Cụ xưa và Cụ nay

15:38 | 26/02/2018

3,375 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ “cụ” trong tiếng Việt ta, hiểu theo nghĩa đen là để chỉ người sinh ra ông, bà. Từ này cũng dùng để gọi người già cả với ý tôn kính. Câu cửa miệng khi chào hỏi nhau, với người già cả thường là “Kính cụ”, cả cụ ông và cụ bà.  

Ở Việt Nam ta thế kỷ 20 về trước, người 40 tuổi đã được trong làng, trong họ quý như bô lão. Thế rồi, 50 tuổi đã được làm lễ lên lão. Dù không có chức sắc trong làng nhưng những dịp hội hè đình đám, các lão cũng được mời ra đình làng, ngồi ăn cỗ ở mâm trên, trải chiếu cạp điều.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, người ta tổ chức lễ "Chúc Thọ" cho người từ 60 tuổi trở lên. Theo lứa tuổi mà gọi thì "Trung Thọ" là từ 70 tuổi trở lên, "Thượng Thọ" là từ 80 tuổi, "Đại Thọ" là từ 90 tuổi; còn "Vạn Thọ", "Trường Thọ" dành cho các cụ sống từ trăm tuổi trở lên. Đó là một trong những nét truyền thống của người Việt Nam, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", kính trọng người già cả và đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của bậc ông bà, cha mẹ và cũng là một nét đẹp của văn hoá Việt Nam.

cu xua va cu nay
Chúc mừng các cụ Thượng thọ

Từ cuối thế kỷ 20 trở lại đây thì từ “Cụ” được dùng tùy tiện trong giao tiếp, ứng xử. Có một số người dùng từ cụ với sếp, thủ trưởng của mình với tâm thế của kẻ xu nịnh, luồn cúi, coi đó như một trong những công cụ vụ lợi và tiến thân. Nhắc đến cấp trên của mình là luôn mồm “cụ ấy” thế nọ, “cụ ấy” thế kia.

Tôi còn nhớ thời kỳ hơn 20 năm trước, có mấy anh nịnh sếp cứ vô tư, hồn nhiên dùng từ “cụ” mà ai chứng kiến cũng thấy nực cười. Một lần tôi đi cơ sở làm việc. Thấy cơ quan vắng vẻ, tôi hỏi một anh trợ lý thì anh bảo hôm nay các “cụ” đi công tác hết. Rồi bỗng anh lại nói: “À, có cụ chủ nhiệm ở nhà, cụ đang họp với bộ phận hành chính dưới dãy nhà kia". Thế rồi trên đoạn đường ngắn xuống ban hành chính, tôi và anh trợ lý tranh thủ trao đổi mấy câu. Vì thấy anh cứ luôn mồm dùng từ cụ nên tôi hỏi: “Cụ của các anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”. Anh hồ hởi đáp: “À, cụ còn trẻ lắm, năm nay cụ mới 35, vừa tốt nghiệp học viện về”. Tôi cười thầm và nghĩ, ông ấy còn trẻ thế mà sao anh bạn này lại cứ gọi bằng cụ thế nhỉ?

Nhân vật thứ hai là một anh cùng cơ quan tôi làm việc. Ông thủ trưởng lúc đó cũng mới ngoài 40 tuổi nhưng anh bạn tôi chuyên gọi bằng cụ. Một hôm thông qua kế hoạch công tác do anh soạn thảo, ông thủ trưởng băn khoăn mấy việc không biết có nên thực hiện theo nội dung anh bạn kia đưa ra hay không. Thấy vậy, anh bạn xoa tay, người hơi co lại, cái đầu hơi cúi xuống và nói: “Dạ, cái này thì tùy cụ ạ! Cụ cứ quyết thế nào thì anh em xin làm thế ạ!”. Tôi và một anh nữa đứng đấy không nhịn được cười. Anh ấy bịt miệng và bước vội ra ngoài cười thành tiếng.

Còn một anh thứ ba rất dẻo mỏ. Anh hay được đi tháp tùng một vị cán bộ cấp cao cả trong nước và nước ngoài. Ngồi với bạn bè ở đâu anh cũng khoe và không ngớt lời khen “cụ” tài ba, trí tuệ. “Cụ đến đâu là chỉ đạo rất sao sao, cụ thể, làm rõ các vấn đề, gỡ khó cho đơn vị. Chỉ sau một thời gian là đơn vị tiến bộ hẳn lên…” - giọng anh véo von. Có điều, kỳ đại hội sau, cụ mất cả ghế cấp ủy, mất cả chức vì nhiều khuyết điểm thì không còn thấy anh nhắc đến “cụ” ấy nữa. Anh lại lặng lẽ bám theo “cụ” mới lên và tiếp tục ca tụng, nịnh nọt.

Cách xưng hô của ba nhân vật nói trên cho thấy, các anh đã nâng cấp thủ trưởng trẻ của mình lên bậc “cụ” sớm quá. Nếu các cụ ngày xưa được lên lão ở tuổi 50 và gọi bằng cụ ở tuổi 60 trở lên thì đằng này, ba anh tự phong các thủ trưởng của mình lên cụ từ 35 đến 45 tuổi. Đúng là một trò lố của những kẻ xu nịnh!

Cũng có một nguyên nhân là thiên hạ lúc nào cũng có người ưa nịnh nên mới tồn tại kẻ nịnh thần. Vì thế “cụ” thời nay mới được trẻ hóa từ 60 xuống đến 35.

Đức Toàn