Công chức đi học… cười

07:00 | 15/05/2015

1,063 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực tế, nhiều công chức Nhà nước hiện nay vẫn rất hiếm hoi nở nụ cười thân thiện và cởi mở khi tiếp dân do họ chưa phân định được người dân là “thượng đế” hay là “người được ban ơn”.

Năng lượng Mới số 421

10 người nhận giải, 9 người là sếp

Mở đầu câu chuyện với Báo Năng lượng Mới, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Yoga cười Việt Nam tỏ ra khá hào hứng về thông tin sau cuộc thi “nụ cười công chức” do Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức. Ông Sơn cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực bởi chúng ta đã bắt đầu hướng tới xây dựng một xã hội văn minh và thân thiện, một nền hành chính chuyên nghiệp.

Công chức  đi học… cười

Ông Lê Anh Sơn trong một buổi dạy cười cho công chức

“Trong sự phát triển chung của xã hội, nụ cười là một trong những thước đo quan trọng của nền hành chính nói riêng. Nụ cười làm cho người cán bộ gần gũi với người dân, nhận được sự thiện cảm, cộng tác từ người dân. Như vậy hiêu quả công việc sẽ cao hơn”, ông Sơn nói.

Đáng lưu ý, trong danh sách 10 người được trao giải thưởng “Nụ cười công chức” thì có đến 9 người là sếp. Chỉ duy nhất 1 nhân viên là chuyên viên Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thuộc Cục Thuế Đà Nẵng.

Về vấn đề này, ông Sơn cho rằng: “Mỗi cuộc thi đều có tiêu chí dành cho những người thắng cuộc. Lãnh đạo là người đại diện cho tổ chức, là người ảnh hưởng đến văn hóa tổ chức, nếu lãnh đạo là người thân thiện thì thật đáng tự hào. Đây cũng là sự khởi đầu, tôi mong rằng những cán bộ nhận giải sau cuộc thi này hãy lan tỏa thực tế sự thân thiện đến tổ chức của mình thì ý nghĩa cuộc thi này càng trở nên trọn vẹn”.

Từng là người dạy cười cho rất nhiều công chức, ông Lê Anh Sơn chia sẻ: “Mới đầu tôi cũng nghĩ dạy cười cho công chức sẽ gặp khó khăn, nhưng triển khai thực tế lại rất thuận lợi. Mới đầu tham gia, các học viên là công chức thường có một chút bỡ ngỡ ngại ngùng, nhưng sau khi hiểu bản chất và ích lợi của tiếng cười trong công việc và cuộc sống cùng với hệ thống bài tập giúp mọi người cởi mở và thân thiện tôi thấy họ hòa nhập rất nhanh.

Trong đó có thể kể đến các công chức đến từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Học Viện Cảnh Sát, Cảnh sát giao thông Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy, Tổng cục Đường bộ, Tổng cục Thuế Hà Nội, Bệnh viện K...

“Tôi  luôn ủng hộ việc chúng ta hướng tới một nền hành chính thân thiện. Đã đến lúc Việt Nam cần xây  dựng con người thân thiện, dịch vụ thân thiện góp phần phát triển đất nước. Nụ cười và sự thân thiện chính là biểu hiện của một xã hội văn minh. Ai cũng biết nở nụ cười, xã hội sẽ thân thiệt hơn, bớt đi những hiềm khích, toan tính và cả tội ác. Tuy nhiên, nụ cười không phải chỉ đến từ một phía. Cần phải xây dựng môi trường thân thiện, cán bộ công chức thân thiện, công dân thân thiện khi đó nụ cười sẽ lan tỏa”, ông Lê Anh Sơn nhấn mạnh.

Bàn thêm về giải thưởng cuộc thi “nụ cười công chức”, ĐBQH Đinh Thị Mai Lan cho rằng vẫn nặng tính hình thức.

“Tôi không ủng hộ những cái gọi là phong trào, thi thố trong khi cuộc sống thực tế không có. Nếu ý thức của người công chức tốt, được người dân hài lòng thì cần gì phải thi. Sau cuộc thi có làm thay đổi được những cái tồn tại trong cách tiếp dân của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay hay không. Nếu có cuộc thi thì tôi nghĩ ban giám khảo phải là người dân…”, bà Lan nhấn mạnh.

Thích xin - cho

Sở dĩ nhiều công chức nhà nước hiện nay vẫn rất hiếm nụ cười thân thiện và cởi mở khi tiếp dân dường như là bởi vì họ chưa phân định được người dân là “thượng đế” hay là “người được ban ơn”. Tình trạng này vẫn kéo dài trong bối cảnh lương công chức hoàn toàn sử dụng từ tiền thuế của người dân và nhiều cơ quan hành chính hằng ngày đang làm các dịch vụ hành chính công phục vụ dân có thu cả thuế và phí.

Công chức  đi học… cười

GS Trần Ngọc Thêm

Điều này thực sự cần được thay đổi trong quá trình cải cách hành chính mà các nhà quản lý cấp cao đang tích cực đốc thúc nhiều năm nay. Ngay trong một ngành khá nhạy cảm như y tế, mới đây trong một hội nghị trực tuyến về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế với hơn 700 điểm cầu cả nước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh, cán bộ y tế cần chấm dứt ngay chữa bệnh kiểu ban ơn, phải lấy người bệnh làm trung tâm. 

Theo bà Tiến, trong tương lai gần, giá dịch vụ sẽ dần tính đúng, tính đủ, Nhà nước tiến tới không cung cấp ngân sách thường xuyên cho các bệnh viện, các bệnh viện phải tự chủ. Nếu làm không tốt, bảo hiểm không ký với mình, bệnh nhân dịch vụ không đến sẽ không có tiền… “Vậy tại sao giờ bệnh nhân đến với mình lại không tươi cười, niềm nở?”.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm - tác giả những công trình nghiên cứu về văn hóa như “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”… nhận xét rằng, công chức không thân thiện, thậm chí cáu gắt là hiện tượng phổ biến, đặc biệt là bộ phận tiếp xúc nhiều với dân, nhóm ngành có lương bổng thấp...

Giáo sư Trần Ngọc Thêm lý giải nguyên nhân công chức ít cười bằng hình ảnh so sánh giữa nơi công quyền truyền thống như UBND xã với nơi tiếp khách hàng ở công sở hiện đại ngày nay như công ty nước ngoài, tập đoàn Nhà nước đã cổ phần hóa, ngân hàng...

Những nơi này, cơ sở vật chất hiện đại, có chỗ ngồi cho khách rộng rãi, mát mẻ, có máy lạnh, có nhân viên đứng trực giúp khách lấy số thứ tự... rất văn minh. Trước mặt nhân viên tiếp khách hàng luôn chỉ có một người, tiếp hết người này rồi đến người khác vào chỗ ngồi.

Trong khi đó, ở nơi tiếp dân truyền thống, người đến làm thủ tục hành chính đến chen chúc, tranh nhau làm trước, làm sau... làm cán bộ tiếp dân khó tránh khỏi sự mệt mỏi.

Ông nói: “Công việc hằng ngày phải tiếp xúc với dân nhiều nên mệt mỏi, sinh ra cáu gắt, không thể cười được”.

Lý do khác, con người đến nơi có dịch vụ cao, văn minh hơn họ cũng sẽ ứng xử một cách văn minh. Ví dụ, con người đến siêu thị mua hàng sẽ có cách ứng xử khác với khi ở chợ truyền thống. Hoặc cũng là một người, nhưng khi họ đi phương tiện máy bay sẽ có cách ứng xử khác với đi xe ôtô giá rẻ.

Cũng như vậy, cơ quan công quyền là nơi tất cả mọi người có thể đến, có người ứng xử văn minh nhưng cũng có người có cách hành xử thiếu lịch sự, chen lấn xô đẩy, nói to.... Nếu công chức tiếp đón những người như vậy thường bị áp lực khó mà mỉm cười suốt ngày được.

Ông nhấn mạnh đến nguyên nhân quan trọng nhất, đó là nhiều người còn mang trong mình cách ứng xử hành chính thời phong kiến, qua thời bao cấp đến nay là ứng xử xin - cho.

 Trong đó, cán bộ công chức là người cho; dân đến cơ quan công quyền là người xin. Bao giờ người cho cũng phải trịch thượng. Đó là lối ứng xử từ trên xuống, không phải ngang hàng. Cho nên người ta không cảm thấy có trách nhiệm thân thiện, thậm chí còn cao đạo mắng chửi để tỏ ra quyền lực, khách hàng quỵ lụy và nhiều khi còn hàm ý “phải thế nào” mới được cho.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, giải thưởng “nụ cười công chức” của thành phố Đà Nẵng là rất đáng ghi nhận. Song, cũng phải nhấn mạnh rằng, đó là một con số rất nhỏ bé so với hàng ngàn công chức đang làm việc trong một địa phương. Nụ cười chỉ đến, chỉ có khi từ vô thức của trái tim và trí tuệ, mỗi con người ý thức được rất rõ ràng rằng nếu không thay đổi dứt khoát, triệt để văn hóa quan chức thì con đường đi lên vẫn còn lắm những trắc trở, gập ghềnh…

Thảo Phượng

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc