CSGT “hóa trang” làm nhiệm vụ: Không được hoạt động độc lập

14:06 | 08/11/2017

688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Công an TP Vinh (Nghệ An) lập nhiều tổ công tác mặc thường phục để tuần tra, xử lý người vi phạm Luật Giao thông đường bộ được dư luận đặc biệt quan tâm. Có ý kiến ủng hộ song cũng có quan điểm không đồng tình, thậm chí lo ngại lực lượng này sẽ nhũng nhiễu người dân…

Phù hợp với quy định

Theo một khảo sát do phóng viên Báo Năng lượng Mới thực hiện, có nhiều ý kiến ủng hộ lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) mặc thường phục xử lý người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bởi hằng ngày tình trạng vi phạm luật vẫn diễn ra ở nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Tôi ủng hộ việc hóa trang để xử lý người vi phạm. Có rất nhiều lần, tôi thấy những thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, khi thấy lực lượng CSGT họ quay đầu xe bỏ chạy gây nguy hiểm cho những người đang lưu thông”.

Đồng tình với ý kiến của anh Dũng, song chị Hoàng Thị Thanh Vinh (Vĩnh Phúc) lại lo ngại, lực lượng hóa trang sẽ lạm quyền, nhũng nhiễu người dân. “Hóa trang để xử lý người vi phạm cũng tốt, nhưng làm sao chúng tôi biết được đó là cảnh sát thật? Biết đâu là kẻ xấu giả mạo thì sao?” - chị Vinh nói.

csgt hoa trang lam nhiem vu khong duoc hoat dong doc lap
Lực lượng CSGT đang xử lý chủ phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thượng tá Hoàng Duy Hà - Phó Trưởng Công an TP Vinh cho biết, việc lập các tổ công tác mặc thường phục tuần tra đã được thực hiện một thời gian dài và phù hợp với các quy định tại Thông tư 01, 02 của Bộ Công an, Kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An về hình thức và quy trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT.

csgt hoa trang lam nhiem vu khong duoc hoat dong doc lap
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Báo Năng lượng Mới, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định, Căn cứ Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an ngày 4-1-2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông của CSGT đã quy định lực lượng CSGT được phép mặc thường phục kết hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, khi tuần tra kiểm soát kết hợp hóa trang thì lực lượng CSGT phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát. Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật; Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật. Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Không ngại lạm quyền

csgt hoa trang lam nhiem vu khong duoc hoat dong doc lap
Luật sư Trương Anh Tú

Trước những lo ngại, CSGT mặc thường phục sẽ lạm quyền, Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, việc tuần tra kiểm soát có hóa trang kết hợp với công khai khó có thể xảy ra mãi lộ, lạm quyền vì khi thực hiện nhiệm vụ này đã được lãnh đạo phê duyệt kế hoạch một cách chặt chẽ, tùy thuộc vào tình hình trật tự an toàn giao thông trên từng địa bàn thành phố.

Ở một góc độ khác, Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, không phải trường hợp nào lực lượng CSGT cũng được phép “hóa trang”. “CSGT được mặc thường phục trong trường hợp Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng công an từ cấp huyện trở lên có kế hoạch cụ thể và phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai. Tức là kết hợp với CSGT mặc sắc phục đúng theo quy định chứ không được hoạt động độc lập, riêng rẽ” - Luật sư Trương Anh Tú nói.

Bên cạnh đó, Điều 9, Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT thì cảnh sát mặc thường phục chỉ được giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi địa bàn được phân công. Khi phát hiện hành vi vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, cảnh sát mặc thường phục không có thẩm quyền được dừng xe và xử lý vi phạm.

Từ ngày 28-10, lực lượng CSGT Công an TP Vinh, Nghệ An đã lập nhiều tổ mặc thường phục tuần tra, kết hợp với lực lượng công khai để xử lý người vi phạm. Sau 2 ngày đầu ra quân, rất nhiều trường hợp vi phạm bị lập biên bản, xử phạt.

Thiên Minh - Xuân Hinh