Coi chừng khi… dùng thuốc nam

08:31 | 08/11/2012

1,395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người Việt có một thói quen “ăn đời ở kiếp” là sử dụng thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng, nhất là với thuốc nam, loại thuốc có thành phần chủ yếu là thảo dược. Có thể khẳng định đây là thói quen xấu, ngay cả trong trường hợp loại thuốc ấy đã điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân. Nhưng đó chỉ là... may mắn, bởi có nhiều trường hợp “tiền mất tật mang”, thậm chí tử vong chỉ vì cách sử dụng thuốc này.

Thuốc nam cũng gây họa

Đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Viện bỏng Quốc gia, nơi có thể coi là những “đầu mối” lớn nhất miền Bắc chuyên điều trị những trường hợp bị biến chứng, ngộ độc do thuốc nam... vào bất cứ lúc nào, hình ảnh đập ngay vào mắt là hàng loạt bệnh nhân với tình trạng tay hoặc chân bị lở loét, hoại tử đến nỗi trơ cả xương hoặc đen như bị... cháy. Nếu không, cũng là những bệnh nhân sống chết mong manh do không thở được, đầu đau dữ dội, mạch yếu, rối loạn nhịp tim... Mà tất cả đều chỉ vì một nguyên nhân... sử dụng thuốc nam theo kinh nghiệm truyền miệng.

Những thang thuốc nam đã làm bệnh nhân ngộ độc

Trên một giường bệnh, mẹ của anh Nguyễn Văn Khiêm ở Thụy Khuê, Hà Nội nằm khó nhọc với hơi thở dốc ra. Nghẹn ngào anh Khiêm kể, nhà mở quán ăn ngay ở trong phố, chiều nào cũng có một thực khách đến quán, với phong thái khoáng đạt, cởi mở, lúc nào cũng rôm rả với những câu chuyện tếu táo. Một lần, ông ta “mách” anh Khiêm loại thuốc “thần dược” có thể chữa bách bệnh, người nào yếu ớt uống thuốc sẽ khỏe ra, người nào khỏe sẵn, thuốc sẽ làm khỏe hơn như... lực sĩ, mọi “bệnh tật tiêu tan, bách bệnh tiêu tán”.

Nghe xuôi tai, hơn nữa mẹ của anh Khiêm già yếu, năm lần bảy lượt phải đi bệnh viện vì đủ thứ bệnh: cao huyết áp, khớp, tim... nên thấy vậy, không những anh Khiêm vui mừng nhờ ông ta mua hộ mà còn rút luôn 5 triệu đồng để thanh toán. Hai ngày sau, ông ta mang thuốc đến. Đó là loại bột màu vàng, được đóng từng gói và chỉ định mỗi ngày uống 1 lần nửa gói ấy. Nhưng trên bao bì, không ghi bất kể thành phần nào của thuốc. Khi anh Khiêm hỏi thì người đàn ông đó chỉ trả lời gọn lỏn: “Yên tâm, đây là thuốc nam nên không lo đâu, lành tính ấy mà”. Tin ông ta, anh Khiêm cho mẹ uống. Được 3 ngày thì người bà bắt đầu có biểu hiện giữ nước. Tuy nhiên, nghĩ rằng, thuốc phát “công hiệu” do vậy anh Khiêm tiếp tục cho mẹ uống.

Uống được 4 ngày nữa thì toàn thân mẹ anh phù thũng, căng mọng đến nỗi có cảm giác chỉ châm nhẹ chiếc kim vào người, nước sẽ xối ra. Cùng với đó mẹ anh có biểu hiện lờ đờ, phản xạ chậm chạp, đầu óc lúc nào cũng lơ mơ như người mơ ngủ, mắt díu lại không thể cưỡng được... Hoảng quá, anh Khiêm vội vàng đưa mẹ đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi thăm khám bệnh tình cho mẹ anh, các bác sĩ ở đây đã kết luận: Mẹ anh bị ngộ độc thuốc, phải thải độc và rửa ruột ngay. Kể đến đây, anh Khiêm hối hận: “Vì tôi mà mẹ suýt chết”. Điều đáng nói là ngay sau khi đưa thuốc cho anh Khiêm và cầm 5 triệu đồng, người đàn ông kia cũng lặn... không sủi tăm.

“Tiền mất tật mang”

Không chỉ riêng mẹ anh Khiêm mà có rất nhiều trường hợp như vậy. Và cũng không chỉ riêng thuốc uống, thuốc bôi cũng gây “hậu họa” cho bệnh nhân. Viện bỏng Quốc gia là nơi cấp cứu số bệnh nhân bị biến chứng nặng từ bôi thuốc có nguồn gốc thuốc nam nhiều nhất. Như bệnh nhân Hoàng Văn Tuấn, ở Nghệ An. Trong một lần bê nồi nước đang sôi sùng sục, do một bên quai bị gãy, vậy là cả nồi nước dội từ đùi xuống cẳng chân anh, làm cho toàn bộ phần da, thịt đỏ như bị nấu chín. Nặng như vậy nhưng thay vì đi cấp cứu bệnh viện, anh và gia đình lại quyết định tay nải tay xách vào Hà Tĩnh, nơi có một thầy lang “nghe nói” có bài thuốc chữa bỏng gia truyền rất hay, hiệu nghiệm.

Một trường hợp bị biến chứng từ uống thuốc nam

Vào đến nhà thầy lang, tưởng rằng với tình trạng “chín thịt” của mình, anh Tuấn sẽ phải điều trị “phác đồ” phức tạp, kỳ công. Nào ngờ nhìn vết bỏng của anh, “thầy” chỉ đắp loại thuốc trông hệt bã cà phê lên toàn bộ chỗ bỏng ấy. Đắp mãi hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này đến tháng khác, vậy mà chỗ bỏng của anh Tuấn vẫn không khỏi. Không những vậy, cái chân bị đen kịt vì thuốc của anh mỗi ngày một teo lại và thịt rữa ra trơ cả xương, làm anh không thể đi lại, cử động được theo ý muốn. Đến lúc này thì không thể kiên nhẫn được nữa, đã 8 tháng trôi qua tốn bao nhiêu tiền của, thời gian rồi. Thế là anh Tuấn vội vàng bảo người nhà đưa ra Viện bỏng Quốc gia để cấp cứu với hy vọng “còn nước còn tát”.

Nhưng do biến chứng quá nặng vì sử dụng thuốc quá lâu, hơn nữa lại không đúng thuốc để điều trị bỏng nên các bác sĩ Viện bỏng Quốc gia phải gọt bỏ toàn bộ phần thịt đã bị hoạt tử. Sau đó, cấy ghép da mới vào chỗ vết thương, đồng thời phục hồi chức năng chân của anh. Tuy nhiên, TS Đỗ Lương Tuấn, người đã điều trị trực tiếp cho anh Tuấn cho biết: “May mà chân anh Tuấn còn chữa trị được như vậy nếu không chậm thêm tý nữa, cả một cái chân của anh sẽ phải bỏ đi. Nhưng chắc chắn một điều từ giờ đến hết đời, anh Tuấn sẽ phải chịu những cơn đau hành hạ, nhất là vào lúc trái nắng trở trời, thậm chí không đi được. Vì chân của anh không thể phục hồi như cũ”.

Thuốc nam cũng có... độc

Theo TS Đỗ Lương Tuấn, năm nào Viện bỏng Quốc gia cũng cấp cứu, tiếp nhận trung bình 500 bệnh nhân bị biến chứng nặng do sử dụng thuốc nam không được chỉ định để điều trị bỏng. Bên cạnh đó, còn có cả những bệnh nhân bị rắn cắn, bị thương bởi tác động của vật sắc nhọn... cũng bị như vậy.

Còn thống kê không chính thức của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tháng nào cũng có bệnh nhân phải nhập viện vì bị ngộ độc thuốc do sử dụng thuốc gia truyền, thuốc nam hoặc những bệnh nhân không sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ. Nhiều trường hợp bị như trên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai là do quan niệm: Thuốc nam lành tính vì xuất xứ từ thảo dược, khoáng vật. Nếu uống vào xấu nhất cũng chỉ là không điều trị khỏi bệnh còn không gây “họa” gì cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyên cho biết: “Đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi xét đến cùng thảo dược vẫn là những hóa chất nhưng ở dạng tự nhiên. Mà ở dạng tự nhiên, như tân dược bên cạnh những chất có công hiệu, lợi ích cho sức khỏe, thảo dược cũng có những độc tố hoặc hóa chất gây hại cho cơ thể. Và điều đáng nói là, khi chưa qua xử lý, chế biến, những độc tố, hóa chất ấy vào cơ thể con người còn phát tán mạnh hơn do gặp môi trường thích hợp”. Bác sĩ Nguyên lấy ví dụ như củ ấu Tàu (hay còn gọi là phụ tử) thường có trong những bài thuốc Đông y, rất quen thuộc với nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc nam.

Thảo dược này có chất anicotin rất độc hại, có thể làm rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong người bệnh. Nhưng nếu qua xử lý và phải xử lý, sơ chế tốt trước khi đưa vào sử dụng, anicotin sẽ mất đi, thuốc lại có lợi cho sức khỏe thay vì có hại. Bởi vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng như TS Đỗ Lương Tuấn, Viện bỏng Quốc gia khuyến cáo: “Dù là tân dược hay thảo dược, dù là uống hay là bôi, khi sử dụng thuốc, nhất thiết bệnh nhân phải biết mình đang uống thuốc gì, thành phần ra sao, hạn sử dụng như thế nào và phải có sự chỉ định của bác sĩ Tây y hoặc Đông y mới được dùng. Nếu không tự mình sẽ “chuốc họa vào thân” hoặc “tiền mất tật mang”.

Tú Anh