Coi thường mạng sống vì không biết đối diện với áp lực

08:32 | 01/07/2011

1,377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ vì bị bà nội la mắng một thiếu niên đã uống thuốc diệt cỏ quyên sinh. Một chàng thanh niên 25 tuổi tại TP Hồ Chí Minh quyết tự tử cũng chỉ vì bố mẹ mắng.  Và gần đây nhất, một cậu học sinh Hải Phòng treo cổ tự tử, do bị thầy giáo mắng. Dư luận ngỡ ngàng với câu hỏi: Tại sao chỉ vì những lý do quá đơn giản mà giới trẻ lại có thể tự kết liễu đời mình như vậy?

Hình chỉ mang tính minh họa

Những câu chuyện về tự tử…

Đang độ tuổi trẻ từ 15-30, cuộc sống còn rộng mở, nhưng nhiều người lại đi tìm cái chết. Họ rời bỏ cuộc sống với cả ngàn lý do để cố “chết cho bằng được”. Giận dỗi vì bố mẹ mắng, chết. Giận người yêu, chết. Bị ngăn cản trong tình yêu, chết. Thi trượt, thất bại, chết. Thậm chí có những lý do giời ơi như “trót hứa” với bạn, cũng chết. Những cái chết mà báo chí đăng tải và khiến dư luận xôn xao trong thời gian gần đây thường ở những dạng như thế.

Người bình thường thì cho rằng đó là sự điên rồ, người sâu sắc hơn thì lo lắng về thực trạng giới trẻ ngày càng coi thường mạng sống của mình. Trên một trang mạng xã hội có hẳn “Hội những người muốn chết để quên đi cuộc đời này”, với số người thích lên tới hơn 2.000 người. “Hội” này được những chủ nhân và thành viên mô tả như sau: “Hội dành cho những người thất tình, cho những người thấy rằng cuộc sống này chẳng có ý nghĩa quái gì cả, cho những người học hành cũng chán chẳng khác gì yêu mà bị người yêu đá…”, hay còn vô số những trang web, trang mạng xã hội mang nội dung hô hào những người trẻ tuổi đi vào “đường tử”.

Có lẽ sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn chưa thể quên được vụ việc đau thương, 5 nữ sinh lớp 7B Trường THCS Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã trầm mình tại đoạn sông chảy qua địa phận xã Phượng Hoàng. 5 cô bé từng làm lễ ăn thề, kết nghĩa chị em, từng bỏ nhà ra đi vì cảm thấy bị đối xử “bất công”.

Với những chiếc khăn quàng buộc chặt tay nhau, các cô bé nhảy xuống sông sau khi để lại 5 bức thư gửi cho gia đình và nhà trường: “Chào các bạn tập thể lớp 7B, hôm nay là ngày cuối cùng 5 chúng tôi viết lại cho các bạn. Tôi rất buồn vì chúng tôi lại là những đứa con bất hiếu nhưng chúng tôi cũng khổ lắm. Đứa 1 do bố mẹ mắng nhiều quá, nhục lắm; đứa 2 do nhà đông em gái nên bị mắng nhiều lắm; đứa 3, 4 do cha mẹ bắt ép nhiều quá nên cũng phải chịu; đứa 5 do bố mẹ mắng nhiều quá. Chúng tôi rất nhớ 7B và mong các bạn hiểu cho chúng tôi”. Cái chết của những đứa trẻ trong một phút nông nổi đã phủ trắng tang thương lên cả một xã.

Phạm Thanh H, một cô gái đang ở độ tuổi 16 xinh tươi, học giỏi khiến bố mẹ rất tự hào. Nhưng trong một buổi chiều đi làm về sớm mẹ em nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng. Cô con gái yêu đang vật vã nôn khắp nhà vì đã uống thuốc sâu tự tử. Sau hai đêm vật lộn với cái chết, cô đã về với gia đình nhưng dường như tính tình thay đổi hẳn, ít nói, không muốn đi học và tiếp xúc với một ai. Chỉ đến khi người giúp việc lau dọn phòng cho cô bé, tìm được cuốn nhật ký của H và đưa cho bố mẹ cô đọc, hai vợ chồng mới sững người vì ý nghĩ muốn chết đã ở trong đầu cô bé từ bao lâu nay, chỉ vì bố mẹ cô mải miết đi làm, kiếm tiền và luôn kỳ vọng quá vào H và đi đâu cũng khoe về H khiến cho cô không thoải mái…

Hay như sự việc T.M.A năm nay 18 tuổi, chuẩn bị thi đại học nhưng đã đem lòng yêu một người bạn học, hai người yêu nhau được một thời gian thì bị gia đình phát hiện. Nhưng chuyện không chỉ đơn giản là gia đình cấm đoán vì không muốn con mình sao nhãng học hành, mà nguyên nhân là do bố mẹ hai nhà có hiềm khích với nhau từ trước nên cả hai nhà không muốn cho con cái của họ yêu nhau. Cả hai gia đình đều giám sát con mình chặt chẽ. Hai học sinh đã dọa bố mẹ rằng nếu như không cho chúng yêu nhau thì sẽ chết. Tưởng chỉ là lời đe dọa con trẻ, nhưng T.M.A đã làm thật, cô uống cả lọ thuốc ngủ của mẹ và để lại thư tuyệt mệnh… Cũng may là gia đình kịp thời cấp cứu, nhưng giờ đây trí não của T.M.A không còn được bình thường như trước…

Còn có trường hợp một giáo viên, sau khi sinh cậu con trai đầu lòng, bỗng dưng rơi vào tình trạng “chán”. Từ một người vợ chăm chỉ, nhẹ nhàng Lan trở thành một người vô cảm, không chăm sóc nổi con, chuyện vợ chồng cũng bỏ bê và ngay cả vệ sinh cá nhân cô cũng chẳng đoái hoài. Cứ nghĩ con dâu mệt, mẹ chồng cô nấu các món bồi bổ, nhưng bà nói Lan cũng chẳng buồn thưa, cũng không buồn ăn uống. Cả nhà chồng cho rằng, nhà “vô phúc” lấy phải đứa con dâu mất dạy, không chăm sóc được con mà đến bản thân cũng lười nhác nên đã đuổi cô về bên nhà ngoại, không cho chăm sóc cậu con trai đầu lòng.

Sau khi về nhà ngoại một thời gian, Lan đã nhiều lần đi mua thuốc trừ sâu để uống nhưng đều được người nhà phát hiện kịp. Người bà con của Lan đã đưa cô lên Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương và ở đây cô được chẩn đoán là bị bệnh trầm cảm nặng. Sau 3 tháng điều trị, Lan đã đi dạy học bình thường, nhưng cô vẫn không thể về với con mình được nữa…

Cần dạy kỹ năng sống và tình yêu cuộc sống cho con trẻ

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, trong những năm gần đây, những người chết về các bệnh lý tâm thần ngày một giảm nhưng số người tự tử về nguyên nhân tâm lý lại ngày một tăng. Thời buổi thông tin bùng nổ như hiện nay, Internet là một con dao hai lưỡi, nó cũng đưa đến cho trẻ những ý nghĩ điên rồ, những cách sống mà chúng cho là “lạ” và muốn trải nghiệm, khiến nhiều trẻ không sàng lọc được thông tin. Cái tôi của trẻ trở nên lớn hơn và việc tìm cách gây tổn hại đến bản thân mình dẫn đến tình trạng “chết trẻ” ở thanh thiếu niên đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải bàng hoàng. Nhưng khi nhận ra những vấn đề đó thì lại là quá muộn.

Chuyện tự tử ở thanh thiếu niên thời nào cũng có, tuy nhiên, hiện nay có chiều hướng gia tăng. Điều này cũng cho thấy việc giới trẻ tìm đến cách giải quyết tiêu cực cho những khó khăn gặp phải trong cuộc sống không còn là chuyện hiếm. Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân lứa tuổi thanh thiếu niên có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, bác sĩ Hiển nhận thấy, đối với các em, chữ “chết” đôi khi rất nhẹ nhàng, đơn giản như là một trong số các cách giải quyết vấn đề mà các em gặp phải. Lứa tuổi teen vốn rất nhạy cảm, lãng mạn, những cảm xúc tiêu cực và tích cực đều có thể bị đẩy đi quá xa.

Điều đáng nói là hiện nay trên nhiều diễn đàn còn dạy các em những cách tự tử, mô tả chi tiết những cái “có lợi” của từng cách. Không thể hiểu được những việc làm này có ý nghĩa gì mà các trang web đó vẫn được tồn tại. Các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đều có chung một nỗi trăn trở về vấn đề này và cho rằng, những trường hợp đáng tiếc là do một phần cách quan tâm và dạy dỗ con trẻ của các bậc phụ huynh và nhà trường hiện nay.

Những vụ việc tự tử vì bị cha mẹ, ông bà mắng, vì lời mắng mỏ của thầy cô, của bạn bè khiến cho lứa tuổi vị thành niên tìm đến cái chết. Cũng có nhiều trường hợp là do phụ huynh chưa có sự thông cảm với con trẻ và biết cách chia sẻ những nỗi lo sợ của con khi đi học, trong mối quan hệ với bạn bè, mối quan hệ với thầy cô giáo. Đôi khi, nhiều gia đình cũng không thể nhận biết được những thay đổi của trẻ trong cách sinh hoạt, trong học tập mà bỏ bẵng, khiến nhiều sự việc xảy ra mà người lớn không thể ngờ tới bác sĩ Hiển chia sẻ.

Theo tổng kết của các chuyên gia tâm lý, thường những trường hợp muốn tìm đến cái chết đều có những biểu hiện khá rõ nhưng các bậc cha mẹ, thầy cô dường như không để ý. Đó là các biểu hiện: Thiếu quan tâm đến các hoạt động thường ngày; suy giảm các kết quả học tập; nỗ lực bị giảm sút; mất tập trung trong lớp học; liên tục vắng mặt mà không có lý do; hút thuốc, uống rượu quá nhiều, lạm dụng ma túy; gây ra các rắc rối, gây bạo lực trong nhà trường…

Cũng có nhiều ý kiện nhận định rằng, hiện nay nhiều phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, bắt con em mình phải thế này, thế khác nếu không được thì lại tỏ ra thất vọng và tỏ vẻ không còn yêu thương chúng nữa. Điều đó tạo ra một sự trống trải nơi các em, các em mất niềm tin vào người lớn. Đối với các em học sinh một sự đồng cảm ở cha mẹ, thầy cô là rất quan trọng. Sau những va vấp trong trường lớp, bạn bè các em cần một nơi nương tựa, nhưng nhiều phụ huynh đã không đáp ứng được điều này, làm cho các em thấy mình bị bỏ rơi nên đã làm những việc thiếu suy nghĩ. Đôi khi các em tìm đến cái chết với ý nghĩ rằng: “Để cho ông, bà ấy phải ân hận suốt đời”…

Đã đến lúc phải khuyến cáo trên diện rộng về nguyên nhân chính khiến cho giới trẻ tìm đến cái chết một cách dễ dàng với những lý do quá giản đơn, chính là bởi không có sự cùng chia sẻ khó khăn, không được rèn luyện kỹ năng sống, và môi trường xung quanh họ chưa tạo ra được những ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Và các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần phải học cách chia sẻ, nắm bắt tâm lý giới trẻ trong cuộc sống đương đại để kịp thời có những định hướng cho các em thêm hiểu và biết trân trọng giá trị cuộc sống của chính mình.

Năng lượng Mới