Có nên phản ứng với tăng giá điện?

07:00 | 10/08/2013

563 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (PetroTmes) - Những ngày gần đây, rất nhiều quan điểm xoay quanh quyết định điều chỉnh giá điện tăng 5% từ ngày 1/8/2013 đã được đưa ra. Vậy chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào để có một cái nhìn khách quan, công tâm với ngành điện?

Chúng tôi xin kể câu chuyện sau! Một doanh nghiệp đa quốc gia A quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy cán thép ở Việt Nam, sau khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lên dự toán đầu tư, doanh nghiệp này phát hiện, giá điện ở Việt Nam là rất thấp. Và gần như ngay lập tức, một phép toán đầu tư đầy “bí ẩn” đã được đưa ra. Thay vì dành khoản đầu tư 100 tỉ đồng vào việc mua dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, tiêu hao ít năng lượng, họ đã di chuyển một dây chuyền sản xuất từ nước khác vốn đã rất lạc hậu và ngốn năng lượng cực lớn về Việt Nam (nước này vốn có giá điện cao hơn Việt Nam rất nhiều lần) và đưa dây chuyền mới, hiện đại vào chính nước đó để giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất. Các dây chuyền sản xuất được chuyển vào Việt Nam tuy có ngốn năng lượng phục vụ sản xuất lớn hơn nhưng khoản chi phí cho phần tăng này đã được bù đắp bằng chính mức chênh lệch giá điện của nước ta với quốc gia khác.

Doanh nghiệp A chẳng hề thua thiệt gì, thậm chí còn được lợi nhưng nước ta vô hình trung đã trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới và nền kinh tế của nước ta vẫn sẽ mãi là nền kinh tế lạc hậu! Lo ngại này cũng chính là điều mà Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề cập tới tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013 khi cho rằng: Nếu giá điện không được điều chỉnh thì các doanh nghiệp sẽ không chú trọng đầu tư công nghệ để giảm thiểu tối đa tiêu hao năng lượng. Và một điều nữa có thể thấy, khoản bù lỗ từ ngân sách Nhà nước cho điện đã bị chính những doanh nghiệp này chiếm dụng, trục lợi!

Ngành thép có đang "mất điện" vì công nghệ sản xuất lạc hậu

Trở lại câu chuyện tăng giá điện từ ngày 1/8 đang hâm “nóng” nền kinh tế mới thực sự thấy vấn đề này rất đáng lo ngại. Số liệu thống kê được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2013 do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 5/8/2013 cho thấy: Lượng điện tiêu thụ của công nghiệp và xây dựng chiếm tới 50,9%, điện cấp cho nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%, điện cấp cho thương nghiệp và khách sạn, nhà hàng chiếm gần 5%... tổng sản lượng tiêu thụ điện cả nước.

Trong khi đó, điện phục vụ cho quản lý và tiêu dùng dân cư chỉ chiếm 37,8%. Nhưng trong quá nửa sản lượng điện tiêu thụ của cả nước cho công nghiệp và xây dựng lại chỉ phải phục vụ cho 457.343 doanh nghiệp (số liệu thống kê của Bộ Tài chính tính đến ngày 30/6/2013) thì phần điện cho tiêu dùng, quản lý phải phục trên 90 triệu người, khoảng 22 triệu hộ gia đình (số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Bằng một phép so sánh có thể thấy, sản lượng điện tiêu thụ của một nhà máy sản xuất công nghiệp nặng bằng sản lượng điện tiêu thụ cho quản lý, sinh hoạt của cả một huyện và có khi bằng cả một thành phố.

Điều này phần nào cũng được thể hiện trong phép toán của Công ty Gang thép Thái Nguyên rằng, giá điện tăng 5% sẽ làm chi phí sản xuất 1 tháng của doanh nghiệp này tăng 1,7 tỉ đồng. Và đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao thời gian vừa qua, các doanh nghiệp xi măng, sắt thép lại phản ứng việc điều chỉnh giá điện như vậy. Còn theo tính toán của Hiệp hội Xi măng thì tăng giá điện 5% sẽ làm giá thép tăng khoảng 130.000 - 150.000đ/tấn.

Nhưng đằng sau câu chuyện này lại có một vấn đề là hầu hết các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép… ở nước ta hiện đang sử dụng các công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Theo ông Bùi Quang Chuyện - Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), bên cạnh yếu tố mất cân đối cung cầu, đa số các doanh nghiệp sản xuất thép với quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu và chưa thân thiện với môi trường, đặc biệt các chỉ số tiêu hao như than cốc (đối với lò cao), điện năng và điện cực (đối với lò điện hồ quang). Còn đối với sản xuất xi măng, nhiều dự án chưa có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải và nếu làm được điều này có thể tự sản xuất tới 15% lượng điện tiêu thụ, qua đó hạ giá thành sản phẩm.

Một thống kê của chính Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, để làm ra 1 mẻ thép, doanh nghiệp Việt Nam mất trung bình 90-180 phút (trong khi thế giới chỉ cần 45-70 phút), lượng điện tiêu hao cũng lên tới 550-690kWh/tấn (trong khi của thế giới là 360-430kWh/tấn). Liên quan đến vấn đề này, số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng cho thấy chỉ có 1/3 số doanh nghiệp quy mô vừa hoặc có vốn đầu tư Nhà nước là sử dụng công nghệ châu Âu. Còn 2/3 số doanh nghiệp còn lại đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giấy là doanh nghiệp nhỏ và sử dụng thiết bị Trung Quốc cũ kỹ, công nghệ tụt hậu vài chục năm, thậm chí đến cả thế kỷ, tiêu hao năng lượng lớn.

Nói như vậy để thấy rằng, nếu đặt trong một phép toán kinh tế thì chính ngành thép, xi măng mới là người có lỗi. Họ đang sử dụng công nghệ quá cũ kỹ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn nên mới dẫn tới chi phí sản xuất tăng. Đây thực sự là điều rất khó chấp nhận trong bối cảnh Đảng, Chính phủ đang nỗ lực từ nay đến 2020, xây dựng nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại. Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trong một cuộc trao đổi với báo chí cũng cho biết, đã có doanh nghiệp thép chủ động bỏ lò điện với công suất 20 tấn/mẻ để đầu tư các lò có công suất lớn hơn, khoảng 120 tấn/mẻ đã giúp tiêu hao điện giảm tới 50% từ 600kWh/tấn xuống còn 300kWh/tấn sản phẩm.

Qua đó để thấy rằng, nếu những doanh nghiệp thép đang phản đối việc điều chỉnh giá điện biết đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất thì số tiền được cho là 130.000đ tăng thêm do chi phí tiền điện tăng chẳng là vấn đề gì. Nhưng đa số các doanh nghiệp thép đã không chọn cách làm này mà họ vẫn muốn sử dụng công nghệ cũ và vẫn muốn giá điện được bán ở mức thấp để bù đắp cho phần tiêu hao năng lượng tăng thêm. Họ sẵn sàng sử dụng công nghệ lạc hậu và bỏ qua các vấn đề liên quan đến môi trường.

Vậy nên việc các ngành công nghiệp, sản xuất kinh doanh phản ứng quyết định tăng giá điện xem ra là rất bất hợp lý và có phần ích kỷ.

Một điểm nữa, nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá điện sẽ tác động xấu đến cuộc sống của người dân nhưng thực tế nào có phải vậy. Giá điện tuy đã được điều chỉnh nhưng theo tinh thần đã được Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định trước đó, chi phí cho điện sinh hoạt của các đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách vẫn được hỗ trợ 30.000đ/tháng và gần như không thay đổi so với trước khi giá điện được điều chỉnh tăng. Còn theo tính toán của ngành điện, với quyết định điều chỉnh giá điện tăng 5% thì: Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng sẽ tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150kWh/tháng tăng chi 10.650đ/tháng, sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 15.500đ/tháng, sử dụng 300kWh/tháng tăng chi 26.000đ/tháng, sử dụng 400kWh/tháng tăng chi 37.200đ/tháng. Đây có thể xem là số tiền hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu biết rằng bao nhiêu năm nay, để cung ứng đầy đủ điện cho các hoạt động kinh tế - xã hội và tiêu dùng đất nước, ngành điện đang đối diện với vô vàn khó khăn!

Ngoài ra cũng phải thấy rằng, lo ngại giá điện tăng khiến chi phí đầu vào sản xuất tăng và tất nhiên, giá các mặt hàng cũng tăng là không hợp lý. Như đã nói ở trên, chi phí tiêu hao năng lượng sản xuất tăng do giá điện tăng hoàn toàn có thể khỏa lấp nếu các doanh nghiệp chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ, áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Vậy nên chúng ta cũng cần phải nhìn lại, việc giá điện chỉ tăng 5% nhưng giá nhiều mặt hàng tăng có khi đến 10% có hợp lý hay chỉ là hiện tượng “té nước theo mưa”!

Thanh Ngọc