Cuộc chiến chống dược phẩm giả

14:37 | 05/09/2017

1,247 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25-8-2017, Cơ quan Interpol thông báo vụ bắt giữ hơn 420 tấn dược phẩm giả tại Tây Phi, trong một chiến dịch truy quét lớn của cảnh sát quốc tế. Dược phẩm giả là ngành công nghiệp đem lại nhiều lợi nhuận hơn cả buôn lậu ma túy và đang ngày càng phát triển ở bất cứ quốc gia nào.

"Chiến dịch của Interpol có tên gọi Operation Heera, không chỉ nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác hại của dược phẩm giả mà còn để phá vỡ các mạng lưới tội phạm nghiêm trọng khác”, Giám đốc điều hành Interpol, Tim Morris, phát biểu. Chiến dịch truy quét rộng lớn này được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 6-2017 do Interpol điều phối, đã huy động khoảng 1.150 cảnh sát, nhân viên hải quan và các cơ quan quản lý dược phẩm từ 7 quốc gia: Benin, Burkina Faso, Bờ biển Ngà, Mali, Niger, Nigeria và Togo.

Mục tiêu tấn công của chiến dịch là các chợ, cửa hàng, nhà thuốc, nhà kho và các nhà máy sản xuất dược phẩm lậu bí mật. Kết thúc đợt truy quét, hơn 41 triệu viên thuốc nén và 13.000 hộp sản phẩm y tế (thực phẩm chức năng, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc chống sốt rét...) lậu đã bị thu giữ, giá trị xấp xỉ 21,8 triệu USD. Khoảng 150 người đã bị bắt.

cuoc chien chong duoc pham gia
Thuốc giả bị thu giữ chất thành đống ở Tây Phi

Để chống lại tội phạm này, từ lâu Interpol đã phải vào cuộc cùng với nhiều quốc gia. Hàng loạt chiến dịch triệt phá quy mô lớn đã được tổ chức, lật tẩy nhiều mạng lưới tinh vi và xảo quyệt. Năm 2016, Interpol đã tổ chức chiến dịch mang tên “Bão tố” được thực hiện tại 13 quốc gia châu Á, truy quét hàng trăm cơ sở sản xuất và đường dây buôn bán thuốc giả tại khu vực này. Năm 2015, Interpol cũng đã tổ chức một chiến dịch với quy mô tại 115 quốc gia nhằm vào tội phạm thuốc giả trên Internet. Internet là môi trường lý tưởng, là thị trường mở và tự do, giúp tình trạng buôn bán thuốc giả ngày càng phát triển mạnh. Khó có thể đưa ra con số thống kê chính xác thị phần thuốc giả bán ra trên thị trường, WHO thẩm định khoảng 1/2 số lượng thuốc bán ra là hàng giả. Còn theo hai tổ chức Mỹ chống kinh doanh dược phẩm trực tuyến, LegitScript và National Association of Boards of Pharmacy (NABP), 95% các trang kinh doanh dược phẩm trên mạng Internet hoạt động không đúng pháp luật.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ thẩm định 1/10 thuốc tân dược được bán ra trên thế giới là hàng giả.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ thẩm định 1/10 thuốc tân dược được bán ra trên thế giới là hàng giả. Châu Phi là vùng đất có các mạng lưới tội phạm hoành hành nhiều nhất. Tùy theo từng quốc gia, khoảng 30-70% số lượng thuốc bán ra trên lục địa đen là thuốc giả. Chúng được bán công khai ngoài chợ, giữa thanh thiên bạch nhật và do các phòng điều chế bất hợp pháp cung cấp hàng container. Theo Interpol, Kenya, Nam Phi, Nigeria và một phần Tây Phi là những thị trường béo bở của “tình trạng tội phạm dược phẩm”. Trong khi đó, các nước Bắc Phi lại có thị trường trực tuyến nở rộ và khó lòng phân biệt được “thật hư lẫn lộn”.

Yếu tố đầu tiên giúp thị trường thuốc giả nở rộ là lợi nhuận. Theo thống kê của WHO, lợi nhuận của việc buôn bán thuốc giả trên thế giới mỗi năm có thể lên tới 431 tỉ USD và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đặc biệt tại các quốc gia nghèo và đang phát triển. Theo Viện Nghiên cứu Chống thuốc giả Quốc tế (Iracm), với khoản đầu tư chừng 1.000USD, một kẻ buôn thuốc giả có thể thu về tới 400.000USD, gấp 20 lần so với buôn ma túy. Lợi nhuận lớn mà không cần phải đầu tư về cơ sở hạ tầng hay trang thiết bị đã khiến mạng lưới tội phạm trong lĩnh vực này không ngừng phát triển. Trong khi việc hợp tác tư pháp liên quốc gia vẫn còn chưa được thiết lập, phá vỡ một mạng lưới buôn thuốc giả ở nước ngoài vẫn còn là một thách thức đối với ngành hải quan và những kẻ buôn lậu vẫn còn cơ hội lộng hành.

Theo các chuyên gia, để chiến thắng cuộc chiến chống dược phẩm giả, chính phủ các nước cần phải xem lại 3 điều: đó là định nghĩa của “hàng giả”, phải dự tính được các cách thức phạm pháp và cuối cùng là các mức án thích đáng. Theo chuyên gia Amir Attaran ở Đại học Ottawa, điều thiết yếu là có một khung pháp lý tốt hơn. Ông nói: “Thế giới đã có một hiệp ước quốc tế chống tiền giả từ năm 1929. Nếu chúng ta nghiêm túc về việc giải quyết vấn đề về thuốc men, chúng ta cần phải đi tới điểm giống như năm 1929 đã làm với tiền tệ”.

Liên quan tới thị trường ảo, Viện Iracm khuyến cáo nên “gắn cho website bán thuốc trực tuyến một nhãn bảo đảm và một biểu tượng (logo) để xác nhận độ an toàn rằng “hiệu thuốc” này kinh doanh hợp pháp và bán các loại thuốc phù hợp với tiêu chí chất lượng và độ tin cậy”. Ngoài ra, cũng nên phổ biến trên mạng Internet danh sách chính thức các trang bán hàng tin tưởng.

Cuối cùng, có lẽ biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tới hỏi ý kiến các dược sĩ tại hiệu thuốc để tránh bị nhầm lẫn. Vì “người ta không chết vì đeo túi giả hay mặc áo phông giả. Ngược lại, thuốc giả lại có thể gây chết người”, ông Amir nói.

Thế nào thì được gọi là thuốc giả?

cuoc chien chong duoc pham gia
Thuốc giả đem lại lợi nhuận nhiều hơn buôn bán ma túy

Những thứ gọi là “thuốc giả” gồm thuốc đã quá hạn sử dụng, những loại thuốc bị khuyết điểm lúc sản xuất và những loại thuốc viên cố ý làm giả để trông như thật. Viện Iracm chia thành 6 loại thuốc giả: loại không có hoạt chất chính giúp chữa bệnh (chiếm 32,1% trường hợp); loại chứa các hoạt chất giả (21,4%); loại không đủ liều lượng (20,2%); các trường hợp còn lại là bao bì giả, chứa chất bẩn trong thuốc và là thuốc nhái sản phẩm thật.

Tại Niger, cách đây vài năm, người ta phát hiện 2.500 trẻ em được tiêm vắc-xin làm từ nước sông. Bác sĩ Caroline Atlani, Giám đốc điều phối chống hàng giả tại Công ty Dược Sanofi cho biết: “Các sản phẩm giả không chứa đủ lượng hoạt chất cần thiết và không hề đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn. Vì vậy, bệnh nhân có thể sẽ bị nhiều rủi ro: ngoài lượng độc tố có mặt trong thuốc giả, thì các loại dược phẩm này có thể vô tác dụng và dẫn tới nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hay gây biến chứng cho bệnh nhân”.

Các loại dược phẩm bị làm giả rất đa dạng. Không có một loại bệnh nào, dù nhẹ hay nan y mà không trở thành nạn nhân của thuốc giả. Những kẻ buôn lậu đáp ứng đủ mọi nhu cầu chữa bệnh: từ bệnh AIDS tới ung thư, từ bệnh tiểu đường tới huyết áp cao, hay chỉ là đau đầu, sổ mũi...

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc