Cộng đồng kinh tế ASEAN - bước khởi đầu cần thiết

07:00 | 10/12/2015

1,963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Với văn kiện lịch sử được lãnh đạo 10 nước ASEAN ký kết tại Malaysia vào ngày 22-11 vừa qua, từ 1-1-2016, cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức được hình thành. Sự ra đời của AEC sau 13 năm đàm phán đang góp phần đưa một cộng đồng chung ASEAN thịnh vượng trở thành hiện thực.

AEC - 1 trong 3 trụ cột quan trọng

AEC là trụ cột đầu tiên được hình thành trong ba trụ cột quan trọng nhằm đưa ASEAN trở thành một cộng đồng chung thống nhất, đoàn kết và thịnh vượng. Theo đó, ASEAN sẽ là một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, dựa trên ba trụ cột vững chắc là cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa - xã hội, đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm và đóng góp tích cực của mình cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội to lớn về hợp tác và tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường thuận lợi về thương mại và đầu tư cho các quốc gia ASEAN và các nước đối tác.

cong dong kinh te asean buoc khoi dau can thiet

Hiện ASEAN được đánh giá là khu vực phát triển tương đối năng động trên thế giới với khả năng tăng trưởng kinh tế cao, chính trị tương đối ổn định trên cơ sở nền tảng văn hóa lúa nước khá tương đồng giữa các quốc gia.

Mục tiêu chính của cộng đồng ASEAN là tạo một môi trường liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN nhưng không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển các quốc gia trong ASEAN.

Trước các diễn biến kinh tế, chính trị khu vực và trên thế giới, tháng 10-2003, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký tuyên bố hòa hợp ASEAN II (tuyên bố Ba-li II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Theo đó, ASEAN xúc tiến thành lập cộng đồng chung với ba trụ cột chính: Cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC) với từng mục tiêu và thời hạn hoàn thành cụ thể.

Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài.

Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC) với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.

Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực cũng như trên cơ sở những thành tựu của ASEAN trong 40 năm qua, việc đẩy nhanh quá trình hợp tác kinh tế dẫn đến sự ra đời của AEC sớm hơn 5 năm sẽ biến 10 quốc gia thành viên ASEAN thành một thị trường chung với dân số trên 600 triệu dân, tổng GDP đạt gần 3 nghìn tỉ USD (số liệu tính đến 2014). ASEAN đang hướng tới một tương lai thịnh vượng và ổn định, trong đó, AEC là một trong những nền tảng để hình thành tương lai đó.

Đánh giá về cơ hội mà AEC sẽ mang lại cho ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tại Malaysia tháng 11-2015 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, AEC này sẽ mang lại nhiều cơ hội hội nhập của khu vực và đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 của thế giới.

Cũng tại hội nghị này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “10 nước ASEAN sẽ là cộng đồng chung rộng lớn, với nền sản xuất chung và từ đó dịch vụ, hàng hóa, đầu tư được tự do lưu chuyển trong 10 nước Đông Nam Á. Lao động kỹ thuật cao cũng được di chuyển, tạo ra cơ hội lớn lao cho người dân, doanh nghiệp của các nước Đông Nam Á để cùng phát triển kinh tế để giảm khoảng cách về phát triển giữa các nước trong khu vực”.

Liên kết kinh tế là động lực

Theo kế hoạch, cộng đồng chung ASEAN chỉ chính thức hình thành khi cả ba trụ cột chung là chính trị, kinh tế, văn hóa cùng được hình thành. Với tầm nhìn của mình, ASEAN kỳ vọng sự ra đời của AEC sẽ là cú hích giúp các quốc gia trong khu vực có sự hòa nhập sâu rộng hơn, hiệu quả hơn về mặt kinh tế trước khi có những gắn kết chặt chẽ hơn về chính trị và văn hóa. Ngoài ra, AEC còn được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với các cường quốc châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ trong hoạt động thương mại và có vai trò chính trị nổi bật hơn trên thế giới.

Theo viễn cảnh mà các nhà lãnh đạo ASEAN chỉ ra, AEC sẽ mở ra một thị trường mới với dân số đông hơn, đa dạng hơn cả Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ. Khi đó, mọi hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ, hoạt động giao thương sẽ phát triển mạnh. Đầu tư nước ngoài vào ASEAN được dự báo sẽ tăng mạnh. Cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư và cải tạo, nhiều cơ hội việc làm sẽ được tạo ra. Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển thịnh vượng và mọi người sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với mục tiêu như vậy, nhưng để hiện thực hóa, ASEAN còn khá nhiều vấn đề tồn tại cần phải gấp rút hoàn thiện. Hiện nay, chênh lệch về phát triển kinh tế các quốc gia trong khối là khá đáng kể. Theo phân loại của nhiều tổ chức, các nền kinh tế ASEAN đang được chia làm 2 nhóm, nhóm phát triển hơn là các nước có mức thu nhập trung bình gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia,  Philippines và nhóm các nước kém phát triển gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Vì vậy, để lấp dần hố sâu chênh lệch giữa các nền kinh tế này, các quốc gia ASEAN đã phải xây dựng lộ trình và điều kiện riêng áp dụng AEC cho mỗi nhóm khác nhau.

Ngoài ra, để AEC hoạt động thực chất và hiệu quả hơn, ASEAN cần phải thúc đẩy hơn nữa các quan hệ kinh tế nội khối. Theo thống kê, trong 10 năm qua, trao đổi thương mại nội khối vẫn ở mức khoảng 24% tổng trao đổi thương mại toàn cầu của ASEAN, ít hơn nhiều so với các khu vực chung khác (khu vực chung châu Âu EU đạt tỷ lệ là 60%). Trong khi đó, các giao dịch chủ yếu của nhiều quốc gia vẫn tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Bên cạnh đó, những khác biệt về thể chế chính trị hay tôn giáo giữa các quốc gia thành viên được nhiều chuyên gia nhìn nhận là một trở ngại không nhỏ khi hình thành các cộng động chung ASEAN, trước mắt là AEC và tiếp theo sẽ là cộng đồng chính trị và cộng đồng văn hóa.

Chính vì vậy, với việc đưa AEC sớm thành hiện thực 5 năm so với lộ trình trước đây, các nhà lãnh đạo ASEAN kỳ vọng, sự gắn kết về mặt kinh tế sẽ là động lực và nền tảng giúp các quốc gia trong khối gắn bó mật thiết hơn nữa về mặt chính trị và văn hóa - những yếu tố đưa ASEAN trở thành một cộng đồng chung thực chất và ý nghĩa.

 

Thành Trung

Năng lượng Mới số 480