Thí điểm xe hợp đồng điện tử

Còn nhiều bất cập!

07:33 | 26/10/2017

1,429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận tải hành khách được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai. Đây là biện pháp cần thiết để quản lý giao thông. Tuy nhiên, việc thực hiện thí điểm đang có nhiều bất cập.  

Taxi truyền thống phản đối

Ngày 19-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1850/TTg-KTN đồng ý giao Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe hợp đồng điện tử). Trong đó có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ôtô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Thời gian thí điểm là 24 tháng.

con nhieu bat cap

Sau đó, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Kể từ sau khi ban hành Quyết định 24, việc thí điểm loại hình vận tải này ít nhận được sự đồng thuận từ các doanh nghiệp taxi truyền thống. Việc này thể hiện ở hành động dán băng-rôn trên xe taxi “Yêu cầu Bộ GTVT dừng thực hiện thí điểm Quyết định số 24”; “50.000 xe thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ đồng. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?” hay việc lái xe taxi Vinasun ở TP HCM dán dòng chữ “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”…

Đánh giá về việc các tài xế dán băng-rôn lên xe taxi truyền thống phản đối việc thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vận chuyển hành khách của Bộ GTVT, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc thí điểm đã được đông đảo người dân, người lao động (lái xe) đón nhận. Vì vậy, những nội dung nêu trong các băng-rôn dán trên xe taxi truyền thống là những vấn đề nhạy cảm, đề nghị các doanh nghiệp cần xem xét cẩn trọng.

Việc Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội “vênh nhau” trong công tác quản lý giao thông khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu hai cơ quan này có đang “đá bóng” trách nhiệm?

Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải nên rà soát lại công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách của doanh nghiệp đối với các đối tượng được phục vụ trong lúc chờ đợi Bộ GTVT sơ kết và có kết luận thí điểm ứng dụng công nghệ.

Sau khi kết thúc 24 tháng thí điểm, Bộ GTVT mới có quyết định cuối cùng về sinh mệnh của loại hình vận tải ứng dụng công nghệ hợp đồng điện tử này. Vì vậy, các hãng taxi truyền thống không nên có những thái độ tạo ra phản cảm trong xã hội.

“Quả bóng” trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, trong 9 tháng năm 2017, xe hợp đồng điện tử đã nhanh chóng chiếm thị phần. Nhiều người lao động (lái xe taxi) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với các hãng taxi truyền thống; thị phần khách sử dụng dịch vụ taxi truyền thống bị giảm đáng kể; người lao động trong các doanh nghiệp này thực tế thu nhập giảm sút, đời sống gặp khó khăn… Hay nói cách khác, hình thức mới này đã tác động rất lớn đến hoạt động, quản lý kinh doanh vận tải taxi “chính thống”.

con nhieu bat cap
Xe taxi truyền thống dán băng rôn phản đối quyết định thí điểm xe hợp đồng điện tử

Còn ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, số lượng xe hợp đồng điện tử (Grab, Uber) tham gia thí điểm là khoảng 50.000 xe (Hà Nội: 18.000 xe, TP HCM: 30.000 xe), trong khi số liệu mà Bộ Giao thông vận tải cung cấp chỉ 29.810 xe.

Số lượng phương tiện tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tăng đột biến, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch vận tải tại các địa phương được chọn thí điểm. Chính vì vậy, Hà Nội và TP HCM đã lên tiếng đề nghị Bộ GTVT khống chế số lượng tham gia thí điểm, đề nghị không bổ sung thêm đơn vị tham gia thí điểm. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT và các địa phương có loại hình phương tiện tham gia thí điểm “vênh” nhau khiến dư luận bức xúc.

Cụ thể, Bộ GTVT cho rằng, việc quyết định số lượng phương tiện tham gia thí điểm là thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, tại buổi làm việc ngày 24-8-2017 giữa UBND TP Hà Nội và Hiệp hội Taxi Hà Nội, đại diện UBND thành phố cho rằng, đây là chương trình thí điểm do Bộ GTVT chủ trì. Vì vậy, Hà Nội không có thẩm quyền giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm.

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 3-10-2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tái khẳng định: “UBND các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn gồm: Phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông với quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải. Số lượng phương tiện sẽ được xác định thông qua quy hoạch. Việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương…”.

Việc Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội “vênh nhau” trong công tác quản lý giao thông khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu hai cơ quan này có đang “đá bóng” trách nhiệm? Trong khi mục tiêu quản lý giao thông tốt tại Hà Nội vẫn còn là vấn đề nan giải.

Trước “quả bóng” trách nhiệm bị “đá” cho nhau, các chuyên gia giao thông cho biết, cần xét đến sự công bằng giữa xe taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử (trong việc được dừng đỗ, đón trả khách bởi có nhiều tuyến đường cấm xe taxi nhưng chưa có biển cấm xe Uber hay Grab). Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý để không xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm như trong thời gian thực hiện thí điểm Công văn số 1850/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Bộ GTVT không cấp số lượng xe tham gia thí điểm mà giao địa phương tự quản lý. Các địa phương có thẩm quyền cấp hay tạm dừng số lượng xe, thời gian triển khai mà không cần phải xin ý kiến của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đưa ra chủ trương, việc dừng thí điểm hay khống chế số lượng xe là do địa phương tự quyết, Bộ GTVT đã ủy quyền, các địa phương không cần xin ý kiến”.

Song Nguyễn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc