Đề án cải cách chính sách tiền lương

Công bằng & Minh bạch

11:00 | 11/05/2018

772 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cải cách chính sách tiền lương là một đề án quan trọng được trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII để thống nhất và thông qua. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - để có thể hiểu rõ hơn đề án này. 

PV: Thưa ông, đã trải qua nhiều lần cải cách tiền lương, nhưng cách tính lương được dư luận đánh giá vẫn bất cập, chưa gắn với hiệu quả công việc. Vậy lần này, đề án cải cách chính sách tiền lương đề xuất cách tính lương như thế nào?

cong bang minh bach
Ông Bùi Sỹ Lợi

Ông Bùi Sỹ Lợi: Trong quá trình khảo sát, đóng góp xây dựng dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương, nhiều người đề nghị nên bỏ cách tính hệ số lương như hiện nay mà chuyển sang dùng giá trị tuyệt đối. Do vậy, đề án đã đưa ra cách tính này. Thực ra cách tính này không có gì mới mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta đã thực hiện cách tính lương theo giá trị tuyệt đối, không trả lương theo hệ số. Sau này, trải qua cả một chặng dài mới chuyển sang cách tính hệ số. Lúc đầu có hệ số cho doanh nghiệp trong nước (quy định bằng tiền Việt) và hệ số cho khu vực FDI (quy định bằng USD), rồi mới tách thành lương tối thiểu ra 3 vùng, sau đó điều chỉnh thành 4 vùng như hiện nay, tách tiền lương của khu vực Nhà nước ra thành mức tiền lương cơ sở.

Như vậy, bản chất của tiền lương ở nước ta lúc đầu là số tuyệt đối, sau mới tính thành hệ số để nhân với mức lương tối thiểu vùng của khối doanh nghiệp và nhân với mức lương cơ sở của khu vực hành chính sự nghiệp.

PV: Như vậy chúng ta quay lại với cách tính lương cũ cách đây hơn nửa thế kỷ?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Quay lại cách tính đó để người lao động (NLĐ) dễ hiểu hơn, không phải lấy lương cơ sở nhân với hệ số, nhân với phụ cấp nữa. Nếu theo cách tính giá trị tuyệt đối thì lương của tôi bao nhiêu là tôi sẽ biết bấy nhiêu. Điểm mới theo Đề án về cải cách tiền lương là tiền lương trả cho NLĐ sẽ gồm phần cứng phải chiếm ít nhất 70% tổng thu nhập của NLĐ, còn tiền phụ cấp các loại (phụ cấp thu hút, thâm niên, ngành nghề… trước đây phân ra thành 20 loại, nay nhóm lại còn 3 nhóm) chỉ chiếm 30% thôi, để NLĐ thấy rằng, tiền lương đích thực là tiền lương và tiền lương được trả theo số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc.

Cụ thể, với cách tính này, đối với khu vực doanh nghiệp, tiền lương vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động và là căn cứ để ký kết hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Tiền lương mà các doanh nghiệp trả cho NLĐ không được thấp hơn tiền lương tối thiểu theo quy định của 4 vùng. Tiền lương tối thiểu được sửa đổi theo cách hiểu là “tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” thay vì “nhu cầu” như quy định hiện hành. Trong khối doanh nghiệp, tiền lương phải gắn với năng suất lao động, có nghĩa là NLĐ muốn có lương cao thì phải tăng năng suất lao động.

Còn khu vực hành chính sự nghiệp sẽ có 2 bảng lương. Một bảng lương sẽ được tính theo chức vụ, vị trí việc làm, người giữ chức vụ nào hưởng theo lương chức vụ đó, chứ không theo thâm niên như hiện nay, theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Còn với chuyên môn nghiệp vụ thì chỉ có 1 bảng lương, tức là vẫn phải nâng lương thường xuyên 3 năm một bậc đối với bậc đại học trở lên, 5 năm đối với chuyên gia và 2 năm với cán sự.

cong bang minh bach
Tiền lương của người lao động khối doanh nghiệp sẽ tính theo hiệu quả công việc

PV: Cách trả lương mới có bảo đảm công bằng không, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đây là cách tính để bảo đảm sự công bằng. Nếu anh là phó chủ nhiệm, tôi cũng là phó chủ nhiệm, thì năm thứ nhất tôi với anh cùng được trả lương là 10 triệu đồng/tháng chẳng hạn. Không thể có chuyện anh được 10 triệu đồng còn tôi chỉ được có 9 triệu đồng. Và, cứ thâm niên 5 năm làm việc sẽ được thêm 10%. Ví dụ, nếu làm việc ở nhiệm kỳ thứ hai, tôi sẽ được thêm 1 triệu đồng, sẽ có 11 triệu đồng/tháng. Chỉ áp dụng thống nhất một bảng lương, bậc lương nên mới gọi là trả lương theo vị trí việc làm.

Khối doanh nghiệp trả lương theo cơ chế thị trường, dựa theo số lượng sản phẩm làm ra, chất lượng công việc. Số lượng công việc nhiều, chất lượng cao tất nhiên tiền lương nhiều. Ví dụ, thỏa thuận 1 ngày anh làm được 10kg sản phẩm anh sẽ được 10 triệu đồng/tháng, nếu 1 ngày anh làm được 11kg thì anh sẽ có 11 triệu đồng/tháng.

PV: Thưa ông, tại sao trong khối doanh nghiệp mức lương tối thiểu vùng hiện nay có sàn rất cao, trong khi mức lương cơ sở của khối hành chính sự nghiệp lại chỉ có 1.300.000 đồng. Nếu trả theo giá trị tuyệt đối thì có xóa bỏ mức lương cơ sở này không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: So sánh thì như thế nhưng thực chất lương NLĐ không bao giờ cao hơn được lương của công chức, viên chức nhà nước, vì mức 1.300.000 đồng còn nhân với hệ số (như đào tạo đại học thấp nhất là 2,34). Tuy nhiên, định hướng về cải cách tiền lương sắp tới là công chức, viên chức hay công nhân thì mức lương tối thiểu phải tiệm cận nhau.

Tiền lương tối thiểu được sửa đổi theo cách hiểu là “tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” thay vì “nhu cầu” như quy định hiện hành.

PV: Có phải bản chất của việc tăng lương cho khối hành chính sự nghiệp vẫn là làm sao để giảm biên chế, sắp xếp bộ máy làm việc?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Bản chất của việc điều chỉnh tăng lương công chức, viên chức là phải tinh giản bộ máy để sắp xếp đúng người, đúng việc. Muốn cải cách tiền lương, việc đầu tiên là phải cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm một cách tối đa những lĩnh vực dịch vụ công mà lâu nay vẫn phải trả lương từ ngân sách. Dịch vụ công phải chuyển sang trả theo kết quả đầu ra và Nhà nước khoán, không nhất thiết phải Nhà nước làm. Nếu người dân làm được thì giao cho người dân. Y tế, giáo dục… cái gì mà tự chủ được thì giao cho người dân làm. Phải giảm biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Nếu như chúng ta làm được điều đó sẽ có một chính sách tiền lương minh bạch, đáp ứng nhu cầu sống của người làm công ăn lương, nâng cao năng lực, hiệu suất phục vụ nhân dân, đặc biệt sẽ góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, chạy chức chạy quyền.

PV: Theo đề án, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021, mức lương phải bảo đảm mức sống. Ông có kỳ vọng gì về lần cải cách này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đây là thời điểm cần và đủ để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với năng suất lao động, tuân thủ các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hơn nữa, đến lúc cần thiết phải bảo đảm và nâng cao mức sống cho NLĐ và gia đình họ, được đặt trong tổng thể cải cách các chính sách kinh tế, xã hội có liên quan và gắn kết chặt chẽ với quá trình cải cách hành chính, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tiêu chuẩn hóa cán bộ công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác trong hệ thống chính trị.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tú (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc