"Cuộc chiến" thông tin

07:30 | 21/06/2016

470 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ba loại hình báo chí: Báo in, báo nói, báo hình ra đời trước sau, mỗi loại hình có những ưu thế nhất định, cạnh tranh nhau nhưng không triệt tiêu nhau, cùng tồn tại và phát triển trong một thời gian dài. Nhưng cả ba loại hình đều bị hạn chế bởi phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng.

Nửa cuối thế kỷ XX, khi mạng Internet toàn cầu được kết nối thì xuất hiện loại hình thông tin mới, thường được gọi là thông tin điện tử. Báo chí điện tử (nhiều nơi gọi là báo mạng) ra đời. Với ưu thế thông tin nhanh, toàn cầu (nghĩa là không còn phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng), sự tương tác giữa báo chí với bạn đọc và có thể hội tụ thông tin bằng chữ viết, hình ảnh tĩnh, động và âm thanh, nghĩa là hội tụ cả ba loại hình báo chí truyền thông, báo chí điện tử đã phát triển nhanh chóng.

cuoc chien thong tin
Các nhà báo tác nghiệp

Các cơ quan báo chí truyền thông đứng trước thách thức mới. Những người làm báo in vừa làm báo in vừa làm báo điện tử hoặc chuyển hẳn sang làm báo điện tử.

Báo nói, báo hình với nhiều phương thức phát sóng: tương tự, cáp, số mặt đất, vệ tinh đã tận dụng ngay đưa truyền hình, phát thanh qua mạng Internet.

Nhưng với tiện ích của mạng Internet, nhiều tổ chức, cá nhân bắt đầu tham gia vào thông tin. Một cá nhân có thể lập trang web của riêng mình vừa tham gia cung cấp thông tin, vừa chia sẻ thông tin với mọi người. Một loại hình báo chí mới ra đời mà thế giới gọi là báo chí công dân. Báo chí đứng trước một thách thức mới: mất sự độc quyền về thông tin.

Công chúng vừa được nhận thông tin đa dạng, nhanh chóng và tiện ích khi có thể xem các loại hình báo chí, các loại thông tin chỉ bằng chiếc điện thoại cá nhân. Nhưng công chúng cũng đứng trước sự nhiễu loạn thông tin. Vì vậy, các cơ quan báo chí vừa thay đổi cách thức thông tin song vẫn là thông tin tin cậy của công chúng vì độ chính xác do những người làm báo chuyên nghiệp thực hiện.

Ngày nay, các nhà mạng không chỉ làm công việc chuyển tải (đường truyền) mà tích cực tham gia cung cấp thông tin giải trí. Họ bắt đầu tập hợp hàng vạn tập phim, nhiều chương trình ca nhạc, chương trình giải trí khác đưa vào mạng. Người xem có thể tùy thích lựa chọn phim và các chương trình giải trí khác theo sở thích của  mình và xem vào thời gian thích hợp. Người xem không còn bị động, phụ thuộc việc chiếu phim gì, vào giờ nhất định của truyền hình nữa.

Công chúng ngày nay có thể xem tin tức, xem các chương trình giải trí trên chiến điện thoại cá nhân bất cứ ở đâu, vào thời gian nào.

Số người đọc báo, nghe đài, xem truyền hình suy giảm nhanh chóng. Người ta đang cảnh báo các kênh truyền hình giải trí như chuyên phim, chuyên ca nhạc, có thể phải đóng cửa khi ít người xem, đồng nghĩa với quảng cáo suy giảm.

Nguồn thu từ quảng cáo chiếm tỷ lệ lớn với báo in và nguồn thu chủ yếu đối với phát thanh, truyền hình và báo điện tử cũng đang đứng trước một thách thức sống còn.

Với tiện ích của Internet, các nhà sản xuất, các công ty quảng cáo không còn tha thiết, cần thiết phải quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Họ có thể tự xây dựng các chương trình quảng cáo đưa vào mạng vừa rẻ vừa tiện ích. Đây thực sự là “cuộc chiến” sống còn về kinh tế của báo chí.

Trước thực tế hiện nay, những người làm báo đang đứng trước thách thức to lớn, đang tìm cho mình hướng đi mới. Quy luật của cuộc sống là dịch cùng tắc biến, biến tắc thông; và cái gì hữu ích sẽ tồn tại. Những giá trị đích thực mà báo chí làm ra, cung cấp sẽ vẫn được công chúng đón nhận và trân trọng, giúp cho xã hội ngày càng phát triển.

Báo in vừa làm tin nhanh, ngắn gọn, đồng thời chọn sự kiện, vấn đề phân tích sâu, đưa ra giải pháp, vừa giúp cho người dân hiểu rõ bản chất của sự kiện, sự việc, vừa giúp cho nhà quản lý điều cỉnh cơ chế chính sách.

Báo điện tử, với ưu thế tương tác nhanh, cần phát huy là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng, cần lưu ý chọn lựa những ý kiến tương tác mang tính xây dựng, gợi ý giải pháp chứ không phải chỉ là phê phán, chỉ trích.

Phát thanh, khi xã hội càng phát triển thì phát thanh càng phát triển vì trên các phương tiện giao thông người ta có thể nghe đài. Ở nhiều nước người dân có thói quen vừa làm việc vừa tiếp nhận tin tức, nghe nhạc từ đài phát thanh.

Báo hình, những kênh thời sự thiết yếu vẫn rất cần thiết với nhân dân, nhưng với các kênh chuyên phim, ca nhạc… thì thực sự sẽ suy giảm. Nhưng, những chương trình văn hóa, giải trí do các đài xây dựng vẫn được công chúng đón nhận.

Dù phải cải tiến, thay đổi, song cả bốn loại hình báo chí sẽ vẫn tồn tại, góp phần tích cực vào sự phát triển và tiến bộ xã hội. Đó là một điều chắc chắn

Hữu Lượng

Năng lượng Mới số 533