Cổ phần hóa thực chất

07:00 | 23/04/2017

999 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hơn 20 năm tiến hành cổ phần hóa (CPH) đã giảm số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) từ 12.000 doanh nghiệp (DN) xuống còn 800 DN.

CPH đạt kết quả khả quan về số lượng, nhưng đã bộc lộ những yếu kém, những kẽ hở trong quá trình tiến hành. Vì vậy, Chính phủ đang soạn thảo một nghị định mới nhằm làm tốt hơn việc thoái vốn và CPH các DNNN.

Đây cũng là nhằm thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm giá trị tổng tài sản của các DN do Nhà nước giữ trên 50% cổ phần xuống mức tương đương khoảng 120 tỉ USD, việc thoái vốn Nhà nước và CPH DNNN sẽ được tiến hành một cách thực chất. Theo đó, Chính phủ yêu cầu phải thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các DNNN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định tại các ngành còn lại. Đồng thời, giảm bớt các ngành nghề quy định, Nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần. Như vậy cần áp dụng triệt để kỷ cương Nhà nước, kỷ luật thị trường và khung khổ quản trị tốt theo thông lệ quốc tế đối với DNNN và DN có vốn sở hữu của Nhà nước.

co phan hoa thuc chat
Một góc Cảng Quy Nhơn

Hiện nay, tiến độ thực hiện CPH chưa đạt yêu cầu. Một số DNNN lớn nợ nần, thua lỗ, sản phẩm cạnh tranh không hấp dẫn nhà đầu tư nên rất khó phát hành cổ phiếu. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản DN, xác định giá trị thương hiệu có khó khăn, ảnh hưởng đến CPH. Không ít DNNN đã xác định giá trị tài sản quá thấp, nhất là giá trị quyền sử dụng đất ở các vị trí đặc biệt có giá trị. Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã mất tín nhiệm và lu mờ sau CPH.

Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu đa sở hữu DN sau CPH chưa đạt yêu cầu vì tỷ trọng cổ phần bán ra bên ngoài còn thấp, đặc biệt là ở các DN lớn. Sau CPH vẫn có những tổng công ty, tập đoàn còn trên 90% đến 95% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ. Tại đây, mới chỉ CPH các công ty “con”, công ty “cháu” sản xuất kinh doanh phụ, giá trị thấp nên hầu như không có thay đổi gì về quản trị công ty, nhân sự. Nhà nước vẫn phải “bao” nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa có phát triển đột biến.

Các khó khăn cố hữu của DNNN chưa có cơ sở xử lý. Nhiều DN lớn vẫn thua lỗ vì không trụ vững trong cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ có 5-7% cổ phần được bán ra ngoài và Nhà nước vẫn nắm giữ đại bộ phận vốn điều lệ, nhưng quản trị DN lại tương tự như DN tư nhân là bất ổn. Đây chính là kẽ hở trong CPH khiến kiểm soát của Chính phủ với một số ngành hàng suy giảm.

Hiện nay, trong một số trường hợp, CPH chỉ nhằm huy động vốn cho các DN, chứ không phải hướng đến giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hay thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Theo quan sát của các chuyên gia, các DNNN sản xuất thua lỗ, nợ nần cao rất khó tiến hành CPH vì kém hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy cần tái cơ cấu, tổ chức lại quản trị DN, đồng thời cần chào bán đủ lượng cổ phần ra ngoài cho các nhà đầu tư có vốn, có năng lực để có thể xoay chuyển tình thế sản xuất, kinh doanh của DN.

Với CBCNV một số DNNN sau CPH, vị thế và quyền lợi của họ đã có thay đổi rất quan trọng. Từ địa vị làm chủ trong DNNN, họ trở thành người làm thuê và quyền lợi nghĩa vụ của họ đều phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Các ông bà giám đốc cũ giờ đã trở thành ông chủ, bà chủ thật sự với quyền sinh, quyền sát được pháp luật công nhận. Bởi lẽ DNNN đã bị tư nhân hóa dù mang tên công ty cổ phần.

Thực trạng này khá phổ biến khiến tài sản và quyền lợi Nhà nước bị xâm phạm trong khi dư luận xã hội rất bức xúc việc định giá tài sản DNNN quá rẻ, nhất là thương hiệu và đất đai đều có “vấn đề”, dẫn tới thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước.

Thực tế cho thấy hàng loạt DNNN sau khi CPH, do quyền chi phối đã vào tay tư nhân nên ngành nghề chính đã bị hủy bỏ. Họ tận dụng lợi thế đất đai được định giá quá hời để chuyển hướng từ sản xuất sang dịch vụ rồi đóng cửa luôn DN cũ, đẩy người lao động ra đường.

Những bất cập trong CPH DNNN làm thất thoát tài sản và nhất là giá trị thương hiệu và giá trị quyền sử dụng đất đai do bị định giá không thỏa đáng vì lợi ích nhóm và quyền lợi chỉ dành cho một nhóm người vốn là lãnh đạo DN, còn thực chất người lao động vừa mất đi danh nghĩa công nhân viên trong biên chế Nhà nước trở thành người làm thuê cho chủ tư nhân mà thu nhập không tăng.

Vì vậy, Chính phủ đang soạn thảo nghị định mới về CPH. Chỉ đạo việc này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu hướng tới đa sở hữu DN, theo xu hướng vận hành của thị trường hiện đại, sẽ tạo điều kiện huy động vốn tốt hơn từ các nhà đầu tư chiến lược. Đa sở hữu sẽ ngăn ngừa được tình trạng tư nhân hóa như đã từng xảy ra ở một số DN. Đồng thời phải nâng cao hiệu quả quản trị DN, tăng cường tính minh bạch trong xây dựng và ban hành các kế hoạch CPH DNNN bảo vệ lợi ích Nhà nước trong trường hợp giữ gìn thương hiệu quốc gia.

Trong các ý kiến chỉ đạo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã vạch rõ, nhất thiết không được bày đặt thêm thủ tục hành chính vô lý, rắc rối, làm cản trở quá trình sắp xếp đổi mới DNNN.

Hy vọng chỉ đạo mới của Chính phủ sẽ xử lý các bất cập và đưa CPH trở về đúng quỹ đạo.

Bảo Văn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc