Cô Tô: Điện tới đón du khách về

15:09 | 02/10/2016

634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Số lượng khách du lịch đến với đảo tăng hơn 6,5 lần; trong 3 năm có hơn 2.000 phòng nghỉ được xây dựng mới… là những tín hiệu lạc quan về sự phát triển kinh tế xã hội của đảo Cô Tô sau 3 năm có điện lưới - ông Đào Văn Vũ,  Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho hay.
co to dien toi don du khach ve
Ông Đào Văn Vũ.

PV: Thưa ông, kể từ khi lưới điện quốc gia được kéo ra đảo vào tháng 10/2013, từ góc độ kinh tế, Cô Tô đã đổi thay như thế nào?

Ông Đào Văn Vũ: Phải khẳng định rằng, điện lưới ra đảo đã góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế của Cô Tô chuyển dịch mạnh mẽ. Nếu giai đoạn 2010-2015, cơ cấu kinh tế của huyện là ngư - nông - lâm nghiệp, dịch vụ - du lịch, tiểu thủ công nghiệp thì giai đoạn 2015-2020 đã chuyển dịch thành: Dịch vụ - du lịch, ngư - nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, huyện Cô Tô xác định dịch vụ - du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể, dịch vụ - du lịch sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 40-45% trong cơ cấu kinh tế của đảo vào năm 2020.

Chỉ tính riêng 3 năm qua, gần 2.000 phòng nghỉ với đầy đủ các tiện nghi phục vụ khách du lịch đã được đầu tư xây dựng. Nhiều hộ dân còn xây nhà theo mô hình homestay (vừa là nhà ở, vừa phục vụ du khách), đáp ứng nhu cầu của du khách vào các dịp cao điểm mùa du lịch và khám phá đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Đảo.

Trong thời gian này, nhờ cơ sở hạ tầng phát triển, lượng khách du lịch ở Cô Tô cũng tăng mạnh. Nếu năm 2013 chỉ có khoảng 35.000 lượt khách, thì 2015 là 150.000 lượt khách và đến 9 tháng đầu năm 2016 là trên 230.000 lượt khách, gấp 6,5 lần so với trước khi có điện lưới.

PV: Còn đời sống người dân trên đảo thì sao, thưa ông?

Ông Đào Văn Vũ: Hơn 3 năm về trước, khi chưa có điện lưới, các máy phát điện diezen cung cấp cho đảo với công suất thấp khiến nguồn cung điện luôn thiếu hụt, không ổn định, thời gian cung cấp điện bị hạn chế. Các thiết bị điện vì vậy cũng ít được người dân trên đảo sử dụng, thiếu các thiết bị đáp ứng nhu cầu tiện nghi của cuộc sống. Còn hiện nay, đất liền có gì, trên đảo có cái đó, từ tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ đến các thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí...

co to dien toi don du khach ve
Đóng điện công trình chống quá tải lưới điện cho huyện Cô Tô.

Có điện, các trường học đầu tư hệ thống quạt trần, phục vụ các em học sinh trong mùa hè nóng nực, thậm chí những phòng học tin học còn được trang bị điều hòa. Cùng với đó, các trung tâm y tế cũng được đầu tư đồng bộ các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy chụp Xquang..., đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên, người dân đã yên tâm bám biển, bám đảo. Nếu trước đây, người dân đi xây dựng kinh tế mới ở đảo, rồi gửi tiền về đất liền đầu tư chứ không tái đầu tư trên đảo. Thì từ ngày có điện lưới, suy nghĩ này không còn nữa, người dân ở Cô Tô đã tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng trên đảo.

PV: Từ thực tế địa phương, ông đánh giá thế nào về vai trò của điện trong thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương, đặc biệt là vùng biển đảo?

Ông Đào Văn Vũ: Cá nhân tôi cho rằng, điện đặc biệt quan trọng, là tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển, đặc biệt vùng biên giới, hải đảo. Có điện, các nhu cầu của người dân được đáp ứng; hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt; người dân yên tâm bám biển, bám đảo và cảm thấy gần gũi hơn với đất liền.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Cô Tô trong những năm qua, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của tất cả các ngành; trong đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành Điện lực.

Khi khảo sát ban đầu, Dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khoảng 7.000 người dân và một số cơ quan, đơn vị trên đảo. Tuy nhiên, sau khi có điện lưới, hệ thống nhà hàng, khách sạn ở Cô Tô phát triển với tốc độ cao. Hàng năm, người dân đầu tư khoảng 200-300 tỷ đồng xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao đến 5 sao, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh. Dù vậy, ngành Điện vẫn kịp thời đầu tư, bổ sung, nâng cấp các trạm biến áp... đáp ứng nhu cầu phát triển “nóng” của huyện đảo.

Xác định, điện phải đi trước một bước, trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đưa điện lưới ra Đảo Trần - hòn đảo thuộc huyện Cô Tô có lợi thế về dịch vụ nghề cá. Hiện, trong quy hoạch, đảo Trần sau khi có điện lưới sẽ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá phía Đông Bắc vùng Bắc Bộ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Hoàng Văn Nam - Phó Giám đốc Điện lực Vân Đồn (Công ty Điện lực Quảng Ninh): Nếu những tháng đầu khi mới có điện lưới, sản lượng điện tiêu thụ trung bình của Cô Tô chỉ khoảng 200.000 kWh/tháng, thì đến năm 2016, vào những tháng nắng nóng, cao điểm mùa du lịch, sản lượng điện đạt khoảng 1,2 triệu kWh/tháng (tăng gấp 6 lần). Nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng mạnh khiến công tác vận hành lưới điện vất vả hơn, nhưng chúng tôi vui vì qua đó thấy được sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đổi thay trong đời sống nhân dân trên Đảo Cô Tô.

Minh Tâm

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps