Công bố danh sách đại biểu Quốc hội khóa XIII

11:12 | 03/06/2011

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử với tỷ lệ ủng hộ 85,63%, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng là đại biểu đạt tỷ lệ ủng hộ cao nhất: 95,51%.

Ngày 1/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số: 434 NQ/HĐBC về việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII trong phạm vi cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng trúng cử tại đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội (gồm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ). Trong tổng số hơn 407.000 cử tri đi bầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt tỷ lệ 85,63% số phiếu hợp lệ, là người trúng cử với số phiếu bầu cao nhất trong số 5 ứng viên tại đơn vị này.

Cũng tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trúng cử với tỷ lệ 77,38% số phiếu bầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội.

Tại đơn vị bầu cử số 3 của Hải Phòng (gồm huyện An Lão, huyện Tiên Lãng, huyện Vĩnh Bảo, quận Kiến An, quận Dương Kinh), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trúng cử với tỷ lệ 95,38% số phiếu.

Tại đơn vị bầu cử số 1 của Hà Tĩnh (huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Hương Khê và thành phố Hà Tĩnh), Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đạt 95,51% tỷ lệ ủng hộ trong số hơn 345.000 cử tri đi bầu. Phó Thủ tướng là đại biểu Quốc hội trúng cử với tỷ lệ ủng hộ cao nhất.

Tại TPHCM, thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cũng trúng cử với tỷ lệ 80,19%. Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhận 73,32% số phiếu bầu.

Tổng Thư ký hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên khẳng định, cuộc bầu cử đã thu kết quả tốt đẹp. Có tổng số 61,9 triệu/62,2 triệu cử tri đi bầu, đạt tỷ lệ 99,51%. Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử đạt rất cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, 4 tỉnh cao nhất, đạt 99,99% là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn.

Kết quả bầu đại biểu Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đều bầu đủ số lượng đại biểu được phân bố. Không có trường hợp bầu cử thiếu, bầu cử lại. Trong số 827 người ứng cử, đã bầu được đủ 500 đại biểu Quốc hội. Trong đó, đại biểu do TƯ giới thiệu 167 người, chiếm 33,4%, đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương 333 người (66,6%), số đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu là 333 người (66,6%). Đại biểu có trình độ trên đại học 229 người (45,8%), đại học 262 người (52,4%), dưới đại học 9 người (1,8%).

Kết quả bầu HĐND: cấp tỉnh bầu được hơn 3.800 người, thiếu 8 người so với chỉ tiêu, cấp huyện bầu được hơn 21.000 người, thiếu 47 người, cấp xã bầu được gần 288.000 người, thiếu gần 3.000 người.

Với kết quả trên, cấp tỉnh không đơn vị nào phải bầu lại, bầu thêm. Cấp huyện có 1 khu vực bỏ phiếu tại Hà Nội phải bầu lại, 14 đơn vị bầu cử ở 6 tỉnh (Bình Thuận 4 đơn vị, Đắk Lắk 3, Quảng Ngãi 3, Quảng Nam 2, Bắc Kạn 1, Đắk Nông 1) phải bầu thêm. Cấp xã có 9 khu vực bỏ phiếu ở 4 tỉnh phải bầu lại và 483 đơn vị bầu cử ở 22 tỉnh phải bầu thêm. Hội đồng bầu cử đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời tổ chức việc bầu lại, bầu thêm.

Kết quả bầu cử thể hiện truyền thống yêu nước, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là tiền đề để tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ mới.

Trên cơ sở báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp của Văn phòng Quốc hội, tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản nhất trí dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và nhân sự cấp cao của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nghe báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Đồng thời, Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; cho ý kiến các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII…

Dự kiến, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ được tiến hành trong khoảng 13,5 ngày (trong đó 0,5 ngày họp trù bị). Phiên khai mạc được ấn định vào ngày 21/7 và bế mạc vào ngày 5/8/2011. Công tác tổ chức, nhân sự được bố trí trong khoảng 11 ngày.

Theo vietnam+/KH&DT

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc