Có nên chấm điểm công chức?

07:15 | 10/08/2015

1,886 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu hỏi này không khó trả lời nếu đọc kỹ thông tin Hà Nội đã kỷ luật hơn 500 công chức trong giai đoạn 2011 - 2014. Đây có lẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước “dũng cảm” công bố tin xấu đối với đội ngũ công chức nhưng lại là tin vui của người dân vì chí ít đã xử lý 500 con sâu đã làm rầu biết bao nhiêu nồi canh.

Ai giảm - giảm ai?

Ai giảm - giảm ai?

Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu thay thế ngay những công chức, viên chức không làm được việc. Nếu “áp” theo nhận xét của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì số cán bộ, công chức không làm được việc này nằm trong số 30% cán bộ cắp ô hoàn toàn có thể thay thế ngay.

Thông tin Hà Nội này không gây bất ngờ cho dư luận vì người dân thủ đô ai cũng hơn một lần “đụng quan liêu” khi trở thành đối tượng bị “công bộc” của dân thực hiện quyền “hành”. Làm việc theo cung cách “hành” là chính.

Hà Nội công bố con số trên tại Hội nghị Tổng kết chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015”.

Có nên chấm điểm công chức?
Từ tháng 8 này, 15.000 công dân tham gia chấm điểm dịch vụ công về 6 lĩnh vực thiết yếu

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, trong 4 năm thực hiện chương trình trên, có 526 cán bộ, công chức gồm cả lãnh đạo và nhân viên từ cấp sở, ngành xuống các quận, huyện, xã, phường bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong cải cách hành chính. Đáng quan ngại lại là ở chỗ, trong số 526 công chức này, có cả những người đứng đầu các sở, ngành…

Đây là các công chức liên quan trực tiếp tới các vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Bản danh sách nhôm nhoam này có 46 người, gồm 4 giám đốc, phó giám đốc. Cấp quận, huyện, thị xã có 476 người, với 4 phó chủ tịch UBND quận, huyện và 55 chủ tịch UBND cấp xã.

Việc Thành ủy Hà Nội dám nhìn thẳng vào sự thật về đội ngũ cán bộ công quyền, chỉ rõ những khiếm khuyết trong công tác cải cách hành chính rất đáng hoan nghênh.

Dư luận cử tri coi là hiệu lệnh tấn công vào tệ nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực của cán bộ, công chức khi xử lý công việc. Báo cáo nêu rõ, đây là những cán bộ, công chức vi phạm chế độ công vụ, công chức và có thái độ ứng xử không chuẩn mực, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính. Đây cũng là các chiêu trò “lót tay”, “bôi trơn”, “ngã giá” “chạy chọt”…

Đúng như nhận xét của PGS.TS Đặng Ngọc Định, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng: Những hành vi đó không còn giới hạn ở thái độ ứng xử nữa. Sâu xa hơn, nó đã thuộc về bản chất con người. Nếu những vấn đề trên không sớm được khắc phục, sẽ gây ra sự trì trệ trong quản lý, vận hành bộ máy Nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở…

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh đánh giá nguyên nhân sự việc xuất phát từ hệ thống quản lý Nhà nước không lành mạnh. Ở đó, họ vừa là “tác nhân” tiếp tay cho tiêu cực, vừa là “nạn nhân” của hệ thống quản lý Nhà nước chưa lành mạnh. Muốn quản trị tốt cần làm trong sạch bộ máy theo hướng công khai, minh bạch… Mặt khác, nếu cho rằng, hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh là biểu hiện của bệnh tham nhũng thì đó lại là vấn đề đáng báo động.

Hẳn vì vậy, mới đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh tổ chức triển khai lễ ký kết chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015.

Đây là dịp để 15.000 công chức tại 7 tỉnh, thành phố đại diện cho 7 vùng theo quy định của Chính phủ là: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; cùng 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ được “chấm điểm” về sự phục vụ của cơ quan Nhà nước trên địa bàn.

Từ đầu năm 2015, người dân đến giao dịch tại 9 văn phòng “một cửa” ở Quảng Trị được hỏi để chấm điểm công chức, dịch vụ qua tin nhắn hoặc cuộc gọi. Đây là tỉnh đầu tiên có hình thức chấm điểm M-Score triển khai tại 9 văn phòng “một cửa” tỉnh Quảng Trị, do HĐND tỉnh phối hợp với một số tổ chức nước ngoài thực hiện. Theo đó, người dân sẽ được hỏi về chất lượng, thái độ phục vụ tại các văn phòng “một cửa” ở tỉnh Quảng Trị thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi.

Việc khảo sát còn được tiến hành thông qua đường dây nóng. Người dân có thể gọi điện đến tổng đài để phản ánh tình hình, chất lượng của dịch vụ công như hài lòng hoặc không, thời gian, thái độ phục vụ… Hy vọng cuối năm 2015 sẽ có kết quả ở Quảng Trị để xem xét, đánh giá khả năng triển khai đại trà trên toàn quốc.

Với chương trình “chấm điểm” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh tổ chức này có 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện là: Cấp giấy chứng minh nhân dân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở.

Ở cấp xã có 3 lĩnh vực cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và chứng thực để điều tra chỉ số hài lòng của công dân khi tiếp cận các dịch vụ công cơ bản, liên quan đến nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội.

Theo các nhà xã hội học, đây sẽ là một kênh thông tin quan trọng để đo lường thái độ phục vụ của các công chức, viên chức trong bộ máy hành chính. Lâu nay, kênh thông tin này không có kết quả hệ thống, minh bạch bởi các hình thức tiến hành thu thập, bệnh thành tích của địa phương cho nên từng có số liệu ảo, 95% công dân hài lòng và tỷ lệ 99,94% cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thử điểm lại một số kết quả chấm điểm bộ máy hành chính công giai đoạn 2011 - 2014 cho thấy, 24% người dân cho hay phải chi thêm tiền để được cấp giấy phép xây dựng, 27% phải chi thêm tiền để học sinh tiểu học được quan tâm hơn và 20% cho rằng, cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng. Các nhóm chỉ số có xu hướng gia tăng là thủ tục xin cấp phép xây dựng, xin cấp sổ đỏ… (năm 2013).

Đến năm 2014, vẫn còn 33% người dân phải lót tay để xin sổ đỏ, 43% lót tay khám chữa bệnh ở bệnh viện công cấp huyện. Khi tổ chức những cuộc chấm điểm, không để phê bình hay kỷ luật cán bộ mà chỉ muốn cơ quan Nhà nước thấy được mặt hạn chế, để khắc phục sớm, không để dân kêu. Nhưng nếu dịch vụ của cơ quan công quyền cung cấp đều tốt, chắc chắn không cần tổ chức điều tra hay chấm điểm nữa.

Thực hiện cuộc điều tra xã hội học đo lường mức độ hài lòng của người dân với 6 loại dịch vụ công thiết yếu trên do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh tiến hành sẽ đặt ra vấn đề xử lý hậu chấm điểm như thế nào?

Chắc rằng các đại biểu Quốc hội về dự kỳ họp thứ 10 vào dịp này sẽ được báo cáo kết quả chấm điểm của 15.000 cử tri xem có bao nhiêu điểm kém giành cho công chức khu vực hành chính công. Tuy nhiên, nếu các địa phương không xử lý các công chức vi phạm như Hà Nội đã làm thì hiệu quả chấm điểm sẽ là điểm liệt.

Bảo Văn

Năng lượng Mới số 446

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc