​Cứ làm, trách nhiệm chẳng quy về ai?

14:00 | 24/03/2016

1,366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rất nhiều vấn đề nóng được Ủy viên Thường trực UB về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Khá (ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đưa ra trong phiên thảo luận tổ sáng nay 24/3, chung quy là bài toán trách nhiệm thuộc về ai khi chúng ta cứ làm sai hết chuyện này, tới chuyện khác.

Trong 9 vấn đề hạn chế chủ yếu được đưa ra trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua, Ủy viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá đã nêu lên không ít những bức xúc.

Vấn đề phát triển văn hóa tiến bộ công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế. Đặc biệt là vấn đề xuống cấp về đạo đức. Bây giờ giết người hàng loạt, giết nhiều người mà không có động cơ chính; đi ngoài đường tham gia giao thông có va chạm nhẹ cũng xảy ra án mạng; học sinh thì đánh nhau, thậm chí chém nhau…

Ngày xưa đi xuống các vùng miền, còn thấy các em học sinh chào hỏi người lớn, giờ chẳng thấy chào hỏi nữa, vậy đạo đức giáo dục công dân ở đâu. “Tiên học lễ hậu học văn” đi đâu không biết. Vậy là đạo đức thông thường nhất của con người cũng không có, thậm chí là xuống cấp một cách trầm trọng.

Thứ hai là vấn đề quản lý tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong việc quản lý khai thác rừng, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát bừa bãi, chính quyền địa phương ở đâu, Ban quản lý rừng ở đâu, cách xử lý của chúng ta thế nào, giải pháp đưa ra như thế nào?

Rồi vấn đề rác thải, nước thải, các khu công nghiệp, làng nghề xả thải trực tiếp xuống, thuốc trừ sâu… đều làm ô nhiễm nguồn nước; rồi vấn đề dự đoán dự báo thời tiết, thiên tai còn hạn chế.

cu lam trach nhiem chang quy ve ai
ĐBQH tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá

Điều này do một mặt người dân chưa nghe, chưa chấp hành theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Như ở ĐBSCL hôm chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, vẫn có tình trạng bà con không nghe khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Địa phương đã khuyến cáo thời điểm này không nên xuống giống nhưng bà con vẫn cứ tự phát.

Một vấn đề bà Khá quan tâm nữa đó là hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tình trạng năng lực quản lý nhà nước theo pháp luật thế nào, nên đánh giá lại. Bây giờ những việc xảy ra ở địa phương mà địa phương không biết, không xử lý.

Ví dụ như xây dựng trái phép rồi vấn đề vi phạm pháp luật, hành lang lộ giới… Bây giờ các thành phố không có đường cho người đi bộ, thậm chí xe cơ giới cũng leo lên vỉa hè để đi. Mà nguy hiểm nhất là đến những xe container cũng chạy ngược chiều.

Một vấn đề khác, tình trạng quản lý nhà nước ở địa phương, thủ tục hành chính còn rất rườm rà, chồng chéo, nhưng khắc phục thế nào thì vẫn chưa có giải pháp. Nói thêm vấn đề liên quan đến kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, chỗ thì trùng lắp, chồng chéo, chỗ thì bỏ ngỏ.

Ví dụ khi kiểm tra nhưng không thấy vấn đề gì, đến khi thanh tra vào lại có tiêu cực, vậy bên kiểm tra có phải chịu trách nhiệm gì không?

Rồi ngược lại, nhưng vốn chúng ta có ai làm gì ai đâu. Chung quy lại trách nhiệm chồng chéo, chỗ bỏ ngỏ, và làm không đến nơi đến chốn.

Trong báo cáo 5 năm, trong 26 chỉ tiêu kế hoạch có 16 chỉ tiêu đạt, 10 chỉ tiêu không đạt. Bội chi ngân sách Nhà nước là 6,1% (trong khi kế hoạch là dưới 4,5%), điều này ai chịu trách nhiệm đây?

Trong bội chi Ngân sách này, có đầu tư dàn trải không, có lãng phí không. Bội chi Ngân sách này thực sự, bắt buộc phải bội chi, là chi thường xuyên hay chi đầu tư, đều phải kiểm điểm lại.

Một vấn đề tôi quan tâm là tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, vấn đề chi cho khoa học công nghệ, chúng ta hàng năm đều được phân bổ chi không hết nhưng sản phẩm từ công nghệ cao không đạt, chỉ đạt 18,37% trong khi kế hoạch là 30%.

Rồi đổi mới công nghệ, bình quân 5 năm 10,68% trong khi kế hoạch là13%. Liên quan tới đổi mới công nghệ, một chuyện cụ thể mới xảy ra. Chuyện nhập toa tàu, đó là nhập đồ cũ, đồ rác thải mà người ta đã thải đi.

Vậy trách nhiệm này sao đây? Có bị xử lý đến nơi đến chốn không? Mà chuyện này cũng không phải là chuyện mới, không phải lần đầu nhưng vì chúng ta xử lý những lần trước không nghiêm.

Không cần nói thì cũng đủ hiểu, không có lợi ích thì ai đi nhập mấy đồ cũ đó làm gì, không có ăn chia trong đó thì ai nhập. Bây giờ chúng ta đánh giá là không đạt nhưng quy trách nhiệm cho ai? Và chung quy cũng không xử lý đến nơi đến chốn được.

cu lam trach nhiem chang quy ve ai
​Cứ làm, trách nhiệm chẳng quy về ai? (Ảnh minh họa)

Một vấn đề nữa là tỷ lệ tăng năng suất lao động, chất lượng lao động so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Lào… mà những nước này trình độ dân trí, thu nhập cũng không cao hơn mình nhiều nhưng năng suất lao động của mình cũng không bằng người ta. Tại sao?

Chúng ta phải đánh giá lại. Nói Singapore dân trí cao, sức khỏe tốt hơn mình thì là điều đương nhiên, nhưng một số nước láng giềng gần Việt Nam thì không hơn chúng ta. Ta có bảng so sánh nhưng cứ so sánh mà không tìm cách cải thiện thì so sánh không để làm gì.

Rồi tỷ lệ che phủ rừng là 40,53% (kế hoạch 42-43%) cũng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. Ở Ba Vì xây biệt thự rành rành ra mà ban quản lý đi đâu, không phải “con kiến” mà không thấy. Trách nhiệm này liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương.

Chính phủ cũng nên kiểm điểm, đánh giá lại những nguyên nhân không đạt, nguyên nhân khách quan là gì, chủ quan là gì và do đâu? Muốn đất nước phát triển, giai đoạn 5 năm tiếp theo phải khắc phục được những hạn chế của 5 năm trước.

Bà Khá cho biết đã tham gia QH 3 nhiệm kỳ, nhưng báo cáo của nhiệm kỳ sau so với nhiệm kỳ trước chỉ sai số rất ít thôi, chứ không có gì mới.

Bài học kinh nghiệm rút ra và kế hoạch cho 5 năm sau cũng phải dựa trên 5 năm trước, chúng ta đã làm được và không làm được gì, nguyên nhân là gì để chúng ta khắc phục. Điều quan trọng vẫn là chúng ta phải quy trách nhiệm, chứ những vấn đề chưa được vẫn được đánh giá kiểu “cào bằng”, 5 năm trước cũng như 5 năm sau, nhiệm kỳ này cũng như nhiệm kỳ tới, và chúng ta chẳng kỷ luật, cách chức được cụ thể ai cả.

Thanh Huyền (ghi)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc