Xuất bản sách thời công nghiệp 4.0

“Cuộc chơi” đã thay đổi

06:29 | 05/04/2018

525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống, công nghệ, khoa học… Ngành xuất bản cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Sách in mất dần vị thế

Trong cuộc gặp gỡ giữa Phó chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức) Claudia Kaiser với các nhà làm sách Việt Nam tại TP HCM vào ngày 21-3, một thông tin được đại diện các nhà xuất bản Đức đưa ra đã khiến nhiều người giật mình: Nước Đức - quốc gia đứng thứ 3 trong top 7 nước có số tác phẩm xuất bản lớn nhất thế giới - đang phải gánh chịu sự sụt giảm 3% doanh số mỗi năm. Bà Claudia Kaiser cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi mất khoảng 8 triệu người đọc vì các hình thức giải trí, những chương trình truyền hình, trò chơi điện tử…”.

cuoc choi da thay doi
Sách điện tử (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thực tế này không chỉ diễn ra ở Đức, mà còn ở nhiều quốc gia có nền xuất bản lớn nhất thế giới là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ vốn chiếm đến 2/3 doanh số xuất bản toàn cầu. Người ta không mua sách đọc nữa mà dồn tiền cho các kênh phim ảnh trực tuyến như Netflix. Facebook, Google, Amazon...

Rõ ràng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhu cầu giải trí của dân chúng, khiến sách - đặc biệt là sách in - dần mất vị thế độc tôn của mình trong ngành xuất bản, tạo ra những thách thức cho việc bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, nhưng đồng thời cũng tạo ra mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi các nhà xuất bản truyền thống phải quyết liệt thay đổi, không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để giữ vững vị thế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đặt ra cho ngành xuất bản Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung những thách thức và cả cơ hội.

Bên cạnh việc tổ chức song song nhiều hội sách, ngày sách…, các nhà xuất bản đã triển khai hình thức hội sách online như trên website của Tiki.vn hay Fahasa.com.vn nhằm kích thích nhu cầu đọc sách, mua sách của độc giả.

Trước đây, sách được bày bán lộn xộn tại các sạp sách vỉa hè hay ở các cửa hàng sách của các đơn vị phát hành sách thì giờ đây ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có 4-5 điểm đến dành cho người yêu sách thường xuyên, điển hình là Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM) và Phố sách 19/12 (Hà Nội). Hiện nay, ngoài sách giấy, chúng ta có rất nhiều lựa chọn như sách điện tử, sách audio hay thậm chí những file điểm sách rút gọn nội dung để độc giả có thể tiết kiệm thời gian đọc.

Bên cạnh đó, theo bà Claudia Kaiser, ngành xuất bản Việt Nam cần đẩy mạnh mối quan hệ với đơn vị xuất bản nước ngoài thông qua các hội sách quốc tế. Bên cạnh việc nhập khẩu sách, các đơn vị làm sách cũng cần quan tâm tới việc xuất khẩu các xuất bản phẩm của mình ra nước ngoài, nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Ứng xử với xuất bản điện tử

Trong khi sách in bắt đầu mất dần khách hàng trẻ tiềm năng thì mảng sách điện tử bắt đầu phát triển mạnh. Các thư viện trên khắp thế giới ngày càng sử dụng nhiều sách điện tử. Theo bà Carolyn Reidy - Tổng giám đốc Tập đoàn Xuất bản Simon & Schuster - bạn đọc Mỹ đã mượn hơn 196 triệu bản sách điện tử trong năm 2016, tăng 21% so với năm 2015.

Trong lĩnh vực phân phối sách, các ông lớn trên thế giới đều đã có sự chuyển dịch nhanh chóng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Giới xuất bản đẩy mạnh các xuất bản điện tử và kiểm soát nội dung của xuất bản điện tử. Họ đưa ra các hướng dẫn và chế tài cụ thể cho việc xuất bản điện tử, tạo nhiều kênh truyền thông nâng cao nhận thức bạn đọc về việc tiêu thụ nội dung của ấn phẩm điện tử. Bên cạnh đó, xu hướng xuất bản điện tử cũng tạo cơ hội có nhiều nhà xuất bản, khiến họ dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người đọc hoặc chủ động tìm kiếm, khai thác đề tài rồi đặt các tác giả viết.

Chỉ tính riêng thị trường Mỹ, sự tăng trưởng của sách điện tử trong 5 tháng đầu năm 2017 đã tới gần 20%.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của loại hình xuất bản điện tử (e-book, book audio…) cũng đặt ra một câu hỏi đối với người làm sách. Đó là phải chăng văn hóa đọc đã thực sự được khôi phục, hay chỉ đơn giản là người trẻ chuộng những loại hình giải trí nghe, nhìn và đây sẽ là ngày tàn của sách in?

Chia sẻ về vấn đề này, TS Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho hay: “Sách điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn được sách giấy, nó chỉ chiếm ưu thế ở thể loại sách mỏng, ít thể hiện bằng ngôn ngữ mà chủ yếu bằng hình ảnh, âm thanh hoặc mảng sách công cụ hay sách chuyên ngành. Đối với các loại sách công cụ, người sử dụng có thể thông qua các công cụ tìm kiếm để tìm được nội dung cần thiết một cách nhanh chóng, thuận lợi. Còn đối với sách chuyên ngành, do có đối tượng độc giả rất hạn hẹp nên nếu xuất bản bằng sách giấy, số lượng tiêu thụ sẽ hết sức hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng chi phí, đội giá thành của xuất bản phẩm, hoặc dẫn đến tình trạng tồn kho nên lựa chọn xuất bản bằng sách giấy là rất khó khăn, trong khi xuất bản trên mạng sẽ không bị hạn chế bởi số lượng, thậm chí nó cho phép người ta chỉ cần xuất bản một bản duy nhất”.

Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành xuất bản thế giới nói chung và ngành xuất bản Việt Nam nói riêng, đặc biệt đối với loại hình xuất bản điện tử. Chính vì thế, để tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới, các đơn vị xuất bản cũng cần có những thay đổi căn bản về mặt quản lý, tổ chức sản xuất đến công tác biên tập. Những đơn vị xuất bản sách không bắt nhịp kịp thời với xu thế 4.0 thì chắc chắn sẽ tụt lùi hoặc bị xóa sổ trên bản đồ xuất bản của thế giới.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc