Coi chừng điên... vì Pokémon GO

07:20 | 23/08/2016

1,023 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi Pokémon GO có mặt chính thức tại Việt Nam, một cơn sốt với trò chơi có nhân vật của truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản đã xuất hiện tại các thành phố lớn. Với một chiếc điện thoại hệ điều hành android hoặc ios, Việc “săn lùng” Pokémon chủ yếu là “nam thanh nữ tú” cắm mặt vào điện thoại và bắt đầu hành trình mà điểm đến là vô định để bắt nhân vật ảo. Thế nhưng có một điểm rất trớ trêu là bắt nhân vật chỉ có trên màn hình song những thợ săn Pokémon lại rất dễ gặp những hậu quả thật nguy hiểm không chỉ đến sức khỏe mà có thể cả tính mạng.

Lợi bất cập hại

20 giờ, bữa cơm tại các gia đình đã kết thúc cũng là lúc “khởi hành” đẹp nhất của thợ săn Pokémon theo trò chơi đang làm giới trẻ phát sốt. Vào giờ này chỉ cần đến những nơi đắc địa được tính theo tiêu chí thoáng, rộng, thưa xe cộ như các vườn hoa quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, xung quanh khu Văn Miếu… ở Hà Nội là bắt gặp hàng loạt thanh niên tuổi đôi mươi, trong đó có cả học sinh tỏa ra tứ phía theo con đường dẫn trên màn hình điện thoại đến nơi có con thú dơi chẳng ra dơi, chuột chẳng ra chuột. Thậm chí có cả những người đang đi xe máy sẵn sàng dừng lại dựng ngay sát vỉa hè mà chẳng cần cảnh giác với nạn trộm cướp để cắm mặt đi tìm Pokémon.

coi chung dien vi pokemon go
Thanh niên bắt pokémon trên đường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội

Cụ thể hơn, nếu đang di chuyển trên đường nếu bắt gặp xe nào cứ thấy tiến từ từ, nhất là loại xe đạp điện là y như rằng người lái mắt đang dán vào điện thoại theo con vật ảo “huyền thoại”. Có người còn vừa lái ôtô vừa chăm chú nhìn vào máy tính bảng để thấy chỗ nào có Pokémon là bắt luôn. Nói chung xung quanh cái con Pokémon dự là nhiều chuyện dở khóc dở cười. Mà không phải dự đoán, thực tế trên thế giới cũng đã xảy ra chuyện vì đi bắt Pokémon mà lao thẳng xuống hồ không biết. Hay tai nạn giao thông xảy ra với chính người bắt Pokémon, “đi tong” luôn cả người lẫn vật.

Có ý kiến cho rằng, lợi ích mà Pokémon mang lại là có tính giải trí cao, xả stress nhưng thực tế lợi này bất cập hại. Không lẽ lại thà “huy hoàng một giây rồi vụt tắt cả đời” vì trò chơi mà chủ yếu chỉ là đi và đi và không cần sự nhanh tay, nhanh mắt…

Suốt từ hôm Pokémon GO chính thức ra mắt tại Việt Nam đến nay, bác sĩ tại các bệnh viện cũng đã chuẩn bị tâm lý sẽ đón những bệnh nhân của trò chơi này. Mà không chỉ là bệnh nhân tai nạn giao thông mà cả bệnh nhân tâm thần. Bởi với kinh nghiệm của những người đã điều trị cho không ít bệnh nhân điên vì game, nghiện game, các bác sĩ tâm thần của Viện Sức khỏe tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho rằng, những trò chơi bằng hình ảnh như Pokémon GO rất dễ gây nghiện. Mà loại nghiện này ngoài việc điều trị bằng dược phẩm để nâng cao sức khỏe, phải điều trị cả thâm thần. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi có game mới lạ như Pokémon GO, xu hướng chung của giới trẻ sẽ là muốn khám phá, tìm hiểu để khẳng định mình. Nhưng từ sự muốn “khẳng định” mình đó, người chơi ham rồi nghiện lúc nào không biết.

“Điên” vì Pokémon?

Theo bác sĩ Dũng, có 4 mức độ chơi game: Chơi một chút, chơi từng đợt, lạm dụng và cuối cùng là nghiện. Khi nghiện sẽ làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày, giảm thích thú.

Đồng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa (BSCK) II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng cho rằng, tất cả những trò chơi nào cuốn hút sẽ gây nghiện rất nhanh. Mỗi ngày chỉ cần chơi tăng 1-5 phút chỉ vài tháng là nghiện. Từng đó thời gian qua mỗi ngày thì không thấy tiếc nhưng nhân lên 360 ngày thì là quãng thời gian đáng kể, chưa kể đến cấp độ nghiện sẽ ngày càng tăng lên, vài chục phút đến cả tiếng mỗi ngày. Bác sĩ Cương nói: “Chơi game nói chung chỉ cần mỗi ngày chơi tăng từ 1-5 phút thì chỉ vài tháng là nghiện. Với các bé 10-12 tuổi, bố mẹ có thể cấm được nhưng những thanh niên 16-17 tuổi thì bất lực vì vậy mức độ nghiện ở lứa tuổi này rất nhiều”.

Theo các bác sĩ tâm thần, mỗi ngày nếu chơi quá 7 tiếng sẽ gây ra rối loạn tâm thần. Mà khi rối loạn tâm thần kéo dài gây mệt mỏi, suy nhược, đồng thời có những hành vi khác lạ, thiếu kiểm soát có thể dẫn đến tự tử hoặc tấn công dữ dội, nhất là giết người. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho rằng, nghiện game nguy hiểm không kém gì nghiện ma túy, rượu, sex…

Nhân đề cập đến việc nghiện game, Th.S-BS Lê Thị Thu Hà, Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai kể bà đã từng chữa trị cho nhiều bệnh nhân nghiện game là học sinh, sinh viên. Trong đó có một sinh viên năm thứ 3 bà nhớ mãi đã bị đuổi học vì nghiệm game dẫn đến bỏ bê học hành, thi cử. Khi bị đuổi, học sinh viên này đã về quê. Và, cứ 7 giờ tối hằng ngày là cậu nhảy sang nhà hàng xóm bỏ hoang, ngồi im như thiền hàng tiếng đồng hồ ở bậc thềm, không nói không rằng, mắt chẳng nhìn ai, dù có người đứng trước mặt. Nghĩ cậu có vấn đề về tâm thần, gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần để khám. Và tại đây sau nhiều ngày điều trị, cậu sinh viên đó đã tâm sự thật với bác sĩ Hà rằng, cứ đến giờ đó là cậu bắt đầu chơi game nên thành quen, thành “giờ sinh học” của cậu. Do đó, sau khi bị đuổi học về nhà không có game, đến “cữ” là cậu thấy rấm rứt, bức bách không chịu được. Như một phản xạ, cậu phải chạy sang nhà hàng xóm không có ai ở, ngồi hình dung một màn hình trước mặt với trò chơi vẫn thường chơi và “đấu” trong tưởng tượng. “Game gây nghiện đến mức như vậy đấy”, bác sĩ Hà buồn rầu kết luận.

Bác sĩ Cương thì kể, trong cuộc đời chữa trị cho bệnh nhân tâm thần của ông cũng không thể nào quên một sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội nghiện game đến mức suy kiệt thể lực không thể đi đứng nhưng vẫn có thể… chơi game. Ông tường tận: “Cậu sinh viên này mặt mũi sáng sủa, nhưng vì nghiện game, bỏ ăn uống, chỉ ngồi thu lu trên ghế cả ngày thành suy kiệt nghiêm trọng, da bọc xương, không thể đi lại được, nằm một chỗ. Nhưng đau đớn thay ở chỗ sức khỏe như vậy nhưng nếu bảo ngồi dậy chơi game, cậu ta vẫn làm được. Gia đình đã dùng mọi biện pháp nhưng không thể dứt con ra khỏi màn hình, đành đưa đến bệnh viện điều trị”.

Bác sĩ Cương khẳng định với những người nghiện game nặng (chơi 1 tiếng đồng hồ trở lên), trước mặt họ luôn hiện ra một màn hình ảo nên bố mẹ có khuyên ngăn đến đâu cũng chỉ nghe để đó không cai được. Trong khi hậu quả của việc nghiện game bên cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe còn bị biến đổi nhân cách sâu sắc, chống đối gia đình, xã hội, thậm chí hung hãn, tấn công người khác. Vì vậy, theo bác sĩ Cương, khi thấy con nghiện game, các phụ huynh phải có giải pháp mạnh chứ không thể dừng ở mức khuyên nhủ. Cẩn thận nữa, phụ huynh phải đưa con đến khám ở các bệnh viện tâm thần để tìm ra cách điều trị hữu hiệu, cũng không nên “đứt gánh giữa đường” theo kiểu điều trị 2-3 tuần xong lại xin về. Hoặc có người chỉ gọi điện tư vấn xong rồi để đó dẫn đến không cách ly kịp thời, đứa trẻ sau đó bị trầm cảm, rối loạn tâm thần.

Theo bác sĩ Cương, với những trường hợp nghiện game, sẽ được điều trị chủ yếu là cách ly, sau đó dùng thuốc chữa triệu chứng như thuốc bổ, thuốc trị mất ngủ…

Pokémon GO mới chính thức có mặt ở Việt Nam gần được 1 tháng, hy vọng với sự tỉnh táo, chủ động kiểm soát bản thân, không “game thủ” nào phải nhập viện vì nhân vật ảo nhưng hậu quả thật này.

BSCK II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương: Với sự mới lạ và hấp dẫn của Pokémon GO sẽ khiến nhiều người say sưa và có những hành vi thiếu an toàn vì sự say sưa đó, không chỉ là những hành vi vì nghiện game mà cả tai nạn thương tích khi đang mải mê săn Pokémon.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới 551

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.