Cử tri kiến nghị ưu tiên ngăn ngừa lạm phát tăng cao trở lại

12:05 | 20/10/2011

443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo báo cáo của ông  Huỳnh Đảm, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam, đã có 1.026 ý kiến và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội thời gian qua tập trung chủ yếu vào việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiếp pháp; công tác an sinh xã hội và công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh tâm lý phấn khởi và ủng hộ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 theo hướng khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, phát huy dân chủ, tôn trọng và đảm bảo quyền công dân; thì công tác an sinh xã hội, đảm bảo sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công nhân viên chức vẫn nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dân.

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình KT-XH trước QH.

Báo cáo của MTTQ cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng nhanh, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao đã tác động tiêu cực đến tâm lý, niềm tin của cử tri và nhân dân đối với việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo.

Đông đảo cử tri cũng kiến nghị tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát tăng cao trở lại, nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống của người dân; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các chương trình an sinh xã hội; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Về công tác giáo dục-đào tạo, cử tri cũng phản ánh tình trạng thiếu trường mầm non công lập, thừa trường mầm non tư thục kém chất lượng; rồi tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm của nhiều trường phổ thông, nhất là ở khu vực đô thị… gây nhiều bức xúc trong dân. Ở cấp đại học, hiện tượng hạ điểm sàn tuyển sinh đại học xuống quá thấp thực sự là điều đáng báo động về giáo dục đại học hiện nay.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri cho rằng tuy có tiến bộ, tuy nhiên tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn phức tạp, nghiêm trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong đầu tư công, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất công còn diễn ra ở nhiều nơi.

Có 1.026 ý kiến và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội thời gian qua.

Trước đó, trong phần báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nghiêm túc nhìn nhận sự yếu kém, bất cập của bộ máy. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời tập trung cao độ vào phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong thời gian tới; coi việc đảm bảo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chât và tinh thần của nhân là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định, việc khắc phục những khuyết điểm yếu kém, bảo đảm phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, và của cả hệ thống chính trị trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Hữu Tùng