Công bố 4 Luật mới

19:39 | 06/12/2011

370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Sáng 6/12 tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 4 Luật vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 11/11/2011 gồm Luật Đo lường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Lưu trữ. Các Bộ Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012.

Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tham gia soạn thảo các Luật trên và các cơ quan báo chí.

Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đọc Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu đã giới thiệu Luật Lưu trữ với VII chương, 42 điều, quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý về lưu trữ. Thứ trưởng Văn Tất Thu nêu rõ quan điểm chỉ đạo khi xây dựng Luật và sự cần thiết đối với việc ban hành Luật để thể chế hóa quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ quốc gia. Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông cũng cho biết, lần đầu tiên, Luật quy định thời hạn được phép sử dụng rộng rãi đối với tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật, cụ thể : "Sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu mật nhưng chưa được giải mật”, "Sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật” các tài liệu đó sẽ được tự động giải mật, các cơ quan, tổ chức và cá nhân đều có thể được tiếp cận và sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trong phần giới thiệu Luật đã cho biết, sau nhiều năm thực hiện, đến nay Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998, sửa đổi bổ sung vào các năm 2004 và 2005 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vì vậy vấn đề khiếu nại và tố cáo được tách bạch và điều chỉnh ở hai văn bản luật là cần thiết.

Luật Khiếu nại gồm VIII chương, 70 điều quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.

Luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Trình bày mục đích và ý nghĩa của việc ban hành Luật Đo lường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định, đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Mục đích cuối cùng của Luật Đo lường là đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân; góp phần thúc đẩy phát triển khoa học-kỹ thuật, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường; thúc đẩy lưu thông hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật Đo lường gồm IX chương, 58 điều quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết thêm, tại Luật Đo lường mới, việc xử phạt các vi phạm về đo lường với số tiền thu lợi bất chính trong suốt thời gian vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa tại Luật Xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt tiền bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Với mức phạt tối đa về đo lường trước đây là 200 triệu đồng không đủ sức răn đe khi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục hoạt động, nên phải tăng mức phạt. Việc áp dụng mức phạt bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính sẽ do Chủ tịch tỉnh hoặc Chánh Thanh tra Bộ KHCN quyết định, sẽ đảm bảo không xảy ra thông đồng giữa đơn vị vi phạm và cơ quan xử phạt. Đối với vấn đề kiểm định đo lường, Luật quy định sẽ có đo lường đối chứng, tức là cơ quan chức năng đột xuất yêu cầu một đơn vị kiểm định đo lường thứ hai vào cuộc để tránh sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp đo lường và đơn vị kiểm định cho doanh nghiệp đó.

Trong thời gian tới, trong khi các cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện các văn bản dưới luật nhằm đưa các Luật mới vào cuộc sống, các cơ quan thông tấn báo chí, với vai trò trách nhiệm của mình cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực thi Luật một cách hiệu quả nhất.

Tiến Dũng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc