Cục Hàng không Việt Nam lý giải việc chậm, hủy chuyến bay tăng bất thường

18:56 | 04/08/2015

847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 4/8, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tháng 7 vừa qua, tỷ lệ chậm, hủy chuyến của tất cả các hãng hàng không tăng so với những tháng trước đó.

Từ ngày 1/7 đến 28/7, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 17.856 chuyến bay với 3.817 chuyến bay bị chậm (chiếm 21,4% so tháng trước) và 76 chuyến bay bị hủy (chiếm 0,4%).

Lý giải về nguyên nhân chậm, hủy chuyến gia tăng so với các tháng trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, tháng 7 là giai đoạn cao điểm vận chuyển khách du lịch nội địa. Các Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài... thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn ứ vào những khung giờ cao điểm, dẫn tới tình trạng chậm dây chuyền.

Cục Hàng không Việt Nam lý giải việc chậm, hủy chuyến bay tăng bất thường
Hành khách chờ đợi ở sân bay do chậm, hủy chuyến - ảnh minh họa.

Đặc biệt, từ ngày 15 đến 21/7/2015, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đóng cửa đường 25R/07L để sửa chữa, khiến năng lực khai thác giảm từ 35 chuyến xuống 30 chuyến bay/h. Một đường băng ngừng hoạt động và ưu tiên khai thác quốc tế nên các hãng hàng không trong nước phải điều chỉnh lịch bay nội địa, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của các hãng. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ chậm chuyến bay trong tháng 7.

Trong báo cáo về tình trạng chậm, hủy chuyến của Cục Hàng không Việt Nam cũng nêu rõ, tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao trong tháng 7 chỉ là đột biến mùa cao điểm và sẽ giảm khi bước vào tháng 8. Tỷ lệ chậm hủy trong giai đoạn tháng 7 chỉ mang tính thời điểm.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện hơn 101 nghìn chuyến bay với 15.176 chuyến bay bị chậm (chiếm 15%) giảm 5,6 điểm và 535 chuyến bay bị hủy (chiếm 0,5%), giảm 2,7 điểm so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái.

Trong giai đoạn này, vì những lý do bất khả kháng từ thời tiết, đóng cửa đường cất, hạ cánh để sửa chữa... nên đã dẫn tới tỷ lệ chậm hủy chuyến cao hơn. Tình trạng này đã trực tiếp gây xáo trộn kế hoạch khai thác của các hãng hàng không, ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt các chuyến bay kế tiếp. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao gây thiệt hại lớn cả về kinh tế và chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không.

Đối với các trường hợp sân bay bị sương mù, không thể tiếp nhận các chuyến bay đi hoặc đến, các hãng hàng không đã chủ động đưa ra các phương án chuyển khách sang các chuyến bay ngày kế tiếp hoặc bố trí phương tiện ôtô vận chuyển khách.

Nhằm hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không cần tiếp tục điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng, cũng như điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không. Bảo đảm giờ bay dự phòng, thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, hủy chuyến, đồng thời nâng cao năng lực điều hành quản lý bay. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không đối với quyền lợi của hành khách trường hợp chuyến bay chậm, hủy.

T.Minh

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc