Ứng dụng Internet vạn vật

Cơ hội & thách thức

08:15 | 14/04/2018

860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Internet vạn vật (IoT) là cơ hội lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Nhưng trên thực tế, việc áp dụng IoT đang gặp nhiều khó khăn như: Có rất ít sáng kiến vượt qua giai đoạn thử nghiệm; mô hình kinh doanh khó duy trì hạ tầng IoT lâu dài…

IoT là nền tảng của công nghiệp 4.0

Những năm gần đây tại Việt Nam, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đã quan tâm nhiều đến IoT, bởi đây là nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, khi việc áp dụng công nghệ cao đã len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống, từ giao thông, nông nghiệp, năng lượng cho đến an ninh. Hàng tỉ thiết bị đã được kết nối với nhau, mở ra cơ hội thay đổi nhiều hoạt động kinh tế.

IoT được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2018, trong đó các ngành bán lẻ, chăm sóc y tế và chuỗi cung ứng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Theo ước tính của các chuyên gia công nghệ thông tin, IoT sẽ chứng kiến gần 50 tỉ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020, tương đương với việc mỗi người trên thế giới sẽ có 6 thiết bị kết nối.

co hoi thach thuc
co hoi thach thuc

Ông Trần Xuân Đích

Ông Nguyễn Thế Trung

Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Internet vạn vật - Từ truyền thông đến hiện thực” mới đây, ông Trần Xuân Đích - Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: IoT chính là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. IoT đã thâm nhập rộng rãi vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển trên nền IoT còn rất lớn và những thành tựu các nước đạt được hiện nay chưa tương xứng. Riêng tại Việt Nam, Chính phủ cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này và bước đầu chúng ta đã có những thành công từ cuộc cách mạng số này đem lại.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã biết sử dụng IoT làm đòn bẩy phát triển. Nhưng phần lớn các dự án thử nghiệm sử dụng IoT mới chỉ tập trung vào một số ý tưởng khá giống nhau. Đơn cử như: Ứng dụng IoT của khối cơ quan Nhà nước vẫn còn trong thời kỳ sơ khai và phần lớn các dự án mới chỉ tập trung vào hệ thống đèn đường thông minh, quản lý giao thông vận tải, xử lý rác thải rắn hay an ninh công cộng. Do vậy, hiệu quả mang lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng với những tiềm năng của IoT.

Cần có chính sách và hạ tầng phù hợp

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng IoT trong các doanh nghiệp rất quan trọng nếu không muốn tụt hậu so với thế giới. Nhưng khi IoT trở nên phổ biến hơn, cơ chế chính sách cần được cải tiến bởi cách nhìn cởi mở hơn từ các nhà hoạch định chính sách.

co hoi thach thuc

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT cho biết: Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì thách thức khi các nước bắt đầu áp dụng công nghệ mới như IoT là hiệu quả đầu tư, bởi vì hiệu quả chưa được rõ ràng nên các mô hình đầu tư chưa được hoàn toàn khả thi và nhân rộng trên thế giới. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện để mở đường cho công nghệ phát triển, chứ không nên chờ đợi việc xây dựng xong thể chế, tránh dẫn đến tranh chấp mà điển hình là câu chuyện của Uber, Grab thời gian qua.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cũng hết sức cấp bách. Nếu công nghệ phát triển quá nhanh trong khi trình độ, kỹ năng của người sử dụng không thể đáp ứng kịp sẽ dẫn đến tình trạng nhiều lao động mất việc làm và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Còn nếu kỹ năng của người sử dụng được nâng cao, tuy nhiên lại không có máy móc, công nghệ hiện đại để áp dụng thì sẽ gây ra tình trạng lãng phí. Do đó để việc đầu tư thật sự tạo được hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành cần có những chính sách để phát triển hài hòa giữa công nghệ và kỹ năng.

“Doanh nghiệp là đối tượng đưa ra lời giải tốt nhất cho chuyển đổi số, vì họ phải giải bài toán kinh doanh, sẽ xem xét giải pháp có phù hợp hay không, hiệu quả hay không mới bỏ tiền đầu tư. Vì vậy, nếu có nhiều doanh nghiệp đi vào chuyển đổi số nhanh thì đất nước sẽ được hưởng lợi. Đồng thời, cần đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với IoT, vì hiện Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động, dân số trẻ. Việc triển khai các công nghệ mở sẽ mang lại hiệu quả to lớn, có thể tích hợp với thế giới” - ông Trung cho biết thêm.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển nên muốn thu hẹp được khoảng cách với các nước khác trên thế giới thì còn rất nhiều việc cần phải làm đối với cả Chính phủ và các doanh nghiệp cũng như người dân. Vì vậy, để có thể làm chủ được công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, trước tiên cả Chính phủ và doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức và hành động.

Trang mạng Business Insider dự đoán nguồn vốn đầu tư vào các giải pháp IoT trên toàn thế giới sẽ chạm mức 6.000 tỉ USD vào năm 2021. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổ tiền vào khai thác tiềm năng của IoT nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách hàng.

Đông Nghi - Song Nguyễn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc