộng thêm phụ phí xe container chở dầu tại biên giới vì chuẩn đường ray hai nước không tương đồng.

Tất cả những điều này khiến cho việc chuyển dầu và khí đốt qua các đường ống dẫn trở nên đặc biệt hiệu quả hơn. Vì vậy, hai chính phủ từ lâu đã bắt đầu đàm phán xây ống dẫn loại nào, ở đâu, khi nào và ai sẽ trả tiền xây dựng và bảo dưỡng chúng.

Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm như một số phương tiện truyền thông về vấn đề này: họ nhầm đường ống từ Đông Siberia tới Thái Bình Dương (ESPO) với đường ống Nga – Trung. Khi được hoàn thiện vào năm 2013 hoặc 2014, ESPO sẽ trải dài trên hơn 4.000 km, trở thành đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới (và với 25 tỷ USD, đây cũng sẽ là dự án hạ tầng đắt đỏ nhất thời hậu Liên Xô). Đường ống dẫn dầu từ Nga sang Trung Quốc chỉ là một nhánh nhỏ của ESPO.

Hành trình dài cả tuần lễ

Dầu thô được chuyển qua đường ống dẫn Nga-Trung bắt đầu hành trình dài một tuần lễ của mình từ thị trấn Skovorodino (vùng viễn Đông Amur của Nga), vào Trung Quốc ở thị trấn biên giới Mạt Hạt (Mohe) thuộc tỉnh Hắc Long Giang, qua Nội Mông và kết thúc ở thành phố Đại Khánh (Đông Bắc Trung Quốc).

Petro China, công ty khai thác đoạn ống dẫn ở Trung Quốc, sẽ chuyển dầu từ trạm Linyuan ở Đại Khánh vào mạng lưới ống dẫn dầu Đông Bắc Trung Quốc, cung cấp dầu cho nhà máy lọc dầu Đại Liên, Phủ Thuận và nhiều thành phố khác.

Dù nhiều năm qua, giới chức Nga và Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận một đường ống dẫn dầu trực tiếp nhưng mãi tới gần đây họ mới nhất trí một kế hoạch giải quyết vấn đề thực tế là các công ty năng lượng của Nga thiếu vốn và có thể phải nhận các nguồn đầu tư khổng lồ để xây dựng các đường ống này.

Tháng 4/2009, hai chính phủ đã ký kết một thỏa thuận cho vay đổi lấy dầu mỏ trị giá 25 tỷ USD, theo đó Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho các công ty năng lượng nhà nước của nga vay tiền để xây dựng và vận hành đoạn ống dài 67 km từ Skovordino tới Mạt Hạt. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng cam kết xây dựng một đường ống dài 1.000 km từ Mạt Hạt tới các nhà máy lọc dầu ở Đại Khánh. Tập đoàn Transneft của Nga xây dựng đoạn ống dẫn dầu, trong khi tập đoàn năng lượng Rosneft (cũng của Nga) cam kết cung cấp 300 triệu mét khối dầu cho đường ống này trong 20 năm.

Một số chuyên gia dự đoán đường ống dẫn dầu trên sẽ nhân gấp đôi lượng dầu từ Nga sang Trung Quốc trong vài năm tới, và chắc chắn lượng dầu cung cấp qua đường ống này sẽ là rất lớn. Theo thỏa thuận năm 2009, Nga sẽ chuyển trung bình 15 triệu tấn dầu thô mỗi năm từ năm 2011-2030, tương đương với khoảng 300.000 thùng/ngày trong vòng 20 năm tới.

Các quan chức hải quan Trung Quốc cho rằng dựa trên giá dầu thế giới hiện nay, 15 triệu tấn dầu Nga xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tương đương với 8 tỷ USD mỗi năm thêm vào kim ngạch thương mại song phương, trong đó hầu hết số tiền này sẽ chuyển trực tiếp vào Chính phủ Nga hoặc thông qua các loại thuế và sự kiểm soát của nhà nước đối với các công ty năng lượng của Nga. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ thu được hơn 1,5 tỷ USD tiền thuế. Nhưng dự báo đó là quá lạc quan.

Vấn đề là các dự án đó phải diễn ra song song với việc Nga tiếp tục vận chuyển dầu qua đường sắt cho Trung Quốc. Trung Quốc đã bắt đầu nhận dầu qua đường này sau khi công ty dầu quốc gia Nga Rosneft mua đơn vị lớn nhất của công ty dầu Yukos năm 2004. Chủ công ty này, ông Mikhail Khodorkovsky hiện đang phải ngồi tù. Đổi lại 48,4 triệu tấn dầu, Nga cho Rosneft vay 6 tỷ USD để mua Yukos. Dù Rosneft mua Yukos với giá rẻ, Trung Quốc cũng làm không tệ, trả trước gần 50 triệu tấn dầu với giá 17 USD/thùng. Giờ đây, hợp đồng này đã hết hạn và Rosneft không muốn gia hạn thêm vì mức giá trên thấp hơn giá thị trường thế giới hiện nay. Trừ phi Nga và Trung Quốc thương lượng một thỏa thuận mới, nếu không việc bán dầu bằng đường sắt sẽ sớm kết thúc.

Dù các quan chức Trung Quốc tuyên bố hài lòng vì có thể nhập khẩu dầu của Nga qua đường ống dẫn trên bộ, nhưng về lâu dài, Nga mới là nước được hưởng lợi nhiều từ các đường ống năng lượng Tây – Đông mới này của mình. Dù Nga đã là nước cung cấp dầu lớn thứ 7 cho châu Á, nhưng hầu hết mạng lưới ống dẫn dài 50.000 km của Nga tập trung tại Tây Siberia và mang dầu tới châu Âu.

Vì vậy, trong những năm tới, các nhà quản lý năng lượng của Nga sẽ tìm cách đa dạng hóa khách hàng năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường duy nhất nào, và tăng cường mặc cả giá giữa các khách hàng của mình.

Điều này có nghĩa là ESPO chính là hy vọng lớn của Nga để thực hiện mục tiêu đó khi nước này dự định bán lượng lớn trữ lượng dầu trong nước, sản xuất ở vùng Tây và Đông Siberia, cho các nước châu Á – Thái Bình Dương đang mong muốn giảm phụ thuộc vào lượng dầu nhập khẩu từ vùng Vịnh Persic.

ESPO cũng có vai trò rất quan trọng vì nó không buộc Nga phải bán toàn bộ dầu của mình cho Trung Quốc – các khách hàng tại Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với các khách hàng tiềm năng khác ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác, cũng như các khách hàng trong nước ở Nga. Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Nga tính đến các tiêu chí phi thị trường trong chính sách xuất khẩu năng lượng của mình, và trong trường hợp này, giới chức Nga sẽ muốn bán lượng lớn dầu mỏ của mình với giá ưu đãi cho Nhật Bản đổi lại những nhượng bộ về các quần đảo đang tranh chấp, hoặc cho CHDCND Triều Tiên nhằm đổi lại các nhượng bộ về chính sách năng lượng và tên lửa của nước này.

Về phần mình, Trung Quốc không thể tự an ủi với hy vọng rằng việc hoàn thành đường ống rất được mong đợi này sẽ đi kèm với việc Nga gia tăng cung cấp các loại năng lượng khác. Các kế hoạch phát triển của Chính phủ Nga ở miền Đông dự báo sự sống lại của hoạt động khoa học, công nghệ và công nghiệp, đòi hỏi tiêu dùng một lượng lớn điện hạt nhân và thủy điện, thay vì bán sang Trung Quốc. Ngay cả trong tương lai gần hơn, khả năng bán khí đốt cho Trung Quốc cũng có vẻ rất mờ mịt.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom và CNPC của Trung Quốc đã thương lượng các thỏa thuận khí đốt từ năm 2004, và ký một thỏa thuận đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Vladimir Putin hồi tháng 3/2006, Gazprom và CNPC đã ký một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài 6.700 km, nối Tây Siberia tới tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, cắt ngang qua nước Cộng hòa Altai của Nga. Và tháng 6/2009, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg, Phó Thủ tướng Nga phụ trách vấn đề năng lượng, ông Igor Sechin cho biết Nga đã chuẩn bị chuyển sang Trung Quốc lượng khí tự nhiên mà nước này muốn.

Nhưng trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi tháng 6/2009, Gazprom thông báo sẽ không thể chuyển khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2011 như kế hoạch trong dự án đường ống dẫn Altai vì các nhà thương thuyết của Nga và Trung Quốc đã không thể nhất trí về giá bán. Gazprom giả định bắt đầu xây dựng đường ống vào năm 2008 nhưng do không đạt thỏa thuận về giá, công ty này đã không muốn thi công công trình xây dựng đường ống này.

Khi Tổng thống Nga Dmitri Medvedev thăm Trung Quốc tháng 9/2010, hai chính phủ đã nhất trí rằng từ năm 2015, Nga sẽ cung cấp tổng cộng 30 tỷ mét khối khí cho Trung Quốc mỗi năm thông qua đường ống Altai như đã lên kế hoạch. Nhưng khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tháng 11/2010, ông Putin đã thông báo khó đạt được một thỏa thuận cuối cùng về giá trước năm 2011.

Thực tế là phía Trung Quốc muốn giảm giá vì mua với số lượng lớn và dự đoán rằng giá khí đốt thế giới sẽ giảm trong những năm thực hiện hợp đồng. Nhưng phía Nga cho biết khí đốt của họ có thể chảy sang phía Tây cho châu Âu hay sang phía Đông cho các nước châu Á khác, nên cảnh báo Trung Quốc cần thanh toán theo đúng giá bán trên thị trường thế giới. Ít nhất, nếu họ muốn thấy lượng lớn khí đốt của Nga đến với mình sớm hơn.

Theo TVN