Chuyện về làng nuôi ngựa đua Đức Hòa

08:53 | 22/05/2011

2,764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vùng Đức Hòa, tỉnh Long An là nơi nổi tiếng về huấn luyện ngựa đua. Nơi đây được nhiều người biết đến như một cái nôi của nghề nuôi ngựa đua, chuyên luyện ngựa đem đi thi đấu tại trường đua Phú Thọ. Nhiều thế hệ ngựa “chiến” đã xuất thân từ vùng này.

Chọn ngựa dựa vào… khai sinh

Về Đức Hòa để tìm hiểu về nuôi ngựa đua mới thấy cái thú chơi ngựa đua phổ biến như thế nào ở vùng đất này. Không hổ danh là vùng nuôi ngựa đua nhiều nhất nước. Ở đây hầu như nhà nào cũng nuôi ngựa đua và các thế hệ ngựa đua cũng nối tiếp từ đời này qua đời khác.

Ban đầu, tôi ngạc nhiên, cứ tưởng nghe lầm khi anh Phạm Quốc Minh, một chủ ngựa đua ở ấp Bình Hữu 1, Đức Hòa Thượng, Đức Hòa, Long An nói đến chuyện chọn ngựa trước tiên phải xét khai sinh của nó, xem cha là ai, mẹ là ai. Anh kể vanh vách khai sinh 2 anh em ngựa đua anh đang nuôi là Hồng Lan, (6 tuổi) và Hồng Nam, (3 tuổi) được sinh ra từ ngựa cha Thoại Phong nổi tiếng một thời với những cú nhảy đường ngắn, hay “ăn” cả ngựa “trùm” và ngựa mẹ là Thu Yến cũng từng được dự cúp, dự hội.

Ban tổ chức trao tượng lưu niệm cho ông Ba Thắng, chủ ngựa Hà Thanh đoạt giải Nhất ở Hội đua ngựa năm 1974

Các chủ ngựa rất quan trọng dòng, giống của ngựa vì theo kinh nghiệm nuôi ngựa đua lâu đời cho thấy, nếu ngựa cha, ngựa mẹ đều hay thì sẽ đẻ con hay. Khi mới sinh ra ngựa đua được các chủ ngựa đăng ký để làm giấy khai sinh, trong giấy phải ghi rõ tên ngựa, năm sinh, giống (đực, cái), màu sắc, đặc điểm nhận diện, tên ngựa cha, ngựa mẹ và tên chủ ngựa. Khai sinh dùng để ghi lại dòng, giống của ngựa và dùng để đăng ký cho ngựa tham dự vào các cuộc đua, tìm kiếm ngựa bị đánh cắp, tráo đổi.

Theo các chủ ngựa đua, ngoài yếu tố chọn ngựa dựa vào dòng, giống thì còn phải xem tướng, lông, xoáy… Ngựa “tài” thường có mặt xương dài, tai nhỏ dựng đứng, cao to, cơ bắp nở nang, đòn dài, lông sát bóng mượt. Người nuôi ngựa thường kỵ ngựa có các xoáy “xui” như: Hậu tán môn, hậu thi, thừa đưng. Theo kinh nghiệm của người nuôi ngựa đua xưa truyền lại, ngựa có xoáy hậu thi thì “tiền đi không có tiền về”; hậu tán môn “tiền chôn có chỗ đụng chuyện rồi cũng như của đổ xuống sông”, ngựa có xoáy thừa đưng thì hay hất nài té rất nguy hiểm.

Ngoài ra, việc đặt tên cho ngựa đua cũng rất quan trọng, trong cái tên của ngựa đua, chủ ngựa gửi gắm vào đó ước mơ, thể hiện sở thích và hy vọng vào con ngựa của mình. Do đó, hầu hết ngựa đua đều có những cái tên rất hay như: “Mỹ Phương”, “Anh Mỹ”, “Ronaldino”, “Phi Yến”, “Tăng Thanh Hà”, “Tiểu Long Nữ”…

Việc đánh giá ngựa và chọn ngựa đua của dân chơi ngựa cũng rất cảm tính theo sở thích riêng của từng người, như anh Tân, chủ ngựa “Nữ Dương Phong” thì hâm mộ con “Hồng Phi Sơn” vì đó là ngựa chứng, chỉ thi đấu một lần duy nhất và đoạt luôn cúp, “ăn” xa những con khác. Anh Hoàng – chủ ngựa “Mỹ Hạnh Nam” lại hâm mộ con “Alcicon” biệt danh siêu mã với cú nhảy không co chân và đuôi dựng đứng ngạo nghễ… Do đó, có thể chỉ thích một cú nhảy, thích cách nhảy hay phong thái con ngựa mà người ta có thể bỏ ra cả trăm triệu thậm chí cả tỉ đồng để mua ngựa.

Vùng Đức Hòa là nơi sản sinh rất nhiều ngựa tài. Nổi tiếng một thời có ngựa “Thoại Phong”, “Xiêm Song”, “Trung Phong”, “Thái Sơn” đều từng đoạt cúp, đoạt hội… Những ngựa giỏi sau khi già, hoặc bị thương trong thi đấu sẽ được giữ lại để phối giống nhằm sinh ra những ngựa tài về sau. Theo anh Tiên, chủ ngựa “Mỹ Phương”, con ngựa hay nhất tại trường đua hiện nay có ngựa cha là “Turn Best”, từng là một huyền thoại tại trường đua. Mới 2 tuổi chưa đi thi đấu nhưng ngựa “Mỹ Phương” đã được hỏi mua với giá 100 triệu đồng, còn đến bây giờ sau khi thi đấu và liên tục đoạt cúp và siêu cúp nên giá của chú ngựa này rất cao, mới tuần trước có người đến trả mua với giá 500 triệu đồng mà chủ ngựa chưa bán.

Cưng ngựa như cưng con

Nuôi ngựa đua là một đam mê rất tốn công, tốn của. Không khác gì một vận động viên chuyên nghiệp, ngày nào ngựa đua cũng phải tập luyện, nên cứ mỗi buổi sáng và chiều chủ ngựa dẫn ngựa “đi quần” và phải dậy từ sớm để đưa ngựa đi dầm nước (luyện sức dưới nước), chủ ngựa cũng ngâm mình dưới nước cùng ngựa. Ngựa đua luôn được “cưng” hơn những con ngựa thường, được đặc quyền ăn lúa, đậu xanh, đậu nành, thường xuyên được tiêm thuốc bổ, thuốc xung, thuốc chống mỏi, được chọn cỏ ngon nhất cho ăn và cho uống nước sạch… Mỗi con ngựa đua trung bình một tháng phải tốn từ 4-5 triệu tiền ăn và tiêm thuốc bổ chưa kể tiền công chăm sóc, huấn luyện, mướn nài tập dượt.

Huấn luyện viên ngựa đua “Hồng Tô Phú Sơn”, Công ty TNHH Thiên Mã, đã có hơn 20 năm chuyên huấn luyện ngựa đua chia sẻ: Ngoài việc đặt ra chế độ huấn luyện phù hợp với sức ngựa và tập thể lực theo hình thức tăng dần cấp độ còn phải chú ý đến làm răng và đóng móng ngựa. Răng ngựa mọc tự nhiên thường lệch lạc, có nhiều răng nhọn, bén gây tổn thương má, lưỡi, làm ngựa ăn không ngon ảnh hưởng đến sức khỏe nên phải làm răng cho ngựa. Việc đóng móng ngựa là một yếu tố rất quan trọng. Khi ngựa 2 tuổi thì bắt đầu đóng móng sắt và cứ 2 tuần thay móng sắt một lần. Móng đóng đạt chất lượng phải cân, vừa vặn, khi ngựa đi thì dấu chân trước và chân sau ở các bên phải tạo thành một đường thẳng. Đóng móng ngựa không đạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thi đấu của ngựa, giống như việc mang một đôi giày chật, rộng hay đôi giày mà chiếc thấp, chiếc cao thì không thể thi đấu tốt được.

Đến Đức Hòa, tôi được những chủ ngựa giới thiệu vào trang trại ngựa của anh Tiên để gặp hai con ngựa hay nhất tại trường đua hiện nay là “Mỹ Phương” và “Anh Mỹ”. Đến nơi vào khoảng 1 giờ trưa, gặp chủ ngựa thì được biết phải đợi ngựa nghỉ ngơi qua giờ trưa, vì ngày mai ngựa đi thi đấu nên không được làm “phiền” giờ nghỉ của ngựa. Mỗi con ngựa có một người chăm sóc riêng, chăm lo cẩn thận việc luyện tập, tắm rửa, các chế độ nghỉ ngơi, ăn uống… Thế mới thấy ngựa đua được chăm sóc kỹ lưỡng như thế nào.

Nuôi ngựa đua rất công phu, nhọc nhằn nhưng người nuôi ngựa đua có một đam mê lạ lùng với ngựa, họ dồn hết tâm sức để huấn luyện mong có được một con ngựa hay. Ông Nhan Văn Trâm, một chủ ngựa đua ở Đức Hòa, Chủ tịch hội chủ ngựa trường đua Phú Thọ cho biết: “Ngựa đua là một con vật rất “ngoan”, mến chủ, thấy mình là nó hí lên liền, khôn lắm! Nuôi ngựa là một niềm đam mê chứ nếu tính toán lời lỗ thì không ai nuôi, cái thú nuôi ngựa không biết thì thôi chứ biết tới thì thích lắm khó mà bỏ được. Dân ở Đức Hòa thì máu mê ngựa đua đã ngấm vào người. Ở đây người ta coi ngựa đua như một thành viên trong gia đình và nhớ rõ tên và lý lịch từng con ngựa”.

Sau vinh quang của ngựa… là nài

Ngựa thắng hay thua trong cuộc đua, một trong những yếu tố quyết định là nài ngựa. Ngoài thông thạo những kỹ thuật điều khiển cơ bản thì nài phải có lòng dũng cảm và óc phán đoán. Trong cuộc đua, bằng sự quan sát của mình nài điều khiển ngựa thoát khỏi đám đông và có các chiến thuật điều chỉnh sức ngựa ở từng chặng đua, bứt phá đúng lúc để về đích.

Nài cưỡi ngựa diễu hành cho khán giả xem trước cuộc đua

Nài ngựa thường xuất thân trong những gia đình có truyền thống nuôi ngựa đua, được tiếp xúc và có niềm đam mê ngựa từ khi còn rất nhỏ. Hơn 50% nài ngựa ở trường đua xuất thân từ các gia đình chủ ngựa ở Đức Hòa. Nài ngựa Phan Trung Dũng (tên nài Dũng1) nước da ngăm đen, đã 18 tuổi nhưng chỉ nặng 39kg và trông như một đứa trẻ 13-14 tuổi. Nài Dũng biết cưỡi ngựa từ khi mới 10 tuổi và đến nay đã có 5 năm trong nghề nài. Từ nhỏ Dũng được giao nhiệm vụ chăm sóc con ngựa đua của gia đình nên rất mê ngựa và có biệt tài thuần phục ngựa chứng. Nài Dũng cho biết, làm nài có thể phụ giúp cho gia đình. Mỗi tuần Dũng có thể kiếm được từ 2-3 triệu đồng từ việc làm nài ngựa thuê, tuần nhiều có khi được 4-5 triệu đồng. Nhưng nghề nài có nhiều khắc nghiệt, muốn tồn tại lâu dài thì phải nhẹ cân, nặng lắm thì cũng chỉ 42-43kg, nếu nặng quá thì không ai thuê để cưỡi ngựa. Do đó, phải hạn chế ăn, hạn chế ngủ. Trước đây nhiều nài còn áp dụng những cách dân gian như uống thuốc không đói, thuốc xổ, xông khô cho ra mồ hôi nhằm giảm cân.

Nài là nhân tố rất quan trọng quyết định chiến thắng của ngựa trên trường đua. Nhưng khi về đích người ta chỉ biết đến tên ngựa, cùng lắm là thêm tên chủ ngựa chứ ít ai biết đến nài. Nài ngựa vẫn là những người vô danh đứng sau những vinh quang của ngựa mà ít ai nhớ đến. Nói đến ngựa hay người ta có thể kể đến hàng chục, hàng trăm con, chứ hỏi về nài giỏi thì hầu như không ai kể được.

Thú chơi ngựa đua xuất hiện ở nước ta vào khoảng đầu thế kỷ XX. Phú Thọ là trường đua ngựa duy nhất tại Việt Nam, được một nhóm thương gia, sĩ quan người Pháp thành lập vào năm 1932. Đến năm 1954 được giao cho chính quyền Ngô Đình Diệm quản lý và hoạt động liên tục cho đến 1975 thì bị gián đoạn vì thời cuộc. Năm 1989, trường đua hoạt động trở lại và được một thương gia Hoa kiều đầu tư để tu sửa lại. Năm 2003, trường đua được giao cho CLB thể thao Phú Thọ quản lý và hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã để đầu tư, nâng cấp. Mỗi thứ Bảy, Chủ nhật trường đua tổ chức 10 đợt ngựa thi đấu, mỗi đợt thi có 12 con ngựa. Trong các cuộc đua thu hút từ 2.000-3.000 lượt khán giả. Ngựa đua được phân loại theo 3 hạng: A, B, C dựa theo chiều cao của ngựa. Ngoài các trận đua ngựa tổ chức vào thứ Bảy, Chủ nhật, mỗi năm trường đua tổ chức 3 giải lớn để ngựa tài tranh cúp, tranh hội vào các dịpTết, Giải phóng Miền Nam 30-4, Quốc tế lao động 1-5 và Quốc Khánh 2-9.

 

Mai Phương