Có nên đúc tượng rùa vàng 10 tấn ở Hồ Gươm?

20:50 | 29/03/2017

1,794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Tạ Hồng Quân - cán bộ đang làm việc tại Hà Nội vừa trình UBND TP đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo ông Quân, dự án “Đúc biểu tượng rùa vàng ở Hồ Gươm - Thần Kim Quy” được ông khởi động từ tháng 5/2011, thời điểm cụ rùa Hồ Gươm có dấu hiệu suy kiệt về sức khỏe. Qua nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, ông Quân đã đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện đề án của mình.

Thời điểm này ông Quân phác thảo biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm được làm bằng đồng và vàng, nặng khoảng 10 tấn, cao khoảng 3,5m, dài 2,5m. Ông cũng đề xuất đặt biểu tượng rùa vàng ở khu vực ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc khu vực vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn.

Ông Quân cho biết, ý tưởng đúc tượng rùa bắt nguồn từ truyền thuyết lịch sử như rùa giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa; Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy. Còn thực tế, Hồ Gươm từng có con rùa mai mềm quý hiếm sống nhiều năm, được người dân Hà Nội và cả nước yêu mến.

co nen duc tuong rua vang 10 tan o ho guom
Tạo hình tượng rùa vàng 10 tấn ở Hồ Gươm

Ông Quân nói: “Hiện tại Việt Nam thiếu một biểu tượng nhận diện mang đậm bản sắc dân tộc, trong khi nhiều nước có như Pháp với tháp Eiffel, Mỹ có tượng Nữ thần tự do”. Nếu đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt thì nhóm thực hiện sẽ tổ chức cuộc thi tạo biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm.

Cho đến thời điểm này, đề xuất của ông Tạ Hồng Quân đã nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi rất ủng hộ ý tưởng này. Đây là ý rất hay, rất nên làm và lựa chọn vị trí đặt tại bờ Hồ Gươm. Cần tạo ra được mẫu sao cho đẹp về hình tượng, về mỹ thuật và tạo hình. Qua đó trở thành biểu tượng của Hà Nội và cũng là của Việt Nam, có tính chất lịch sử hàng trăm hàng nghìn năm sau, trở thành giá trị văn hóa tinh thần, có ý nghĩa trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi có lưu ý là khi dựng ở không gian như Hồ Gươm thì cần phải thận trọng. Ý tưởng là một chuyện, thực hiện như thế nào lại là một chuyện. Khi có ý tưởng mới, nên đưa lên thông tin đại chúng để bàn luận cho hợp lý, nếu hay thì sẽ dùng, không thì phải cân nhắc”.

Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS. Đặng Văn Bài đồng tình và cho rằng: “Rất cần bổ sung hình tượng rùa vàng để khu vực Hồ Gươm trở lên thiêng liêng hơn có sức hấp dẫn ở các mặt thẩm mỹ đô thị, văn hóa tâm linh. Tôi tâm đắc với dự án “Rùa vàng Hồ Gươm” vì nó góp phần tập hợp một không gian công cộng trong đô thị vừa độc đáo, vừa hấp dẫn và sang trọng cho Hà Nội thân yêu của chúng ta”. PGS.TS. Hà Đình Đức cũng khẳng định đây là ý tưởng hay đáng được trân trọng; nhưng phải có sự tính toán kỹ lưỡng bởi đây là di tích quốc gia đặc biệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, có không ít nhà văn hóa, nhà khoa học cảm thấy băn khoăn trước đề xuất dựng tượng rùa vàng 10 tấn tại Hồ Gươm. GS sử học Phan Huy Lê khẳng định không bao giờ ủng hộ những dự án như đúc biểu tượng rùa vàng ở Hồ Gươm. Ông nhấn mạnh: “Đặt tượng rùa ở Hồ Gươm, kích thước thế nào, hình dáng ra sao là phải xem xét kỹ lắm, không tùy tiện được”.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Họa sỹ Trần Khánh Chương cho biết, ông không thấy vẻ đẹp của hình tượng Rùa vàng qua phác thảo của đề án. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam còn bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, mẫu phác thảo về Rùa vàng đang làm thay đổi nghiêm trọng hình tượng Rùa vàng truyền thống.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động thì cho biết Sở chưa nhận được văn bản chỉ đạo, xin ý kiến gì về đề xuất này nên không có ý kiến gì. Ông nói thêm rằng, 2 phiên bản cụ rùa ở đền Ngọc Sơn do Sở đề xuất hiện rất có giá trị rồi.

Nhã Anh