Trường đại học không thuộc bộ chủ quản

"Cởi trói" để bứt phá

07:00 | 09/06/2018

767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có đề xuất cho 3 trường đại học top đầu được tách ra khỏi Bộ chủ quản để thực hiện lộ trình tự chủ hoàn toàn, ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận xã hội.

Theo đề xuất, 3 trường đại học (ĐH) đầu tiên không còn trực thuộc cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT sẽ là: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tuy đề xuất vẫn còn phải chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng đã nhận được nhiều sự đồng thuận từ các trường ĐH cũng như các chuyên gia giáo dục. Bởi từ trước tới nay, vấn đề tự chủ ĐH đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo và nhiều ý kiến khẳng định: Bộ GD&ĐT nên để các trường ĐH được tự chủ hoàn toàn, việc Bộ “quản” các trường chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

coi troi de but pha

Thực tế, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng mô hình ĐH tự chủ thông qua việc thành lập ĐH Quốc gia Hà Nội vào năm 1993 và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 1995 với sứ mệnh trở thành các trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH và nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực. Hướng tới xây dựng môi trường giáo dục chất lượng cao làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục ĐH.

Theo Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính cũng như chính sách học bổng, học phí, đầu tư mua sắm và cơ chế giám sát.

Cơ chế trường ĐH không có bộ chủ quản: Bộ GD&ĐT quyết định thành lập hội đồng trường (trong đó có 1 đại diện của Bộ GD&ĐT), bổ nhiệm và thực hiện chế độ đối với chủ tịch hội đồng trường (nâng lương thường xuyên, nâng lương trước kỳ hạn sau khi xin ý kiến Bộ Nội vụ; nghỉ hưu, kỷ luật, khen thưởng).

Bộ GD&ĐT đã tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77 và thấy rằng kết quả đạt được “rất đáng khích lệ”.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả thí điểm khẳng định: Các trường đã có chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao năng lực tự chủ, bảo đảm được chất lượng đào tạo và chủ động trong tái cấu trúc bộ máy. Nhiều trường giảm bớt được những thủ tục hành chính, tập trung phát triển nguồn nhân lực là đội ngũ cán bộ giảng viên và bảo đảm được toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

Đặc biệt, các trường ĐH tự chủ bảo đảm được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các quỹ hỗ trợ sinh viên nhờ việc được tự chủ học phí và tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao. Thu nhập của đa số cán bộ, giảng viên cũng tăng lên so với giai đoạn trước khi tự chủ.

Tuy nhiên, cũng không phải không có những hạn chế. Trong thời gian thí điểm, một số trường ĐH còn chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo quy định. Đặc biệt, vai trò giám sát của hội đồng trường còn khá mờ nhạt. Trong khi đó, Nghị quyết 77 với tinh thần chủ đạo là tăng cường vai trò của hội đồng trường và giảm sự can thiệp của bộ chủ quản thì nhiều trường ĐH vẫn chưa thực hiện được.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT mới chủ động yêu cầu 3 trường ĐH xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản.

Theo Bộ GD&ĐT, các trường ĐH hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản là việc quản lý, điều hành trường ĐH theo nguyên tắc: Chuyển thẩm quyền quyết định các vấn đề được giao cho cơ quan chủ quản quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành (không bao gồm thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực) cho hội đồng trường, trừ việc thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường.

Trường ĐH thí điểm thực hiện cơ chế không có cơ quan chủ quản vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý Nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và của chính quyền địa phương đối với các hoạt động của trường như các cơ sở giáo dục ĐH công lập khác không tham gia thí điểm.

Khẳng định việc cho các trường ĐH tách khỏi cơ quan chủ quản là xu hướng phù hợp với thế giới vì nhiều trường ĐH nước ngoài dù trực thuộc bộ, ngành nhưng không chịu sự quản lý Nhà nước của bộ, ngành như Việt Nam hiện nay. Nhưng vấn đề quan tâm hiện nay là: Khi tách ra thì các trường ĐH này sẽ hoạt động như thế nào, khi từ trước tới nay, các hoạt động đều dựa trên sự chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT? Nhiều ý kiến cho rằng: Khi bỏ cơ chế bộ chủ quản, các trường ĐH sẽ hoạt động theo luật. Trong đó, chủ tịch hội đồng trường sẽ là người quyết định những vấn đề về sự nghiệp mà trước đây trường phải xin ý kiến của Bộ GD&ĐT.

Trả lời báo giới, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận định: Việc các trường ĐH không thuộc bộ chủ quản có thể xem là bước tiến lớn trong đổi mới quản trị và quản lý đối với trường ĐH. Mục tiêu của đề án là nhằm hướng đến chất lượng và hiệu quả mà người hưởng lợi chủ yếu phải là sinh viên. Khi được tự chủ, các trường ĐH sẽ được hoạt động trong khuôn khổ pháp lý. Điều này đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật và thị trường lao động mà không phải qua các thủ tục hành chính kiểu “xin - cho” như trước.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng: Các trường tự chủ sẽ càng phải chịu sự thanh tra, kiểm soát chất lượng của cơ quan quản lý thông qua việc chấp hành các nguyên tắc bảo đảm chất lượng và giải trình trách nhiệm về tài sản công được sử dụng cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục, nghiên cứu cho xã hội...

Được biết, hiện các trường ĐH được đề xuất không thuộc cơ quan chủ quản đang xây dựng đề án hoạt động. Hy vọng rằng, với sự “cởi trói” tạo điều kiện từ Bộ GD&ĐT, các trường ĐH sẽ dần bứt phá để có lộ trình phát triển mạnh mẽ, đưa hệ thống giáo dục ĐH ở Việt Nam vươn lên tầm quốc tế.

Dự kiến ban đầu của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT thực hiện thí điểm cơ chế không có bộ chủ quản phải đồng thời đạt 4 điều kiện sau:

- Các cơ sở giáo dục ĐH đã được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ hoặc đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

- Hội đồng trường đã được thành lập theo quy định và hoạt động hiệu quả, ổn định.

- Đã đạt kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH.

- Có đề án thí điểm hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.