Có nên chấp nhận “Luật hôn nhân bình đẳng” ở Việt Nam?

07:17 | 25/02/2013

1,762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyện thay đổi cách nhìn về cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam vẫn là một câu chuyện dài. Trong đó để Quốc hội thông qua “Luật Hôn nhân bình đẳng” là sự đấu tranh không mệt mỏi của cộng đồng LGBT và những người dị tính có người thân, bạn bè là người LGBT. Nhân sự kiện Bộ Tư pháp phối hợp cùng cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong bảo vệ quyền của người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình” vừa qua, xin góp thêm một cách nhìn về vấn đề này.

Tôi từng gặp những cặp đồng tính nữ sống chung và có khao khát được kết hôn như những cặp dị tính khác. Một trong số đó là Y (đồng tính nữ) tại hội thảo “Tiếp cận giới và tình dục tại châu Á” do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIP) tổ chức, GS người Nhật Emiko Ochiai trình bày. Hôm đó, CCIP mời một số anh chị em ở Nhóm kết nối và chia sẻ thông tin (ICS) LGBT tham dự. Lần đó, các bạn trong nhóm LGBT đã nói lên tiếng nói của mình khi xã hội còn có quá nhiều định kiến và cái nhìn sai lệch về người LGBT.

Vài ngày sau tôi gặp Y trò chuyện. Y cũng là thành viên rất tích cực của ICS. Giờ đây Y đang sống chung với bạn tình như một gia đình và cả hai cùng nuôi đứa con của bạn gái Y. Khi tôi hỏi: “Nếu Việt Nam thông qua “Luật Hôn nhân bình đẳng” thì Y và bạn gái có đăng ký kết hôn?”, ánh mắt Y sáng hẳn lên: “Có chứ, có chứ chị, chúng tôi sẽ đi đăng ký kết hôn ngay”. Trường hợp của Y không là ngoại lệ và tôi nghĩ rằng, còn hàng trăm nghìn người đồng tính khác ở Việt Nam đang chờ đợi ngày được danh chính ngôn thuận đi đăng ký kết hôn.

Và thời gian qua, có nhiều cặp đồng tính nam, đồng tính nữ tổ chức đám cưới gây nhiều phản ứng trái chiều. Chính quyền thì cho là họ quy phạm pháp luật nên ngăn cấm; cư dân địa phương thì chê bai, dè bỉu vì cho rằng họ làm chuyện quái gở, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đơn cử là giữa năm 2012, một cặp đồng tính nam tổ chức lễ cưới ở Hà Tiên nhận không ít phản hồi trái chiều trên các trang báo và cộng đồng mạng.

Hay chuyện ở một vùng quê thuộc tỉnh Cà Mau, một cặp đồng tính nữ N và Nh quen nhau, yêu nhau, mà theo N nói là “gặp Nh là tôi yêu thật lòng” và theo Nh là “tôi yêu thương N là tự nguyện, dù biết khó khăn trong tương lai nhưng không bỏ được”. Lễ cưới của hai người không dựng rạp, không trang hoàng hoa lá. Chính quyền biết được, mời hai cô và gia đình lên giải thích rằng: “Theo Khoản 5, Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình, cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Mẹ cô N mặt buồn hiu hỏi: “Nhưng trời đất cứ sinh ra người đồng tính thì biết làm thế nào hả chú?”. 

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều cặp đồng tính nam và nữ tổ chức đám cưới hoặc công khai hoặc bí mật và có người vì sự khắt khe của định kiến xã hội nên đã giấu nhẹm thân phận của mình, để rồi phải gồng mình sống trong một con người khác. Họ không được là chính mình nên đã tạo ra bi kịch không chỉ cho chính họ mà còn cho người dị tính mà họ kết hôn. Tôi có hai người bạn rơi vào bi kịch như vậy. Hai cô bạn đều cưới con trai một, nhà giàu và có địa vị xã hội, chồng của họ rất giỏi giang được nhiều người nể trọng. Ngày thành hôn, họ hàng, bạn bè hai bên đều mừng vui cho một đám cưới xứng đôi vừa lứa.

Thế mà, chưa đầy một năm sau cả hai cuộc hôn nhân đều tan vỡ. Bản thân tôi và nhiều người cứ lầm tưởng rằng, có lẽ do họ yêu nhanh, tìm hiểu chưa kỹ hay họ còn trẻ, hời hợt, dễ bốc đồng nên sớm tan vỡ. Nhưng không, qua tìm hiểu và trò chuyện, biết rằng, gần một năm kết hôn, người chồng không hề đụng đến vợ. Bạn tôi còn chua chát nói rằng: “Từ khi cưới nhau đến giờ tao vẫn còn trinh”. Dĩ nhiên, sau ly hôn, họ sẽ đi tiếp bước nữa nhưng trái tim chắc chắn đã bị tổn thương và hành trình tìm kiếm một hạnh phúc mới không hề đơn giản chút nào.

Trên thực tế thì không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có những nước phát triển như Mỹ, Pháp thì việc thông qua Luật Hôn nhân đồng tính phải trải qua một hành trình dài. Chúng ta hẳn còn nhớ hình ảnh cách đây hơn một năm khi chính quyền bang New York, Mỹ thông qua “Luật Hôn nhân bình đẳng” thì có hàng trăm người LGBT xếp hàng dài chờ đăng ký kết hôn. Ngoài ra, còn hàng ngàn người LGBT cùng bạn bè, gia đình họ tổ chức diễu hành trên các đường phố ở New York mừng chính quyền thông qua dự luật mới chấp nhận các đám cưới của người LGBT.

Còn ở Pháp cách đây không lâu, sau khi chính quyền Tổng thống Francois Hollande đang chuẩn bị tranh luận dự luật hợp thức hóa hôn nhân đồng tính thì vấp phải sự phản đối của hàng trăm ngàn người ở thủ đô Paris và theo một cuộc thăm dò mới đây thì mức độ ủng hộ cho hôn nhân đồng tính ở Pháp giảm xuống xấp xỉ 50%. Để thấy rằng, những nơi ra đời bản hiến chương về quyền con người nhưng chính quyền và người dân không dễ gì chấp nhận luật hôn nhân đồng tính và dĩ nhiên những người phản đối là người dị tính.

Tuy nhiên, hiện nay đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Bên cạnh đó ở nhiều nơi khác, hai người cùng giới có thể đăng ký hợp pháp sống cùng nhau dưới những hình thức có tên gọi khác như hôn nhân dân sự, quan hệ có đăng ký, quan hệ gia đình… với những quyền lợi tương tự như hôn nhân giữa hai người khác giới và đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đang áp dụng hình thức này. Nói về vấn đề này, có thể mượn phát biểu gần đây của Navy Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Quyền con người: “Đừng trừng phạt tình yêu, hãy trừng phạt bạo lực và lòng hận thù”.

Ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể trong vấn đề này, trong đó có việc Bộ Tư pháp phối hợp cùng cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong bảo vệ quyền của người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình” cuối năm 2012 vừa qua, đã nhận được rất nhiều tham luận, ý kiến có giá trị.

Trung tâm CCIP đã nói lên tiếng nói quan trọng tại Hội thảo khi xem xét Luật Hôn nhân và Gia đình từ cách tiếp cận dựa trên quyền con người; GS Kees Waaldijk đến từ Hà Lan nói về kinh nghiệm các nước trên thế giới với hôn nhân đồng tính; còn GS Lee Badgett đến từ Mỹ thì nói về hệ quả của hôn nhân đồng giới và của các chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đáp ứng được nhu cầu về thông tin của những người tham gia hội thảo, đã tạo nên những thảo luận sôi nổi. Đặc biệt là sự chia sẻ của các bà mẹ có con là người đồng tính và các cặp đôi nữ đồng tính tại hội thảo đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của đông đảo người tham gia.

Có thể nói: “Sau 13 năm tồn tại, Luật Hôn nhân và Gia đình cần có những thay đổi cơ bản thể hiện được nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ ở mức độ cao nhất các quyền con người, quyền công dân mà Việt Nam đã cam kết”, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế khẳng định tại hội thảo.

Chúng ta đang đòi hỏi quyền bình đẳng trong hôn nhân cho người đồng tính, song tính… cũng là vì người dị tính mà thôi. Vì nếu bản thân người đồng tính không được công khai giới tính, không là chính mình và phải sống khác mình, rồi kết hôn với người dị tính thì cuộc hôn nhân giữa họ là bi kịch cho cả hai.

Thanh Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc