Công tác phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả trên nhiều mặt

17:11 | 19/09/2017

1,996 lượt xem
|
Tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.
cong tac phong chong tham nhung dat duoc ket qua tren nhieu mat
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017 đánh giá: Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ các mặt công tác PCTN; đã nêu được những ưu điểm, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục. Năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Thể chế về PCTN tiếp tục được hoàn thiện. Bộ máy Nhà nước ngày càng được kiện toàn, hoạt động minh bạch, công khai hơn; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường; việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật trong các vụ án tham nhũng giảm. Vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân đối với công tác PCTN tiếp tục được phát huy.

Đặc biệt, trong năm 2017, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản Nhà nước được phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiêm, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, Báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác PCTN năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016; một số tồn tại, hạn chế nêu còn sơ lược, thiếu các thông tin, địa chỉ cụ thể; chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác PCTN đã tồn tại qua nhiều năm…

Về đánh giá tình hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng đánh giá đúng về tình hình tham nhũng có ý nghĩa quyết định trong việc đề ra các giải pháp PCTN. Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả PCTN trong năm 2017 đã góp phần làm “giảm tham nhũng”, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra “nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi”, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công...; đồng thời cũng đưa ra dự báo “tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm”.

Ủy ban Tư pháp cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, thì điểm số theo chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2016 của Việt Nam là 33/100 điểm (tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 đã giữ nguyên trong 4 năm từ 2012 đến 2015) và cho rằng đây là dấu hiệu tích cực đối với những nỗ lực PCTN của Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đánh giá về tình hình tham nhũng, tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

Gần đây nhất, ngày 26/12/2016, tại Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X đã nhận định công tác PCTN chưa đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”; “Tham nhũng, lãng phí với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ đánh giá về tình hình tham nhũng trong năm 2017 và căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm.

cong tac phong chong tham nhung dat duoc ket qua tren nhieu mat
Toàn cảnh phiên họp sáng 19/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ sự tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN và cho rằng hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng còn chưa nghiêm. Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế. Việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Việc công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn hạn chế.

Cơ bản đồng tình với những kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cũng nêu lên một số kiến nghị cụ thể, trong đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng. Cùng với đó là đề nghị Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung: “Tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực”.

Báo Chính phủ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc