Có “khu ổ chuột” trong Học viện Báo chí và Tuyên truyền (?!)

09:39 | 24/12/2013

7,472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ký túc xá luôn là mơ ước của mỗi sinh viên khi rời xa quê lên thành phố học tập. Tuy nhiên, nhiều tân sinh viên không thể tưởng tượng được về điều kiện sinh hoạt và cơ sở vật chất khó khăn ở khu ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Những sinh viên của trường vẫn thường gọi đó là "khu ổ chuột"...

Được biết đến với cái tên Ký túc xá “ổ chuột”, khu ở của các bạn sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền khiến nhiều người phải giật mình vì cơ sở vật chất tạm bợ, ngày càng xuống cấp ảnh hưởng khá nhiều tới các hoạt động sinh hoạt, học tập của sinh viên.

 

Dãy nhà E7, E8 được lợp bằng mái tôn xi măng

Nơi ở ẩm thấp, nóng bức vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông - đó là đặc điểm mà mỗi sinh viên đang trú tại ký túc xá miêu tả về nơi ở của mình. Bên cạnh những nhà tầng khang trang như E2, E3, E4, E5, E6, ở đây vẫn xuất hiện những dãy nhà cấp 4 lợp tấm lợp prôxi măng thuộc nhà E1, E7, E8.

Hơn nữa, theo thông tin các bạn sinh viên ở đây cho biết, phòng ở cả ba dãy này vào mùa hè thường rất ngột ngạt, oi bức, mùa mưa lại ẩm thấp làm các loại ký sinh như chuột, muỗi, gián cư ngụ.

Đi dọc hành lang có thể thấy các căn phòng ở đây đã xuống cấp trầm trọng, dột nát và ẩm thấp. Khi hỏi về điều kiện sống ở đây, một bạn nữ sống trong dãy nhà E1 ký túc xá cho biết: “Dãy nhà nơi em ở rất là hôi và nhiều chuột. Có hôm đang ngủ, chuột chui vào chăn, em sợ  khiếp vía…”. Trong ký túc xá còn có cả trường hợp một bạn nam bị chuột gặm ngón chân, thậm chí chuột còn sống trong tủ quần áo… Mỗi đêm, khi các phòng tắt hết đèn thì chuột lại xông ra hoành hành.

Dạo qua một số phòng ở dãy nhà E7, E8 chúng tôi không khỏi bất ngờ, trần các phòng được ốp bằng nhựa từ khá lâu nên hiện tại đã ố vàng, có nơi bị bong tróc, cong vênh, có phòng thì trần nhà có vết thủng rất lớn do lớp nhựa đã bung ra. Dù thời gian gần đây biết được điều kiện như vậy ban quản lý ký túc xá có chát lại các vết thủng nhưng chẳng ăn thua.

Chật chội, ẩm thấp, dột nát đã trở thành điều kiện sống lí tưởng cho chuột, gián và muỗi

Chia sẻ về cuộc sống tại đây, bạn Trần Văn Hồ, sinh viên K31 khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Như anh thấy đó, nơi ở của chúng em khá chật, mọi người không có tủ đồ riêng nên phải phơi và treo quần áo đầy trong nhà, ngoài sân. Bên cạnh đó, do phòng ẩm thấp nên ánh sáng phục vụ cho việc học tập không được đảm bảo, ngày bình thường trong khi ngoài trời rất sáng nhưng trong phòng vẫn phải bật đèn để học”.

Chuột bọ từ những thùng rác ngoài sân chạy vào phòng của sinh viên và ngang nhiên "oanh tạc"

Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, mỗi phòng tại đây rộng khoảng chừng 13 mét vuông, đủ kê 4 chiếc giường tầng và chừa một lối đi hẹp.

Đặc biệt hệ thống thoát nước kém, khiến mùi cống rãnh thường xuyên bốc lên tạo thành mùi đặc trưng của Ký túc xá, một số sinh viên cho biết thêm: “Nếu thời tiết bình thường thì không sao, nhưng trời cứ hôm nào nắng to thì mùi khai hôi thối đằng sân giếng, bốc vào rất khó chịu.”

 

Khu vệ sinh chung ngoài trời tồi tàn, bẩn thỉu

Nhà vệ sinh chung: cửa không có khóa chốt trong và nền nhà vệ sinh bị bong tróc

Nhiều người cũng phàn nàn về khu vệ sinh chung của Ký túc xá. Hai dãy nhà E7, E8 chung nhau bể nước, bốn nhà vệ sinh và hai nhà tắm. Các bạn sinh viên ngoài dùng nguồn nước đó nấu nướng, còn phải sử dụng làm khu tắm giặt chung. Cứ độ khoảng 5 – 7 giờ tối tại đây luôn chật cứng người, mùa đông còn đỡ chứ vào mùa hè có nhiều bạn phải đợi rất lâu mới đến lượt mình để tắm.

Những khu nhà ký túc xá mới xây dựng cũng nhếch nhác không kém

Được biết, từ lâu đã có thông tin rằng Ban quản lý Ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ xây lại các khu nhà cấp 4, nhà vệ sinh chung nhưng vài năm đã trôi qua mà chưa thấy thông tin đó thành hiện thực.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ có những sinh viên có điều kiện hạn hẹp về tiền trợ cấp gửi lên từ gia đình mới đành chịu ở lại ký túc xá của trường, rất nhiều bạn đã tìm cách kiếm việc làm thêm và xin thêm tiền trợ cấp từ gia đình để đi thuê phòng trọ bên ngoài.

Nguyễn Hoan