Chuyện về những chú “cẩu” ở Trường Sa

06:50 | 04/02/2014

2,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi khi Xuân về, chúng tôi lại bồi hồi nhớ về một chuyến công tác ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Chia tay với Trường Sa mà trong mỗi chúng tôi luôn in đậm về hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ngày đêm phải vượt qua bao khó khăn, vất vả, hy sinh để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, canh giữ cho cuộc sống yên bình của cả dân tộc ở phía sau. Đặc biệt là chuyện của những chú chó (cẩu) trên quần đảo.

Mặc dù đã được Bộ tư lệnh Hải quân bố trí trên con tàu chuyên chở khách ra đảo vào thời điểm đầu năm ít những con sóng lớn nhưng đa số thành viên trong gần 200 “hành khách” chúng tôi từ những cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa vẫn không tránh khỏi bị say sóng, nhiều người nằm bẹp trên giường, sợ không ăn được cả cháo, một số chị em thậm chí còn phải tiếp nước... Tuy nhiên, sau gần hai ngày lênh đênh trên biển, xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, tàu chúng tôi đã cập được vào đảo Trường Sa Lớn.

“Không xa đâu Trường Sa ơi!” chẳng ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều bừng tỉnh như vừa qua một giấc mơ. Ai nấy đều quên hết mệt mỏi, phấn khởi chuẩn bị hành trang, chị em thì tranh thủ trang điểm, nóng lòng chờ lệnh cho phép lên bờ. Chúng tôi được lên đảo Trường Sa Lớn một ngày để làm việc, thăm, tặng quà quân và dân đảo, được ăn trưa và nghỉ tại đảo, buổi tối được tham dự buổi giao lưu văn nghệ thật đầm ấm tình quân dân. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống, công tác của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng cùng một số hộ dân trên đảo, chúng tôi đều cảm động và khâm phục. Trước phong ba, bão táp, ảnh hưởng của hơi nước biển nhưng màu xanh của cây cối trên đảo vẫn vươn lên hiên ngang như thách thức với thiên nhiên, minh chứng cho sự kiên cường của cả một dân tộc có bề dày truyền thống chống thiên tai và giặc ngoại xâm.

Những ngày tiếp theo, con tàu lại đưa đoàn chúng tôi đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ các đảo khác. Tại một số đảo nổi diện tích tương đối rộng nên bộ đội còn có điều kiện chăn nuôi, tăng gia thêm góp phần cải thiện bữa ăn, trong khi việc cung cấp thực phẩm và rau tươi còn nhiều hạn chế, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng tại các đảo chìm thì việc chăn nuôi, tăng gia là rất khó khăn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, nhiều động vật và các loại rau được nuôi, trồng bằng các hình thức đặc biệt để tránh gió, bão, nước biển. Khỏi phải nói, bộ đội trên đảo tuy chẳng qua trường lớp đào tạo cơ bản về nông nghiệp nhưng “tự học” đã làm được nhiều điều kỳ diệu, đã làm nên những vườn rau được trồng trong những thùng nhựa, che chắn cẩn thận, thậm chí phải “cơ động” được thường xuyên để “tránh” bão và gió biển.

Các chiến sĩ Biên phòng và các chú chó nghiệp vụ trên đảo Trường Sa Lớn.

Nhìn những vườn rau trên đảo chìm tuy nhỏ mới thấy “của một đồng” nhưng “công” thì phải “hàng chục nén”, nhiều khi anh em chỉ dám nấu canh rau chứ không dám xào, luộc ăn xả láng như trên đất liền. Tuy nhiên, một điều thật kỳ lạ mà chúng tôi nhận thấy trên các đảo mặc dù điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt nhưng các chú “cẩu” trông rất khỏe mạnh, lanh lợi chạy nhảy nô đùa cùng bộ đội. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm nhiều điều thú vị về những chú “cẩu” này.

Họ hàng nhà “cẩu” có mặt tại đảo rất đa dạng, dường như từ đủ các vùng quê trong cả nước, từ giống to đến nhỏ. Mặc dù thức ăn không phong phú chủ yếu chỉ có cơm thừa và diện tích không rộng, nhất là tại các đảo chìm như ở đất liền, nhưng nhờ những bàn tay cán bộ, chiến sĩ chăm nom mà các chú “cẩu” lớn nhanh trông thấy, sinh sôi nhiều thế hệ trông thật vui mắt. Nghe bộ đội kể lại, nhiều con lớn còn biết “dạy” những con khác tự kiếm thức ăn bằng cách bơi ra bờ san hô bắt cá tươi mang về.

Những chú “cẩu” ở trên đảo xem ra giúp bộ đội được khá nhiều việc như canh, giữ đảo, nhất là những chú “cẩu” của Bộ đội Biên phòng trên đảo Trường Sa Lớn nhờ có các giác quan thiên phú, thậm chí “thịt cẩu” là món ăn khoái khẩu giàu chất đạm làm tăng khẩu phần bữa ăn. Mọi động tĩnh, nhất là về ban đêm đều được các chú phát hiện từ xa. Quả thật “chó không chê chủ nghèo”, con vật trung thành vào loại bậc nhất luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Những “vị khách” đến thăm đảo sau khi được “chủ” giới thiệu thì các chú quen ngay và quấn quýt nô đùa như những người thân. Ngoài tình thương đồng đội, tinh thần quyết tâm rèn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu giữ vững biển, đảo của Tổ quốc thì những chú “cẩu” dường như cũng là niềm vui không nhỏ, giúp các anh vợi bớt nỗi nhớ quê hương, thêm chắc tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ đứng vững “nơi đầu sóng”.

Dường như cũng thấu hiểu được tấm lòng của chủ, các chú "cẩu" rất nhiệt tình cùng bộ đội tham gia luyện tập, tăng gia, sinh hoạt như những “công dân” đích thực trên đảo. Thật khó có thể tưởng tượng nổi nếu trên đảo vắng những “công dân tý hon” này thì cuộc sống sẽ thấy như xa với đất liền hơn. Nhiều đảo, khi ca nô đưa khách không cập vào bờ được do sóng lớn nên bộ đội phải bơi ra dùng dây kéo vào bờ nhưng nhiều chú “cẩu” cũng chạy ra sủa như muốn “cổ vũ” tiếp thêm sức mạnh cho các anh.

Xa đảo, xa các anh để về tàu lớn cách đó hàng trăm mét, bên cạnh cán bộ, chiến sĩ lội ra mép nước lưu luyến tiễn đoàn, những chú “cẩu” cũng rất “mến khách” chạy ra sủa vang như muốn gửi lời chào đất liền, gửi lời hứa cùng anh em giữ biển, đảo của Tổ quốc thân yêu. Nhiều con còn lao xuống biển, bơi theo ca nô ra gần tàu lớn mới chịu quay về đảo, dường như cũng muốn gửi gắm điều gì về đất mẹ. Trở về đất liền, hình ảnh các anh cùng những chú “cẩu” vẫn còn lưu mãi trong tâm trí nhiều người trong đoàn. Nhìn những chú "cẩu" trên đảo, chúng tôi như nhớ về những miền quê yên bình, càng nghẹn ngào mong chia sẻ nhiều hơn với những khó khăn, vất vả mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa thân yêu đã và đang phải trải qua, càng mong có nền hòa bình ổn định để đất nước nhanh cất cánh bay lên.

Theo Báo Quân đội nhân dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc