Cách mạng Công nghiệp 4.0:

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

06:50 | 01/05/2017

1,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang ở giai đoạn đầu và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, cũng như thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể có những bước tiến ngoạn mục.
co hoi va thach thuc cho viet nam
Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau.

Ngày 11/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nhằm cung cấp tới các doanh nghiệp và các tổ chức góc nhìn toàn cảnh về xu thế và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với chiến lược phát triển của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0, với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất, dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới vạn vật kết nối Internet, trí tuệ nhân tạo… CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa”.

Nói cách khác, bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định, đây chính là cơ hội tốt mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển Khoa học - Công nghệ phù hợp, thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc CMCN 4.0 là rất lớn.

Cũng tại diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện vẫn đang trong cả 3 cuộc cách mạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba và CMCN 4.0 sẽ là cơ hội tốt để chúng ta tiến lên. Việt Nam hoàn toàn có thể tiến lên và đi đầu trong cuộc CMCN 4.0 chỉ cần có cách tiếp cận đúng đắn. Bởi vậy, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị hợp lý, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh...

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các Bộ, ngành cần tăng cường nhận thức về CMCN 4.0. Thủ tướng nhấn mạnh: “Toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0; tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.

Theo Thủ tướng, chỉ khi có nhận thức đúng đắn về bản chất của CMCN 4.0, thì mới có cách ứng xử và đề ra định hướng phát triển phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cần phải nói cho mọi người biết rằng, CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các viện nghiên cứu, trước hết là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

CMCN 4.0 mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam, bởi nó không nhằm vào công nghiệp mà hướng tới công nghệ số, ứng dụng những tiến bộ vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực trong xã hội.

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ 2.200 USD (theo Standard & Poor), nhưng lĩnh vực Internet và truyền thông của Việt Nam phát triển rất nhanh. Thống kê của Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số. Theo trang web “We are social”, Việt Nam đứng thứ tư thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội.

Được biết, có tới 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động. Khi sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, bạn có thể dễ dàng cập nhật các thông tin thời sự xã hội tại Việt Nam, cũng như trên thế giới. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt vé máy bay, gọi taxi giá rẻ hay sử dụng mạng xã hội... Việt Nam đang được hưởng lợi từ những công nghệ mới nhất của thế giới trong lĩnh vực công nghệ số. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN 4.0.

T.Quân (Tổng hợp)