CPJ nhắm mắt nói liều

08:52 | 07/11/2011

955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrtimes) Ra đời cách nay tròn 30 năm, "Ủy ban Bảo vệ nhà báo" (CPJ) theo đuổi tôn chỉ, mục tiêu bảo vệ nền tự do báo chí kiểu Mỹ và phương Tây. Và như vậy, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu CPJ nói và làm như tôn chỉ, mục tiêu họ đề ra. Song chỉ có điều, thời gian gần đây, CPJ thường xuyên "nhúng mũi" công kích xuyên tạc chống Việt Nam về tự do báo chí. Như vậy, rõ ràng đúng là có chuyện đáng bàn về CPJ và những người đang điều hành tổ chức này (!).

Mới nhất ngày 5/10 vừa qua, CPJ tiếp tục phát tán trên Đài VOA tiếng Việt của Hoa Kỳ thông cáo bày tỏ “quan ngại về đợt trấn áp tự do ngôn luận mới đây ở Việt Nam”. CPJ còn tỏ rõ thói ngang ngược khi đòi hỏi vô lý “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các nhà báo và cây viết đang bị giam cầm” (?). Chẳng rõ kiểu vơ đũa cả nắm: “Tất cả các nhà báo” là những ai (?). Nhưng nhân dịp này, Bob Dietz, Giám đốc Chương trình châu Á của CPJ còn dựng chuyện đơm đặt “Việt Nam cầm tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới”. Quả đúng là hành động trơ trẽn, lố bịch, bỉ ổi và thật vớ vẩn hết chỗ nói (!).

Dư luận vốn chẳng lạ gì CPJ – một tổ chức đội mũ “phi chính phủ”, chuyên nghề “nhòm ngó”, “châm trọc”, “thọc gậy bánh xe” các quốc gia mà họ quy cho là không theo “gu”, “chuẩn” của Mỹ và phương Tây về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Từ lâu, họ luôn coi chiêu bài “bảo vệ tự do ngôn luận” để chọc ngoáy, gây áp lực, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia này.

Tác nghiệp báo chí ở Việt Nam

Đối với Việt Nam, từ nhiều năm qua, CPJ thường đưa ra các “thông cáo”, “báo cáo”, “kháng nghị”, “tuyên bố”… dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, thậm chí bị bóp méo, xuyên tạc về những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận. Cùng với đó, CPJ còn “nhũng mũi” gây áp lực, can thiệp nội bộ Việt Nam khi ra rả loan tin cổ xúy, đòi trả tự do cho những công dân Việt Nam mang trọng tội tuyên truyền chống chế độ. Ở dạng chiêu thức này, CPJ thường gán cho những can phạm (Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Lư Văn Bảy, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn…) là những “nhà báo” cho đúng kịch bản bảo vệ (!). Mặc dù trên thực tế, những người này chẳng có ai là “nhà báo” – họ đều là công dân Việt Nam vi phạm pháp luật – bản thân có người làm nghề tự do, là luật sư, bác sĩ hoặc vô nghề.

Thí dụ điển hình: Tháng 5/2011, CPJ đưa ra một đòi hỏi ngông cuồng, vô lối đòi Việt Nam thả can phạm Vi Đức Hồi, bị Tòa án Nhân dân Lạng Sơn tuyên phạt 5 năm tù sau phiên xử phúc thẩm, ngày 26/4/2011, tội tuyên truyền chống Nhà nước. Và trước ra đòi hỏi vô lối ấy, CPJ vội chụp cho Hồi chiếc mũ “nhà dân chủ” hay “cây viết độc lập” cho đúng “kịch bản”. Kiểu vơ bèo vạt tép của CPJ như vậy, đã dẫn đến nhiều chuyện nực cười. Điển hình là vụ CPJ dính líu đòi thả Khunmi Somsak, một thành viên nhóm khủng bố “Việt Tân” xâm nhập Việt Nam khủng bố bị bắt hồi tháng 11/1997. Để tạo cớ đòi thả Khunmi Somsak, CPJ chụp cho tên này chiếc mũ “nhà báo”. Hành động này cho thấy, CPJ quả là thật hồ đồ và coi thường hình ảnh nhà báo chân chính. Cùng với thủ đoạn tương tự, nhiều năm qua, CPJ đã nhiều lần tung tin bịa đặt “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận hoặc bịt miệng đối lập” để kích động.

Đa dạng của báo chí Việt Nam

Vấn đề có tính bản chất là: CPJ với định kiến chính trị cố hữu đối với Việt Nam chuyên lợi dụng chiêu bài cổ xúy cho tự do ngôn luận kiểu Mỹ, phương Tây để áp đặt chống Việt Nam. Họ luôn phớt lờ: Sự thật, ở Việt Nam đang có hơn 700 cơ quan báo chí, trong đó có 634 cơ quan báo in với 813 ấn phẩm, 70 đài phát thanh, truyền hình TƯ và địa phương, hơn 200 báo điện tử và hệ thống báo mạng. Việt Nam hiện có 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình quốc gia, 4 đài truyền hình khu vực và 64 đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, thành phố và hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện.

Cùng với đội ngũ nhà báo hoặc những người có hoạt động báo chí đã lên đến gần hai mươi vạn. Kế đến là kênh dịch vụ Internet ở Việt Nam cũng phát triển vượt bậc. Tính đến nay, ở Việt Nam đã có gần 25 triệu người, chiếm 25% dân số sử dụng dịch vụ Internet. Tốc độ tăng trưởng dung lượng kênh Internet/người dùng của Việt Nam tiếp tục duy trì và đạt đến mức 200-250%, xếp thứ 2 thế giới (!).

Và những hành động trịch thượng, ngông cuồng, thầy dùi, chuyên nhòm ngó “nhúng mũi” vào chuyện nội bộ Việt Nam, đối với người Việt Nam cũng không thể chấp nhận được chứ đừng nói đến chính quyền Việt Nam. Mấy ông điều hành CPJ quả thật không có liêm sỉ, tự cho mình là văn minh tiến bộ, cứ trơ trẽn xen vào chuyện nội bộ của Việt Nam, trong khi cái tổ chức “phi chính phủ” do họ làm chủ thì không có bất cứ một thẩm quyền nào hay tư cách nào để có những hành động vô lối, coi thường chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

CPJ là tổ chức “phi chính phủ” hoạt động nhằm theo đuổi tôn chỉ, mục tiêu bảo vệ tự do báo chí kiểu Mỹ, phương Tây. Nhưng họ hãy hiểu rõ rằng: Dân chủ, nhân quyền luôn đi liền với “tự do ngôn luận, tự do báo chí” – là chiêu bài chống phá Việt Nam của bọn phản động lưu vong người Việt, số chống đối cực đoan trong nước có sự hà hơi, tiếp tiền của các thế lực xấu bên ngoài. Chính CPJ là một công cục điển hình cụ thể. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng đầy nham hiểm, vì chúng được sự hậu thuẫn, cổ xúy của luồng tư tưởng “tự do vô bờ bến” mà phương Tây muốn áp đặt đối với Việt Nam. Quan niệm của họ (CPJ) coi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một thứ quyền không giới hạn, là không thể có và không tồn tại ở bất cứ quốc gia nào.

Rõ ràng với những thành tựu về tự do báo chí dày công xây dựng nhiều năm qua, chúng ta có quyền tự hào về nền báo chí tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta, vì hạnh phúc của nhân dân ta, quyết không để tổ chức như CPJ công kích làm phương hại.

Thi Nga

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc