Có nên sử dụng thuốc có tiền chất gây nghiện?

10:34 | 15/10/2012

7,993 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau khi hàng loạt ổ sản xuất ma túy “đá”, ma túy tổng hợp bị triệt phá và người ta phát hiện những chất “cám dỗ” gây chết người này được sản xuất chính từ pseudoephedrine (PSE), một tiền chất gây nghiện có trong thuốc cảm cúm Tiffy, Glotifde, Denausal và Ameflu... nên nhiều bệnh nhân đã “tẩy chay” không sử dụng những loại thuốc đó. Vậy nếu tiếp tục sử dụng, những thuốc nói trên có làm cho bệnh nhân... nghiện và nên hay không sử dụng những thuốc cảm cúm có PSE?

PSE là chất gì?

Vậy PSE là chất gì và công hiệu của nó ra sao mà lại trở thành nguyên liệu để giới tội phạm chiết xuất thành ma túy “đá”, ma túy tổng hợp và khiến bệnh nhân sợ hãi khi sử dụng thuốc cúm?

Theo giới chuyên gia của ngành dược, là một thành phần không thể thiếu trong thuốc cúm, PSE có tác dụng tạo ra cơ chế: kích thích thụ thể alpha để gây tác dụng co mạch, làm giảm sung huyết niêm mạc đường hô hấp trên, đặc biệt là ở vùng niêm mạc mũi xoang; dùng điều trị giảm sung huyết mũi (giảm nghẹt mũi) trong các bệnh lý viêm mũi, xoang, cảm lạnh, cúm, viêm tai giữa... PSE cũng được phối hợp với các hoạt chất khác trong các thuốc bán không cần kê toa (OTC) để điều trị cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc có PSE, tác dụng phụ là rối loạn giấc ngủ, kích thích hệ thần kinh trung ương, ảo giác... Nguyên nhân dẫn đến tác dụng phụ này chính là do cấu tạo phân tử của PSE rất giống với Methamphetamine, là thành phần cốt lõi của ma túy tổng hợp hay thuốc lắc. Và lợi dụng điều này, giới tội phạm đã thu mua thuốc cảm cúm với số lượng lớn, sau đó mang về chiết xuất PSE có trong thuốc rồi pha chế cùng với các hoạt chất khác để tạo nên ma túy “đá”, ma túy tổng hợp tung ra ngoài thị trường.

Thuốc cảm cúm chứa tiền chất gây nghiện nên rất dễ bị lợi dụng vào mục đích tiêu cực

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, năm 2010, chỉ riêng các công ty dược trong nước đã sản xuất gần 565 triệu viên thuốc và hơn 1,2 triệu chai thuốc có tiền chất PSE. Còn nhập khẩu là 25,6 triệu viên. Như vậy, bình quân mỗi người dân Việt Nam phải uống khoảng 7 viên thuốc có tiền chất PSE. Chưa kể thuốc nước đóng chai(?). Năm 2011, chỉ 6 tháng mỗi người dân Việt Nam đã phải uống hơn 6 viên bởi các công ty trong nước đã sản xuất 482 triệu viên và 682 triệu chai thuốc có tiền chất PSE, còn thuốc nhập khẩu là 12 triệu viên và 30.000 chai thuốc. Như vậy, một lượng lớn thuốc có tiền chất PSE đã được tiêu thụ nhưng tiêu thụ để phục vụ người bệnh hay để sản xuất ma túy tổng hợp, ma túy “đá”? Đây là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ nhưng chỉ biết: Trung tuần tháng 5 vừa rồi, Công an quận Thanh Xuân đã thu giữ 58g ma túy “đá” mới sản xuất, 72g tiền chất PSE, nhiều vỏ thuốc cảm cúm Glotifed tại ổ sản xuất ma túy đá do Vũ Đình Hải cầm đầu. Hải đã khai y tách tiền chất PSE ở thuốc Glotifed để sản xuất ma túy phục vụ “thị trường”.  

Phải uống đúng liều

Như vậy, có nên tiếp tục dùng các loại thuốc cảm cúm có tiền chất PSE không và nếu dùng, bệnh nhân có thể nghiện không?

Hiện nay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất thay thế PSE tốt nhất trong thành phần thuốc cảm cúm thông thường là Phenylephrin (PE). Chất này có tác dụng tương tự như PSE nhưng quan trọng là không thể dùng điều chế ma túy tổng hợp được. Và một số quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện khuyến cáo này. Tuy nhiên, đối với những nước chưa áp dụng chuyển đổi nói trên, các chuyên gia y tế khẳng định: “Các thuốc cảm chứa PSE không thể gây nghiện qua đường uống thông thường nhưng khi sử dụng bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định và chống chỉ định về liều lượng, thời gian và đối tượng sử dụng thuốc... Chẳng hạn như: Đối với Tiffy, trẻ con không dùng quá 5 ngày, người lớn không dùng quá 10 ngày; người cao huyết áp, suy gan, suy thận không nên dùng thuốc lâu ngày, đặc biệt đối với người cao huyết áp. Bởi người không bị huyết áp, sử dụng Tiffy, huyết áp còn tăng thì người mắc bệnh này phải thận trọng khi uống thuốc...

Xuân Bách

Năng lượng Mới số 163, ra ngày 12/10/2012

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.