Cơn bão tham nhũng tàn phá FIFA như thế nào? (Kỳ 1)

19:05 | 03/10/2015

1,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với mức doanh thu 5 tỉ USD, FIFA có vị trí ảnh hưởng chính trị và xã hội trên toàn thế giới rất lớn. Tuy nhiên, khi FIFA tham nhũng thì mọi người đều thua và thế giới đang chứng kiến trận thua đau đớn nhất của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh.

Các chước kiếm tiền của FIFA

FIFA được thành lập tại Paris vào năm 1904, ban đầu chỉ gồm vài quốc gia châu Âu. Trong Đại chiến thế giới II, FIFA bổ sung thêm một số thành viên Nam Mỹ. Sau chiến tranh, nhiều quốc gia mới giành độc lập từ châu Phi, châu Á và Caribbea tham gia. Tuy nhiên, FIFA vẫn tiếp tục được quản lý theo cách thức một câu lạc bộ độc quyền châu Âu.

Đến năm 1974, khi João Havelange, một người Brazil lên nắm quyền điều hành, FIFA được mở rộng ra các châu lục khác, giải đấu trở thành một hình thức kinh doanh quay vòng đồng tiền với sự tài trợ từ các công ty như Adidas và Coca-Cola. Nguồn thu cũng tăng đáng kể từ việc bán bản quyền truyền hình. Các cáo buộc tham nhũng đeo đẳng ông Havelange trong suốt 24 năm ông này giữ chức Chủ tịch FIFA.

Tại một phiên điều trần của Thượng viện Brazil vào năm 2011, Andrew Jennings, một nhà báo điều tra của Anh, nói rằng ông Havelange có thể đã tích lũy được khoản hối lộ 50 triệu USD. Khi ông Blatter trở thành Chủ tịch vào năm 1998, ông đã nhặt nhạnh những phần mà ông Havelange để lại, sử dụng sự mở rộng FIFA để củng cố cơ sở quyền lực trong các liên đoàn châu Phi, châu Á và Caribbea.

con bao tham nhung tan pha fifa nhu the nao ky 1

Ảnh 8 quan chức FIFA bị điều tra vì tham nhũng và hối lộ (nbcnews.com)

FIFA kiếm tiền dễ dàng hơn các ngành kinh doanh khác rất nhiều. Khoảng 90% doanh thu của FIFA được tạo ra thông qua việc bán bản quyền truyền hình, tiếp thị, khách sạn và cấp phép bản quyền cho World Cup. Doanh thu từ việc thương mại hóa các quyền này và có đủ vốn chủ sở hữu giúp FIFA có thể tài trợ cho các chương trình phát triển và bảo đảm chi phí vận hành chung. Gần 70% chi tiêu được đầu tư vào phát triển bóng đá dưới các hình thức hỗ trợ tài chính, các chương trình phát triển và tài trợ các giải đấu.

Các đài truyền hình phải trả hàng triệu USD để giành được quyền phát sóng các sự kiện của FIFA. FIFA đã tăng nguồn thu gấp bốn lần năm 2014 với số tiền 5,7 tỉ USD và tạo ra khoản dự trữ hơn 1,5 tỷ USD. Các công ty phải trả tiền để có giấy phép sử dụng nhãn hiệu FIFA trong quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi và bán các sản phẩm hoặc chương trình được cấp phép. FIFA cũng kiếm không ít tiền từ chương trình Quality Concept (Khái niệm chất lượng), theo đó các nhà sản xuất phải trả tiền để có được các nhãn hiệu chất lượng do FIFA kiểm tra và chấp thuận, như giải bóng đá futsal và bóng đá bãi biển. Trong khi các nước đăng cai không thu được lợi nhuận thì FIFA vớ bẫm. Trong chu kỳ bốn năm từ 2007 đến 2010 tổ chức này đạt doanh thu hơn 4 tỷ USD. Khoảng 90% thu nhập của FIFA là nguồn thu liên quan đến sự kiện. Chẳng hạn, World Cup 2010 tại Nam Phi đem lại cho FIFA hơn 2,4 tỷ USD thông qua việc bán bản quyền truyền hình, hơn 1 tỷ USD thông qua quyền tiếp thị.

Tại cuộc họp Hội đồng FIFA vào tháng 6-2014 tại São Paulo, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter công bố rằng FIFA rất thành công về tài chính, nhờ đó, kể từ năm 2015 mỗi liên đoàn thành viên sẽ nhận được thêm 750.000 USD và sáu liên đoàn khu vực (tên viết tắt là AFC, CAF, CONCACAF, CONMEBOL, OFC và UEFA) sẽ nhận được 7 triệu USD. Vì lời hứa hẹn này, đa số đại diện của 208 liên đoàn thành viên đã ủng hộ Sepp Blatter làm chủ tịch thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa, bất chấp dư luận ồn ào quanh đề tài tham nhũng của FIFA.

con bao tham nhung tan pha fifa nhu the nao ky 1

FBI thu giữ nhiều tài liệu tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribbean (grantland.com)

Tổ chức điều hành bóng đá toàn cầu không công bố số tiền lương trả cho các giám đốc điều hành cấp cao hay các thành viên của Ban chấp hành. Họ chỉ cho biết, năm 2014 đã trả 88,6 triệu USD tiền lương cho 474 nhân viên, trung bình mỗi người nhận 186,9 nghìn USD nhưng không ghi cụ thể người đứng đầu được bao nhiêu.

Quan chức FIFA được các quốc gia đón tiếp trọng thị chẳng kém gì các chính trị gia nổi tiếng, “được ăn được nói được gói mang về”. Nhờ đó, nhiều quan chức cấp cao có cuộc sống xa hoa chẳng kém triệu phú. Theo điều tra của FBI, các quan chức FIFA bị bắt gần đây sở hữu gần 20 ngôi biệt thự nguy nga ở Mỹ. Phó Chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch CONCACAF Jeffrey Webb mua một căn biệt thự trị giá 940.000 USD tại bang Georgia. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Venezuela là chủ nhân của ngôi nhà trị giá 483.000 USD, nhưng chưa ăn thua gì so với hàng chục bất động sản trị giá triệu USD của cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner tại Mỹ và Carribea.

Tham nhũng, rửa tiền, hối lộ, mua bán vé lậu

FIFA đã cảnh báo về khả năng ấn định trận đấu trong môn thể thao vua. Cá cược bóng đá đã trở thành một ngành kinh doanh nhiều tỷ đô la và các tổ chức tội phạm sử dụng nó để kiếm tiền cũng như để rửa tiền, thậm chí quanh World Cup. Do có cảnh báo trước nên năm 2014 và 2015, tội phạm đã gặp những khó khăn khi muốn ấn định tỷ số các trận đấu.

Trên khắp thế giới, ấn định trận đấu trở thành mối đe dọa thực sự đối với sự trong sạch và minh bạch của bóng đá. Tổ chức Minh bạch quốc tế đã hợp tác với Liên đoàn bóng đá Đức và các liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp châu Âu triển khai một số dự án để nâng cao nhận thức về ấn định trận đấu nhằm giúp ngăn chặn hành động này thông qua giáo dục và đào tạo những người có nguy cơ cao bao gồm các cầu thủ, trọng tài và những người làm việc trong lĩnh vực bóng đá.

Ngày 18-9 vừa qua, FIFA ra thông báo đình chỉ công tác Tổng thư ký Jerome Valcke sau khi những cáo buộc tham nhũng về ông này xuất hiện trên nhiều tờ báo. Ủy ban đạo đức của FIFA bắt đầu cuộc điều tra các cáo buộc ông Valcke thông đồng với công ty JB Marketing nâng giá vé các trận đấu World Cup 2014 lên ba, bốn lần, thu lợi hàng triệu USD. Ông này còn bị nghi vấn trong vụ hối lộ 10 triệu USD cho cựu Phó chủ tịch FIFA Jack Warner.

Đến nay, đã có 11 thành viên Ban chấp hành FIFA và người đứng đầu liên đoàn lục địa bị buộc thôi việc vì tham nhũng. Con số quan chức FIFA và lãnh đạo một số công ty và tập đoàn tại châu Mỹ bị bắt vì cáo buộc tham nhũng đã lên đến 14 người. Nhiều nhân vật khác đã lọt vào tầm ngắm của các cơ quan an ninh Mỹ và Thụy Sĩ. Bình luận sự kiện này, Juan Pittaluga, một phóng viên ở Uruguay phân tích: “Các quan chức bị dẫn độ là những người đương nhiệm hoặc cựu chủ tịch Liên đoàn khu vực đại diện cho Bắc Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribbean, hai cựu chủ tịch của các cơ quan quản lý bóng đá Nam Mỹ là Uruguay và Paraguay tương ứng, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Costa Rica. Các quan chức từ Venezuela và Nicaragua cũng bị cho là đã tham gia vào việc hối lộ và lại quả, chưa kể ba doanh nhân người Argentina. Đúng là không phải một ngày tuyệt vời của bóng đá khu vực”.

Từ cơ sở dữ liệu thu được tại trụ sở chính của FIFA tại Zurich, các công tố viên Bộ Tư pháp Thụy Sĩ phát hiện các ngân hàng đã thực hiện 53 giao dịch mờ ám liên quan đến rửa tiền, trong đó, 28 giao dịch liên quan đến việc bỏ phiếu bầu chọn Nga và Qatar đăng cai World Cup 2018 và 2022. Hiện nay, nhà chức trách Mỹ đang điều tra 12 ngân hàng lớn trên thế giới liên quan đến việc rửa tiền của quan chức FIFA như Deutsche Bank, Standard Chartered, Credit Suisse, Barclays, HSBC Holding…

Các nhân viên điều tra Mỹ đã phát hiện các khoản tiền dùng để mua biệt thự là từ các thương vụ làm ăn với các công ty thể thao và các khoản lại quả của các liên đoàn bóng đá châu lục và quốc gia. Cơ quan chống rửa tiền Thụy Sĩ xác nhận các trường hợp rửa tiền và đều liên quan đến Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke.

Lo lắng trước việc này, sáu công ty, trong đó có Sony, Adidas, Hyundai-Kia và Coca-Cola đã yêu cầu FIFA giải trình. Các công ty này đã phải trả 720 triệu USD để giành được quyền quảng bá trong World Cup. Họ muốn bảo vệ sự đầu tư của mình và bảo đảm hình ảnh của công ty không bị “sự cố FIFA” làm cho hoen ố. Nghị viện châu Âu cũng ra một nghị quyết lên án "sự tham nhũng có hệ thống và đê hèn" trong FIFA và kêu gọi thành lập Ủy ban Cải cách độc lập FIFA. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng các nhà tài trợ World Cup cần tiếp tục tạo áp lực hơn nữa để FIFA phải cải cách, bảo đảm các quyết định từ Qatar không có mùi hối lộ và tham nhũng.

(Còn tiếp)

con bao tham nhung tan pha fifa nhu the nao ky 1

Sepp Blatter 'trở mặt', không từ chức Chủ tịch FIFA

Mặc dù đang bị điều tra về tội tham nhũng, đưa hối lộ, và đã từng tuyên bố từ chức Chủ tịch FIFA. Thế nhưng Sepp Blatter vừa lên tiếng khẳng định rằng, ông vẫn sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch FIFA cho đến tháng 2 năm sau.  

con bao tham nhung tan pha fifa nhu the nao ky 1

Huyền thoại Platini bị điều tra vì bê bối 2 triệu đô la

Liên quan tới bê bối ở FIFA, Chủ tịch UEFA Michel Platini, huyền thoại một thời của bóng đá Pháp đã bị thẩm vấn vì khoản tiền 2 triệu đô la nhận từ Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

con bao tham nhung tan pha fifa nhu the nao ky 1

Sepp Blatter chính thức “ngồi ghế điện”

Sóng gió tiếp tục đánh vào tham nhũng của FIFA. Nếu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch còn đang “lăn tăn” việc tố cáo Chủ tịch Sepp Blatter tham nhũng thì các công tố viên Thụy Sĩ đã nổ phát súng đầu tiên khi mở một cuộc điều tra hình sự nhắm vào Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) liên quan đến việc quản lý và chiếm dụng mang tính hình sự ngân quỹ của liên đoàn bóng đá.

P.V

Năng lượng Mới