Cột điện bị gãy, đổ sau bão số 1: Cần khách quan trong đánh giá!

11:27 | 08/08/2016

555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều thông tin cho rằng cột điện bị đổ, gãy, nghiêng trong trận bão số 1 vừa qua là do chất lượng kém. Để làm rõ vấn đề này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Tiến Hạnh - Phó giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam), một trong những điện lực chịu thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 1.
cot dien bi gay do sau bao so 1 can khach quan trong danh gia
Ông Kiều Tiến Hạnh - Phó Giám đốc PC Hà Nam.

PV: Trước tiến, xin ông cho biết, trong đợt mưa bão số 1 vừa qua, hệ thống lưới điện tỉnh Hà Nam đã chịu thiệt hại gì và công tác khắc phục đến nay?

Ông Kiều Tiến Hạnh: Hà Nam là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, duy trì trong thời gian dài. Chính vì vậy, hệ thống lưới điện phân phối tại Hà Nam bị thiệt hại và hư hỏng nặng nề, gây mất điện toàn tỉnh. Khoảng 3.320 cột điện hạ thế và 316 cột điện trung thế bị đổ hoặc gãy, một số trạm biếp áp bị hư hỏng nghiêm trọng do cây cối đổ vào, số lượng đường dây trung áp bị đứt là 19km tại 75 vị trí, hạ áp là 45km tại 1.050 vị trí, số lượng xà, sứ hỏng lên tới con số hàng ngàn.

Ngay sau khi mưa gió ngớt, Ban lãnh đạo PC Hà Nam đã khẩn trương xuống hiện trường, đánh giá thiệt hại và chỉ đạo các đơn vị huy động mọi nguồn lực nhanh chóng khắc phục sự cố, để sớm cấp điện lại cho khách hàng, đặc biệt ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm chống úng. Công ty cũng đã huy động 100% quân số, cùng trên 350 công nhân của các đơn vị xây lắp điện đóng trên địa bàn tỉnh ngày đêm làm việc ngoài hiện trường từ sáng sớm đến đêm với mục tiêu cao nhất là cấp điện trở lại cho các hộ dân, các khách hàng sử dụng điện.

Với tinh thần như vậy, chỉ sau 4 ngày (trước đó, theo tính toán của điện lực, cần ít nhất 7 ngày để khôi phục các lộ đường dây, cấp điện trở lại cho người dân, doanh nghiệp - PV). Và đến nay, toàn bộ các lộ đường dây trung hạ thế, các trạm biến áp được khôi phục hoàn toàn, cấp điện trở lại cho các khách hàng.

PV: Mấy ngày gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cột điện gãy đổ là có vấn đề. Vậy xin ông cho biết quan điểm của mình về điều này như thế nào?

Ông Kiều Tiến Hạnh: Trước tiên phải khẳng định đó là những ý kiến thiếu khách quan, thậm chí mang tính quy chụp. Chúng ta phải hiểu rằng, thiên tai là điều không ai mong muốn và cũng không có cách nào để lường trước hậu quả của nó, nhất là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề. Việc cột điện gãy đổ do thiên tai, bão gió, tác động từ bên ngoài là điều có thể xảy ra. Hơn nữa có những cột điện, đường dây đã đầu tư từ lâu, thậm chí vài chục năm lại chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Ngoài ra, những cột điện trong thành phố còn phải gánh chịu thêm nhiều loại dây viễn thông nên sức chịu đựng cũng giảm đi. Do đó khi đánh giá việc gì cũng cần đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, trung thực, có cơ sở khoa học chứ không thể cứ thích thì đặt câu hỏi có vấn đề.

cot dien bi gay do sau bao so 1 can khach quan trong danh gia
Lưới điện hạ áp ở TP Phủ Lý (Hà Nam)

PV: Về mặt thi công, xây lắp thì sao, thưa ông?

Ông Kiều Tiến Hạnh: Về mặt thi công xây dựng hệ thống lưới điện nói chung và lưới điện trung hạ áp nói riêng đều phải tuân thủ các quy trình, quy định của Nhà nước và ngành điện, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, an toàn trong quản lý vận hành. Ví dụ như khoảng cách đảm bảo kỹ thuật cho lưới trung thế là 80-85 m, hạ thế là 40-50 m, tùy thuộc vào địa hình, địa chất, khoảng vượt....

Các cột điện dù cũ hay mới đều do các công ty chuyên môn thực hiện, được cấp phép, đánh giá, thẩm định chất lượng cũng như tuân thủ quy trình sản xuất kỹ thuật theo quy định của nhà nước.

Trong những năm vừa qua, để đảm bảo an toàn lưới điện, PC Hà Nam đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhiều đường dây, sử dụng các cột điện dự ứng lực sử dụng công nghệ mới với tiêu chuẩn quốc gia. Đối với các dự án xây dựng lưới điện, công ty đều tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi. Các đơn vị thi công xây dựng tham gia phải gửi hồ sơ kỹ thuật đầy đủ, chi tiết. Đơn cử như chỉ riêng hạng mục cột điện bê tông dự ứng lực phải có hồ sơ kỹ thuật chi tiết từ mẫu đá dăm, mẫu cát, mẫu xi măng, mẫu thép; kết quả kéo thép, mẫu nén bê tông...được cơ quan quản lý nhà nước thử nghiệm, chứng nhận.

Nói như vậy không phải để thanh minh nhưng việc xây dựng cột, lưới điện đều phải đảm bảo đúng quy định của nhà nước. Còn sức tàn phá của thiên tai thì không ai lường trước được và chắc chắn không ai dám khẳng định là nó sẽ vĩnh cửu và không chịu tác động gì trước thiên tai.

PV: Để hạn chế những sự cố hệ thống điện, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, bão gió thì các đơn vị ngành điện cần thực hiện những giải pháp trong thời gian tới là gì?

Ông Kiều Tiến Hạnh: Đối với các tỉnh miền Bắc, luôn phải chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão lũ, trong đó có hệ thống điện. Khi xảy ra nó gây thiệt hại lớn không chỉ cho ngành điện mà còn cả nền kinh tế xã hội. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, giảm thiểu thiệt hại trước thiên tai, theo tôi, PC Hà Nam và các đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời khắc phục sự cố để cấp điện cho nhân dân nhanh nhất; Còn về lâu dài cần rà soát, tổng kết hệ thống đường dây, cột ở những nơi hay bị thiên tai để nghiên cứu, tính toán, thiết kế xây dựng hệ thống điện phù hợp, đặc biệt là chú ý đến yếu tố kỹ thuật.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngọc