Có một vụ “kỳ án” ở Hải Dương

07:10 | 09/12/2015

6,539 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không chức tước hay địa vị trong công ty, thế nhưng anh Phạm Văn Tình (ở khu 1, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương) bỗng dưng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. 

Đặc biệt, thời điểm anh Tình bị cáo buộc tội danh lại trùng khớp với thời điểm anh được cơ quan cho nghỉ việc để chữa bệnh động kinh. 

Đã hơn 5 năm trôi qua, đến nay vụ án vẫn chưa đi vào hồi kết. Cho rằng mình bị oan, anh Tình đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương và Trung ương đề nghị làm rõ những khuất tất trong vụ án…(!).

Bài 1: Cuộc điện thoại và 5 năm tìm công lý

Sau cú điện thoại trả lời tư vấn kinh phí kéo tàu vi phạm, anh Tình bị hơn 100 cảnh sát ập đến nhà bắt vì hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Cuộc điện thoại… oan nghiệt

Từ lá đơn kêu oan của anh Tình, chúng tôi tìm về thị trấn Minh Tân - “tâm điểm” của vụ án gây xôn xao dư luận. Đã hơn 5 năm trôi qua, nhưng anh Tình vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi khi nhớ về những ngày mình bị oan khuất. Mặc dù có tiền sử bệnh động kinh, nhưng anh vẫn được Công ty CP Đông Hải 27-7 nhận vào làm công nhân vì bố anh là cựu chiến binh. Công việc thường nhật của anh ở công ty là trông coi bãi tàu, bãi xe tập kết.

co mot vu ky an o hai duong
Hai vợ chồng anh Phạm Văn Tình kể lại diễn biến vụ án với PetroTimes.

Hơn 5 năm trước, ngày 11/6/2010, sau khi nhận được sự phân công của lãnh đạo Công ty CP Đông Hải 27-7, anh Tình cùng với ông Phạm Hải Ninh và ông Trần Văn Tuấn đi làm nhiệm vụ hỗ trợ Đội kiểm tra liên ngành UBND huyện Kinh Môn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hoạt động bơm hút cát sỏi trái phép trên sông Kinh Thầy. Tuy nhiên, một tuần sau đó anh Tình có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn nên đã làm đơn xin nghỉ việc để điều trị bệnh.

Ngày 24/6/2010, Giám đốc Công ty CP Đông Hải 27-7 đã có Quyết định số 20/QĐ-ĐH đình chỉ công tác đối với anh Tình để nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ngày 1/7/2010, anh Tình bị hôn mê bất tỉnh, gia đình đã đưa anh vào Phòng khám Đa khoa Mạo Khê (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để cấp cứu. Sau đó chuyển anh lên Bệnh viện Bưu điện Hà Nội tiếp tục điều trị. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, ngày 9/7/2010, anh Tình được gia đình xin về điều trị ngoại trú. Và chính cái ngày định mệnh này đã cuốn anh vướng vào một vụ án tham nhũng.

Khoảng 10h ngày 9/7/2010, khi anh Tình đang nằm nghỉ ở nhà thì có cuộc điện thoại yêu cầu Công ty CP Đông Hải 27-7 cho tàu ra Phà Mây kéo tàu vi phạm về bãi. Do tình trạng sức khỏe chưa có gì khả quan, nên anh Tình trả lời rằng đang bị bệnh nằm tại nhà không thể đi làm việc được. Tuy nhiên, người này gọi điện đến hỏi tiếp là nếu kéo tàu từ Phà Mây về bãi Phúc Thành thì chi phí khoảng bao nhiêu. Anh Tình trả lời trong cơn mê sảng: “Khoảng 5 triệu đồng gì đó, cụ thể như thế nào thì anh báo về công ty. Tôi không biết”.

Nội dung cuộc điện thoại chỉ có thế, nhưng đến tối cùng ngày, Công an huyện Nam Sách đã huy động hơn 100 chiến sĩ cảnh sát ập vào nhà riêng đập khóa, phá cửa, đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với anh Tình. Kèm với đó là quyết định khởi tố anh về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

“Trước khi cảnh sát ập đến bắt tôi, có mấy người lạ mặt cởi trần, mặc quần đùi dùng xà beng đập phá cửa. Biết những kẻ này cố tình gây sự nên người thân của tôi âm thầm báo công an đến giải quyết. Tuy nhiên, không thấy Công an thị trấn Minh Tân hay Công an huyện Kinh Môn đến trợ giúp, mà hơn 100 cảnh sát huyện Nam Sách đến bắt tôi. Chính những người gây sự trước đó lại xuất hiện trong trang phục cảnh sát…” - anh Tình cho hay.

Theo lời anh Tình, sau khi bị bắt anh được đưa về trụ sở Công an huyện Nam Sách giam giữ 12 ngày. Sau đó bị chuyển đến nhà tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, rồi nhà tạm giam Bộ Công an. Cho đến ngày 13/12/2010, anh Tình mới được tại ngoại vì bệnh tình mỗi ngày một nặng hơn. Quyết định do Trưởng Công an huyện Nam Sách ký, tách bị can Phạm Văn Tình thành vụ án riêng, chờ điều trị bệnh xong sẽ xử lý. Riêng hai người được cho là đồng phạm với anh Tình là Phạm Văn Cơ (41 tuổi, ở xã Thăng Long, huyện Kinh Môn) - cán bộ Hạt giao thông huyện Kinh Môn, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành cùng đồng phạm và Phạm Hải Ninh (40 tuổi, ở TP Hải Dương) đã bị truy tố ra trước tòa và cả hai cũng chấp hành xong bản án.

“Mặc dù tôi không hề liên quan đến vụ án cưỡng đoạt tài sản hay lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà cơ quan điều tra đã khởi tố đối với Phạm Văn Cơ cùng đồng phạm. Chỉ vì câu trả lời chung chung qua điện thoại về mức chi phí kéo một chiếc tàu vi phạm trong trạng thái không được minh mẫn mà tôi vướng vào vòng lao lý. Tôi bị bắt giam, sống khổ cực trong nhà giam hơn 5 tháng, ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự và công việc, gia đình điêu đứng” - anh Tình tâm sự.

Phạm tội không đúng chủ thể hành vi

Từ khi được tại ngoại đến nay, ngoài thời gian điều trị tại bệnh viện, anh Tình đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng để kêu oan. Tuy nhiên cho đến giờ, đã hơn 5 năm trôi qua vụ án vẫn chưa đi đến hồi kết. Anh Tình vẫn như người bị án treo vì quyết định khởi tố vụ án vẫn còn hiêụ lực, bản thân thì mới chỉ được tại ngoại. Có tội hay không có tội vẫn là câu hỏi đầy bí ẩn đối với chính anh Tình và người dân Kinh Môn (!?).

Để rõ hơn vụ án, chúng tôi đã tìm đến chủ tàu bị Lực lượng liên ngành Kinh Môn bắt giữ năm xưa. Theo ông Nguyễn Đức Diệp - Chủ tàu HD 0639 vi phạm trong ngày 9/7/2010, ông đưa tiền cho một người tên Cơ trong Tổ công tác liên ngành hôm đó chứ không phải anh Tình và đó là tiền thuê tàu của Công ty CP Đông Hải 27-7 kéo tàu của ông về bãi tập kết.

co mot vu ky an o hai duong
Thông báo bắt khẩn cấp và tạm giam bị can của Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách.

Bản thân ông Diệp cũng rất bất ngờ khi Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách khởi tố anh Phạm Hải Ninh là đồng phạm với Phạm Văn Cơ. Lý giải về việc này, ông Diệp khẳng định, trước, trong và sau thời điểm tàu của ông bị lực lượng liên ngành bắt giữ, ông không hề gặp ai tên Ninh. Bản thân ông cũng không biết Ninh là ai…? Điều này cũng thể hiện ngay trong đơn trình bày của ông Diệp gửi các cơ quan điều tra. Nếu anh Ninh cưỡng đoạt số tiền 5 triệu đồng của ông Diệp, thì tại sao vị chủ tàu này lại nhất quyết khẳng định hành động đưa tiền cho Tổ công tác liên ngành là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc và đó là tiền thuê kéo tàu.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý về việc khởi tố anh Tình, hầu hết các luật sư đều cho rằng, việc khởi tố và bắt tạm giam anh Tình về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ. Bởi chủ thể của tội này chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Bản thân anh Tình không phải là đối tượng thuộc chủ thể này. Vì theo quyết định của Giám đốc Công ty CP Đông Hải 27-7, anh Tình được cử tham gia Đội liên ngành với trách nhiệm phối hợp.

Cụ thể là điều khiển phương tiện tuần tra, kiểm soát trên sông, áp tải, trông giữ và bảo quản phương tiện vi phạm. Anh Tình không có những quyền hạn của Đội kiểm tra liên ngành như kiểm tra, xử phạt, thu tiền phạt các phương tiện vi phạm. Hơn nữa, tại thời điểm diễn ra sự việc, anh Tình đang trong lúc bị tạm đình chỉ công tác để điều trị bệnh, không có trách nhiệm trong việc phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành, cũng không hề có mặt tại nơi xảy ra sự việc.

Mặt khác, anh Tình không thực hiện các hành vi lạm dụng quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, không có hành vi chỉ đạo, điều hành công việc bằng điện thoại nhằm chiếm tài sản chủ tàu. Điều vô lý nhất là chuyện ông Cơ lại phải hỏi ý kiến và nghe theo sự điều hành của anh Tình. Trong khi anh Tình không hề có trách nhiệm, thẩm quyền gì trong việc xử phạt vi phạm.

Điều này cũng thể hiện rõ qua lời khai của các bị cáo, người liên quan tại phiên tòa xét xử Phạm Văn Cơ và Phạm Hải Ninh diễn ra sáng 17/1/2014. Bị cáo Cơ khai rằng, sau khi nhận 5 triệu đồng của chủ tàu sẽ đưa cho Lương Văn Đủ (51 tuổi) - Kiểm soát viên Hạt Quản lý đê Kinh Môn nộp về kho bạc. Bản thân Đủ cũng xác nhận lời nói của Cơ là đúng. Thế nhưng, mọi lời khai trước tòa đều bị “bỏ qua”.

Chính những mâu thuẫn trong vụ án khiến nhiều người thắc mắc, kết luận của Công an huyện Nam Sách đối với anh Tình như vậy liệu có đảm bảo căn cứ đúng theo pháp luật và có đảm bảo công bằng đối với công dân hay không? Gia đình anh Tình cũng như dư luận xã hội đang chờ sự vào cuộc, xem xét, giải quyết, của các cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Hải Dương để vụ việc có hồi kết minh bạch…

(Còn nữa)

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc