Cô sinh viên đất Cảng nuôi ước mơ thoát nghèo

13:00 | 22/03/2013

930 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - “Nếu được ước thì em có ước muốn mình sớm trở thành một doanh nhân, như vậy em mới giúp được mẹ, giúp em gái và nhiều lắm những số phận có được công việc ổn định để thoát khỏi cái nghèo”. Đó là tâm sự của em Nguyễn Thị Nga - sinh viên năm nhất của Trường Đại học Hà Nội.

Tuổi thơ nghèo khó

Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng không kém phần rắn rỏi của cô sinh viên đến từ đất Cảng Hải Phòng thu hút tôi từ cái nhìn đầu tiên. Dung dị, hồn nhiên và vẫn còn đó cái ngượng ngịu của một cô bé mới bước ra từ lũy tre làng. Nguyễn Thị Nga - với chất giọng đặc trưng từ nơi gió biển, đôi mắt trong veo, trực trào nước mắt khi phải nhắc đến chuyện gia đình.

Nga bảo, em sinh ra trong một gia đình thuần nông, có một tuổi thơ nghèo khó, nhưng đến bây giờ nó vẫn là quãng thời gian em cảm thấy hạnh phúc nhất. Là bởi, em được sống trong tình yêu thương của mái ấm gia đình, có cả cha mẹ và khi ấy ngôi nhà của em luôn rộn tiếng cười. Nga suy nghĩ chín chắn hơn so với tuổi, những suy nghĩ bật ra từ trong tiềm thức khiến tôi hiểu, quá khứ về tuổi thơ và những nỗi lo còn ngổn ngang phía trước mà em đang phải gồng gánh đã đè nặng lên vai.

Có thể thừa hưởng cái gen di truyền bởi là con của một người lính cụ Hồ mà những khó khăn trước mắt không làm Nga nao núng. Nga khoe bố của mình đã có nhiều năm chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau bị đày ra đảo Phú Quốc nhưng chưa kẻ thù nào làm ông gục ngã. Hòa bình lặp lại, trở về quê hương với thương tích hạng 4/4, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng bố của em vẫn không ngừng lao động. Cuộc sống lập thân của cha mẹ là những ngày tháng gian lao, phải lấp từng hộc ao làm ruộng, san đất xây nhà... mà em được chứng kiến là quãng thời gian khốn khó nhưng đẹp nhất trong ký ức của mình.

Lúc em mới chỉ lên 6, đã “đảm đang” lắm khi biết giúp bố mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Ngày tháng đó cũng là lúc bố mẹ em lên kế hoạch xây nhà. Hồi đó, bé tý xíu nhưng em cũng theo bố mẹ ra đồng chở đất về san móng làm nhà. Có hôm phải chở đến tối khuya, về đến nhà cả gia đình không có gì ăn, quây quần bên mâm cơm đạm bạc, vậy mà vẫn vui sướng lắm.

Em Nga trong một cuộc vận động “Chung tay bảo vệ động vật quý hiếm” do nhà trường ĐH Hà Nội phát động.

Xây xong ngôi nhà nhỏ thì gia đình em bắt đầu nợ chồng chất. Bố em dù tuổi cao, sức thương binh càng trở nên đau yếu, vẫn ngày ngày phải đi chở đất lấp ao, lấy ruộng cấy lúa tăng thêm thu nhập. Đến giờ em vẫn nhớ như in lời nói của các bác hàng xóm với bố rằng: Ông yếu rồi, còn sống được bao lâu nữa là lăn lộn làm gì? Em thấy tủi thân và thương bố mình vô cùng. Lúc đó, cảm giác như em là đứa vô dụng, bất lực trước những khốn khó của gia đình. Nhưng bố em bảo, em cứ chuyên tâm học hành thôi, bố còn sức thì còn phải làm.

Thế rồi, tai họa ập đến gia đình em vào năm 2007, bố em phát hiện bệnh, chống chọi với bệnh tật được gần một năm thì qua đời. Lúc bố em mất, em không được ở bên cạnh, vì đang đi học. Chỉ được nghe những lời bố dặn dò qua lời kể của mẹ. Giọng Nga lạc hẳn đi khi những ký ức về bố ùa về. Em bảo, giá mà bố em còn sống, thì gia đình em cũng sẽ sum vầy như biết bao gia đình khác. Em không sợ nghèo, sợ khó, chỉ tiếc nuối là không còn bố em trên cuộc đời này nữa.

Tưởng chừng những vận hạn rồi cũng sẽ qua, nhưng đến năm 2009, mẹ của Nga lại phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Nỗi ám ảnh về bệnh ung thư khiến Nga sợ hãi. Đã có những ngày mẹ con khăn gói lên bệnh viện rồi chụp chiếu... có lúc tưởng chừng như gục gã. Ba mẹ con Nga oằn lưng chống chọi với cơn bạo bệnh của mẹ.

Mẹ Nga sau một ca mổ sức khỏe lại yếu hơn. Sau này không còn tiền để chạy chữa thường xuyên, mẹ đành tặc lưỡi làm liều là không đi khám nữa. May có người mách nước đi cắt thuốc nam, nên mẹ em đành nhờ vào sự may rủi của thuốc nam từ đó đến bây giờ. Nga bảo, mẹ không dám đi khám bệnh viện, phần vì sợ bệnh càng nặng. 

Mẹ như vậy, nhưng Nga cũng không biết phải làm sao, bởi Nga cũng không biết phải làm gì ra tiền để mẹ được đi chữa bệnh. Đã thế, cô em gái của Nga còn thường xuyên ốm đau. Mới sinh ra em Nga đã yếu ớt như thế rồi. Vậy lên bây giờ học lớp 10, cô em gái vẫn được ưu ái ít phải đụng chạm đến việc làm chân tay.

Nhiều lúc nghĩ số phận thật bạc đãi với gia đình mình, những nỗi đau rình rập cứ trực cướp đi niềm tin, chỗ dựa tinh thần mà em không khỏi hoang mang.

Luôn đau đáu một ước muốn thoát nghèo

Chứng kiến sự đau yếu của mẹ khi chống chọi với bệnh tật, Nga ấp ủ những dự định kiếm tiền. Phải làm sao để kiếm được tiền giúp mẹ trang trải thuốc men? làm sao để duy trì được việc học hành?... những câu hỏi đó cứ đau đáu trong lòng em.

Ngay từ khi học lớp 11 ở quê nhà, em đã nghĩ đến việc làm thêm. Và rồi, em đã có những ngày công đầu tiên là làm nhiệm vụ bưng bê cho một quán cà phê ở phố huyện, cách nhà chừng 2km. Em bảo, mẹ sợ sức em yếu, cứ can ngăn luôn, nhưng em vẫn đi. Ban đầu cũng khó nhọc lắm, sợ nhất là những hôm phải làm thêm ca rồi về khuya, đạp xe lóc cóc trên đường vừa đi, vừa khóc vì sợ. Thế rồi cũng qua, chuỗi ngày vất vả đó, em cũng dành dụm được tiền cho mẹ và thực hiện ước mơ bước vào cổng trường Đại học.

Ngày em nhận giấy báo, mẹ em là người vui nhất, tuy rằng em biết mẹ sẽ nặng thêm một nỗi lo. Thế nên, trước khi bước chân lên thủ đô nhập học em đã lập cho mình một kế hoạch để làm thêm, lấy tiền trang trải học hành, bớt gánh lo cho mẹ. Những ngày đầu em đi xin việc phục vụ ở một quán ăn ngay cạnh khu em trọ. Dù việc phục vụ vô cùng vất vả, nhưng nghĩ đến khoản tiền sẽ được nhận vào cuối tháng, sẽ không phải xin mẹ em lại tự an ủi mình vượt qua những lúc mệt nhọc nhất, nản trí nhất.

Khi Nga đi học, mẹ và em gái ở quê chỉ trông chờ vào hơn một sào ruộng cấy lúa. Còn lúc bệnh thuyên giảm đôi chút, mẹ Nga lại phải chạy vạy đi làm thêm, ai thuê gì làm đó, kiếm đồng ra đồng vào. Thế nên, Nga cố gắng chi trả các khoản tiền học hành trong số tiền được nhận từ học bổng và tiền làm thêm mình có được, để mẹ bớt lo lắng.

Nhắc đến suất học bổng từ quỹ học bổng Thắp Sáng Niền Tin mà Nga đạt được, khuôn mặt em rạng rỡ hẳn lên. Cô bé khiêm tốn khi nói rằng, em thấy mình vẫn chưa xứng đáng với suất học bổng đó. Vì thực sự các bạn nhận được quỹ học bổng này ai cũng có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ đều vượt khó mà học rất giỏi. Em cảm thấy mình vẫn thua kém các bạn, các anh chị trong nhóm nhiều. Vì thế mà em lại càng phải cố gắng hơn để xứng đáng với những gì em được nhận.

Điều em được nhiều hơn nữa ở quỹ học bổng này là các em được sinh hoạt thường xuyên trong nhóm, có những câu lạc bộ học tập được các bạn lập ra cùng nhau trao đổi học hành, cùng giới thiệu việc làm thêm cho nhau... em thấy mình tự tin hơn nhiều.

Trước đây, thủ đô với em vô cùng xa lạ, lần đầu xa nhà, xa gia đình em chỉ muốn bỏ tất cả để về. Không có tiền, em xa lánh cuộc sống đông đúc nhiều hơn, tưởng chừng như mắc chứng tự kỷ, chỉ biết lao đầu vào học. Thế nên, khi đạt học bổng, được giao lưu với mọi người trong nhóm, em đã tích lũy được những kỹ năng mềm để thích nghi rồi quen dần với việc học tập và hoạt động ngoại khóa.

Em nghĩ rằng mình đang được rất nhiều và nhìn vào tấm gương của các bạn cũng có hoàn cảnh khó khăn khác để vượt qua. Hào hứng nói về ước mơ của mình, Nga bảo: Khi ra trường, trước mắt em sẽ là một phiên dịch viên. Nhưng ước mơ từ thủa nhỏ vẫn là một doanh nhân, bởi em muốn mình là một người có tiềm lực, muốn thoát khỏi nghèo khó, muốn giúp được mẹ, được em gái và cả những số phận nghèo khó khác có việc làm. Như thế sẽ thoát được nghèo, đó là nỗi niềm em mong ngóng nhất. Việc học hành có thể tích lũy về lâu dài, nên em sẽ cố gắng thực hiện ước mơ của mình”.

Có lẽ những nỗi đau, khó khăn mà Nga đã và đang phải trải qua không thể quật ngã được ý trí của em, nó càng khiến em vững vàng hơn. Nga bảo: Cơn bão vừa qua, nhà em bị tốc mái, mẹ chỉ có ít tiền để sửa lại, thỉnh thoảng mưa vẫn bị dột luôn. Tôi hiểu, khi nhắc đến hình ảnh đó là trong em đã nhiều lắm những can trường để sống, để học tập và hơn nữa là mong muốn làm một chỗ dựa vững chắc cho người thân yêu của mình.

Không đòi hỏi bất cứ điều gì, nhận quỹ học bổng, cô bé khiêm tốn này còn thấy ngại vì thấy mình chưa thực xứng đáng. Nói chuyện với em, lắng nghe những dự định của cô sinh viên đến từ đất Cảng nắng gió này, tôi kỳ vọng rằng, với một nghị lực vượt khó và cầu tiến, em sẽ thực hiện được ước mơ mang tên doanh nhân của mình.

Huy An

DMCA.com Protection Status