Cơ cấu giá điện được xây dựng đúng quy định

21:58 | 29/09/2015

876 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Viện sỹ, GS.TSKH Trần Đình Long, cơ cấu giá điện theo Đề án cải tiến cơ cấu giá điện vừa được EVN xây dựng về cơ bản là đúng quy định của Luật Điện lực.
co cau gia dien duoc xay dung dung quy dinh
Ảnh minh hoạ.
co cau gia dien duoc xay dung dung quy dinh Xây dựng biểu giá điện cần tính đến những yếu tố nào?
co cau gia dien duoc xay dung dung quy dinh Giá điện nên theo giá bậc thang
co cau gia dien duoc xay dung dung quy dinh Xây dựng giá điện cần ưu tiên người nghèo

Chiều ngày 29/9, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Giá điện bán lẻ: Hài hoà lợi ích các bên”. Buổi toạ đàm sự tham dự của ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Viện sỹ, GS.TSKH Trần Đình Long-Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam và ông Hoàng Văn Tuỳ-Phó Trưởng Ban Tài chính Kế toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại buổi toạ đàm, trả lời câu hỏi về cơ sở đưa ra mức giá bán điện bình quân cho các nhóm khách hàng là 1.622,01 đồng/kWh, ông Tuấn cho hay: Việc điều chỉnh giá bán điện thực hiện từ ngày 16/3 được thực hiện theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ quy định về giá bán điện theo cơ chế giá thị trường. Cơ sở để Bộ Công Thương xem xét giá bán lẻ điện năm 2015 được thực hiện trên cơ sở báo cáo kiểm tra giá thành kinh doanh điện năm 2013, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2014 và kế hoạch sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN.

Báo cáo giá thành kinh doanh điện năm 2013 thì đã được tiến hành kiểm tra, kiểm toán độc lập và sau khi có kết quả, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức một tổ kiểm tra liên ngành gồm đại diện của Bộ Công Thương, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức đoàn thể khác tham gia vào đoàn kiểm tra giá thành sản xuất năm 2013. Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của đoàn, Bộ Công Thương đã hoàn chỉnh và xin ý kiến của các Bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để kiểm tra lại kết quả giá thành.

Trong quá trình tính toán giá điện áp dụng cho năm 2015, theo ông Tuấn, các cơ quan liên quan có nghiên cứu, đánh giá tác động của giá điện khi tăng giá điện có ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung của nền kinh tế, của đời sống nhân dân thông qua các chỉ số như GDP, CPI... Sau khi có kết quả này, các Bộ cũng đã phối hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương đã xem xét tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 1.622,01 đồng/kWh.

“Với quy trình này chúng ta có thể nhìn nhận thấy là chúng ta đã thực hiện điều chỉnh cơ chế giá bán lẻ điện theo đúng cơ chế thị trường”-ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, giá thành sản xuất điện được tính toán, kiểm tra trên cơ sở chi phí của 4 khâu là phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ và phụ trợ. Trong các khoản chi phí này thì chi phí phát điện là chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, chiếm khoảng 78%. Việc tính toán các khoản chi phí này được tính toán thuần tuý dựa trên báo cáo sản xuất kinh doanh điện của EVN. Trong báo cáo này, EVN không được đưa các khoản chi phí trong các khâu hoạt động ngoài ngành cũng như các khâu không liên quan đến hoạt động sản xuất của ngành điện.

Xung quanh những thắc mắc về vấn đề có hay không chuyện tính chi phí xây sân tenis, bể bơi... vào giá thành điện hay không, ông Tuấn khẳng định “những chi phí này không được tính toán vào giá thành sản xuất điện và đương nhiên không được tính toán vào giá điện mà chúng ta vừa tiến hành thay đổi”.

co cau gia dien duoc xay dung dung quy dinh
Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Là người trực tiếp tham gia xây dựng Luật Điện lực, Viện sỹ, GS.TSKH Trần Đình Long cho hay: Giá điện là một vấn đề rất quan trọng và tại chương IV về Thị trường điện lực đã dành hẳn một mục để nói về giá điện quy định về chính sách giá điện, cơ chế xây dựng giá điện...

Theo đó, giá điện phải được thực hiện trên cơ sở giá thị trường điện cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước. Giá điện phải đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho các đơn vị tham gia hoạt động điện lưc, phải đảm bảo việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên của đất nước, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, phải đảm bảo việc sử dụng điện một cách tiết kiệm điện và hiệu quả.

Còn về cơ cấu hay căn cứ điều chỉnh giá điện thì được quy định tại Điều 29 Luật Điện lực. Căn cứ này trước tiên phải dựa theo chính sách giá điện ở trên và thứ 2 là phải tính toán làm thế nào cho các đơn vị điện lực tham gia hoạt động điện lực có lợi nhuận để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Và thứ nữa, nó phải đảm bảo hài hoà lợi ích cung-cầu, tức phải làm sao cầu không vượt quá khả năng cung ứng. Thứ tư là phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội mà cụ thể là phù hợp với khả năng chi trả của người dân theo mức sống của họ. Cuối cùng là đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Về quy trình thay, phê duyệt biểu giá điện thì phải xuất phát từ các đơn vị hoạt động điện lực. Những phương án này sẽ được trình Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực thẩm định, tư vấn, xem xét tư vấn Bộ trưởng để Bộ trưởng trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án giá điện.

Nói cụ thể về Đề án cơ cấu giá điện, Viện sỹ, GS.TSKH Trần Đình Long đưa quan điểm: Việc xây dựng Đề án về cơ bản đã đáp ứng được quy trình, quy định của Luật Điện lực về việc thay đổi biểu giá điện. Tuy nhiên về chi tiết cụ thể thì vẫn còn có những điểm cần làm rõ hơn xem tư tưởng của Luật đã thể hiện trong từng phương án ra sao?

Trả lời câu hỏi về vấn đề điện là một loạt hàng hoá, trong khi những loại hàng hoá khác mua nhiều thì được giảm giá còn điện thì không, Viện sỹ, GS.TSKH Trần Đình Long nói: Điện năng là một loạt hàng hoá đặc biệt, kinh doanh điện năng cũng là loại hình kinh doanh đặc biệt, không giống như các loại hàng hoá khác. Với các mặt hàng khác, người ta kêu gọi mua càng nhiều thì càng được giảm giá nhưng điện thì không. Vì sao lại như vậy? Vì nó liên quan đến 2 yếu tố rất quan trọng mà Luật Điện lực đã quy định là đảm bảo khai thác hợp lý tài nguyên và không gây tác động xấu cho môi trường. Việc khuyến khích sử dụng điện như vậy là hoàn toàn trái ngược với tinh thần mà Luật Điện lực đề ra.

“Chúng ta phải thấy rằng, những tài nguyên mà chúng ta sử dụng sản xuất điện hiện nay nói chúng là những nguồn năng lượng hữu cơ, cạn kiệt rất nhanh. Trong khi, các nguồn năng lượng thì chúng ta lại không có tiền và cũng không có công nghệ để thay thế năng lượng hữu cơ. Thứ nữa, sử dụng càng nhiều năng lượng thì vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày nghiêm trọng”-Viện sỹ, GS.TSKH Trần Đình Long nhấn mạnh.

Cũng tại buổi toạ đàm, đại diện Cục Điều tiết Điện lực, EVN đã thông tin về những cơ sở căn cứ xây dựng các phương án giá điện được đưa ra trong Đề án cải tiến cơ cấu giá điện. Theo đó, các ý kiến đều khẳng định việc xây dựng các phương án giá điện đều được căn cứ theo những số liệu đã được các cơ quan chức năng thẩm tra, kiểm toán. Các phương án này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu, lấy ý kiến trong xã hội trước khi báo cáo Chính phủ. Phương án giá điện được chọn sẽ phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên và phải tuân thủ các quy định hiện hành và không làm tăng giá điện bình quân.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps