Có thể tịch thu phương tiện giao thông vi phạm?

07:05 | 16/03/2015

1,172 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề xuất tịch thu phương tiện là xe môtô, gắn máy đi vào đường cao tốc, hoặc người điều khiển ôtô, xe máy mà có nồng độ cồn cao (trên 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở) sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, đã và đang gặp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân. Có ý kiến cho rằng, đề xuất đã vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013.

Năng lượng Mới số 403

Chế tài “cực chẳng đã”

Một chuyên gia pháp lý cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, hành vi vi phạm pháp luật ngang nhiên diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Người vi phạm cũng đủ tầng lớp trong xã hội. Chính vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có biện pháp mạnh để đưa người dân vào khuôn khổ. Đề xuất tịch thu xe vi phạm chưa thấm vào đâu, thậm chí cần phải có những quy định nặng hơn nữa để răn đe, giáo dục. Phải kiên quyết tước quyền lái xe, chặn xe ngay để lập lại trật tự.

Tại Singapore, một tòa án ở nước này vừa phạt hai công dân Đức 9 tháng tù giam và chịu 3 roi vì tội vẽ bậy trên một toa tàu. Chỉ là vẽ bậy thôi mà cũng phải chịu trách nhiệm hình sự chứ đừng nói đến việc vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Hành vi đi xe môtô, gắn máy, thô sơ trên đường cao tốc, hoặc nồng độ cồn quá cao khi lái xe đe dọa nghiêm trọng an toàn giao thông, ảnh hưởng tính mạng của nhiều người.

Xe máy vô tư đi vào đường cao tốc

“Thế mà, mới chỉ đề xuất tịch thu xe đã kêu ầm lên. Người dân chỉ biết cái “tôi”, cái riêng của mình mà không dám nhìn xa, vì cái chung là “thượng tôn pháp luật”. Luật là con người đề ra, nó phục vụ, bảo vệ lại chính con người. Cái gì chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe thì phải sửa chữa, bổ sung. Hiện cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ khơi khơi hô hào khẩu hiệu người dân chấp hành pháp luật. Không có chế tài đủ mạnh thì hành vi vi phạm vẫn có thể diễn ra. Phải có một liều thuốc kháng sinh đủ mạnh để chữa căn bệnh ý thức chấp hành pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật kém thì phải có biện pháp mạnh tay, đây là đề xuất cực chẳng đã” - chuyên gia pháp lý này nói.

Cũng đúng thôi, khi lợi ích của họ bị đụng chạm thì họ mới sợ và chấp hành tốt hơn. Như lời ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh phát biểu trên báo chí rằng: “Theo tôi nghĩ, đề xuất đó đúng là nặng thật. Tuy nhiên, trước kia đã có những biện pháp xử phạt nhưng không khắc phục được thì giờ phải phạt nặng như này mới có hiệu quả. Phải phạt như thế thì mới răn đe, đảm bảo tính mạng cho con người được”.

Cũng theo ông Bùi Văn Quản, nhiều người nói rằng phải uống rượu mới tỉnh táo mà lái xe, nhưng nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Hôm nay an toàn nhưng liệu ngày mai có an toàn không, sức khỏe con người mỗi lúc một khác mà. Nhiều người có tửu lượng cao, uống 10 chai bia mà vẫn chưa say, người tửu lượng thấp, uống một cốc đã say rồi. Vậy nên, đã cấm là phải chọn hình thức phạt cao nhất để áp dụng cho tất cả các đối tượng, chứ không nên nói chuyện cao, thấp trong mức độ xử phạt.

Vẫn còn băn khoăn

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn còn nhiều băn khoăn về kiến nghị tịch thu phương tiện của “ma men” đi vào đường cao tốc. Nhiều người cho rằng, đề xuất đã vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013. Kiến nghị này chưa phù hợp pháp luật và thiếu tính khả thi. Quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Quyền này được Hiến pháp ghi nhận và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe

Nước ta nằm trong số các nước có mức tiêu thụ rượu, bia cao nhất thế giới. Biện pháp xử lý tài xế tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia tại các nước đều có nhiều hình thức, từ nhẹ đến nặng. Thế nhưng, các quốc gia rất hạn chế tịch thu phương tiện vì nhiều lý do liên quan đến cơ sở pháp lý và tính khả thi. Có người lại bày tỏ quan điểm rằng, phương án phạt thật nặng có hiệu quả hơn. Chẳng hạn thay vì tịch thu xe ôtô, có thể đề xuất mức phạt hàng triệu đồng kèm theo tạm giữ xe 3-6 tháng chẳng hạn.

Còn với xe máy, phạt chục triệu đồng và giữ phương tiện có thời hạn. Nếu họ không nộp phạt đúng hạn, tịch thu xe cũng đâu có muộn. Phương tiện giao thông lại là tài sản có giá trị lớn. Nếu chỉ vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả gì mà lại bị tịch thu phương tiện thì e rằng người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt, dư luận cũng sẽ khó đồng tình.

Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện không phải là chủ sở hữu. Nếu cá nhân, tổ chức cho thuê hoặc cho mượn nhưng xe bị tịch thu thì giải quyết trách nhiệm ra sao, không lẽ họ bị mất xe trong khi lỗi không do mình gây ra. Người thuê hoặc mượn xe phải có trách nhiệm bồi thường nhưng nếu người này không đủ khả năng chi trả thì giải quyết ra sao?

 Hay như giải thiết, tài xế taxi uống rượu bia bị tịch thu phương tiện là tài sản của công ty… Hàng loạt vấn đề phức tạp cần phải bàn thảo, tính toán chặt chẽ.

Còn theo ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), luật pháp hiện hành áp dụng biện pháp răn đe là tạm giữ phương tiện và phạt tiền. Do đó đề xuất tịch thu phương tiện không thể dễ dàng thực hiện vì liên quan quyền sở hữu tài sản đã được Hiến pháp quy định.

Đã nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, trong quá trình xây dựng đề xuất đã nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý. Quy định về vấn đề sở hữu tài sản trong Hiến pháp rất rõ, nhưng trong Điều 26 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định rõ về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi uy hiếp an toàn xã hội cao.

Bên cạnh đó, trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền khi triển khai vấn đề tịch thu phương tiện như thế nào. Như vậy, chúng ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này.

Ông Khuất Việt Hùng cũng nhấn mạnh thêm, trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã quy định chế tài này rồi, nên không nhất thiết cứ phải gây án mới tịch thu phương tiện.

Về mặt thẩm quyền, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hay Chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có đủ thẩm quyền để tịch thu phương tiện gây ra hành vi uy hiếp an toàn xã hội đến mức chúng ta quy định phải tịch thu phương tiện.

T.M