Chuyện về đường dây 500kV huyền thoại (Kỳ 1)

11:56 | 27/04/2021

6,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam thể hiện tầm nhìn thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Những kỷ lục được lập nên như độ dài 1.500km, thời gian xây dựng chỉ có 2 năm… xứng đáng là kỳ tích, là những mốc son trong lịch sử phát triển, xây dựng của ngành điện nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Kỳ I: Quyết định lịch sử

Công cuộc đổi mới toàn diện được chính thức thực hiện từ Đại hội Đảng VI năm 1986. Dấu ấn đổi mới thể hiện rõ nét nhất, lớn nhất và nhanh chóng nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Ngay từ năm 1981, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc, sản lượng lương thực tăng mạnh, giá trị sản lượng công nghiệp tăng khá, thâm hụt thương mại giảm đáng kể…

chuyen ve duong day 500kv huyen thoai
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một cuộc họp bàn về thiết kế tại Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1

Bước đột phát về tư duy đã tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng lại nảy sinh một thách thức lớn. Về nguyên lý, điện năng luôn phải đi trước để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử để lại, việc phân bố nguồn điện trên cả nước không tương ứng với nhu cầu tiêu dùng điện ở từng miền khiến cho sự mất cân bằng ngày càng lớn và khó giải quyết được.

Ở khu vực miền Bắc, lợi thế thủy điện được khai thác tối ưu với thành quả mỗi năm lại có thêm một vài tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành. Nhưng nhu cầu sử dụng của miền Bắc lại không cao. Trong khi đó, miền Nam và miền Trung cùng lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, nếu nói một cách hình ảnh là “nạn đói điện” gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp... Nhất là ở miền Nam, nhu cầu sử dụng điện cao, tình trạng “đói điện” ngày càng gay gắt. Vào mùa khô, thành phố Hồ Chí Minh phải luân phiên cắt điện 2 lần, 3 lần rồi tới 5 lần mỗi tuần. Nguồn điện cấp chính cho miền Trung chủ yếu là các nguồn điện nhỏ, rải rác và một phần được cấp điện từ các hệ thống có cấp điện áp chỉ từ 110kV hoặc 220kV ở miền Bắc và miền Nam, tuy nhiên do khoảng cách quá dài so với tiêu chuẩn nên chất lượng điện áp rất thấp.

Nhiệm vụ đặt ra cấp bách lúc này là phải cải thiện được nguồn điện cấp cho miền Trung và miền Nam. Nhưng bằng cách nào? Đơn giản nhất là giải pháp xây lắp gấp những tổ máy turbine khí chu trình đơn, dùng dầu DO. Nhưng chi phí cho nhiên liệu là một khoản lớn, đẩy giá thành điện lên mức không dưới 1.100 đồng/kWh. Với nhu cầu vài ba tỉ kWh một năm ở thời điểm đó, khoản lỗ của ngành điện sẽ rất lớn. Điều này không thể chấp nhận được trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế còn rất eo hẹp, cũng như chúng ta đang tiến hành đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Nhà nước và nền kinh tế.

chuyen ve duong day 500kv huyen thoai
Cán bộ Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1
Đường dây 500kV Bắc - Nam mang lại lợi ích kinh tế vượt trội so với các công trình điện lớn khác, là công trình đầu tiên và duy nhất trong ngành điện thu hồi vốn nhanh nhất, tính đến thời điểm đó. Trong vòng chưa đầy 3 năm đã thu hồi được tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong khi dự kiến ban đầu là mất 5-10 năm.

Trước tình hình đó, một số tổ chức hữu quan có văn bản trình Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề xuất phương án xuất khẩu điện ở miền Bắc sang Trung Quốc mỗi năm khoảng 2 tỉ kWh, lấy kinh phí để nâng cao khả năng cung cấp điện cho các khu vực còn lại. Một phương án khác cũng được tính đến là hoãn lắp đặt một số tổ máy của Thủy điện Hòa Bình, để dành nguồn lực tăng cường nguồn điện cho miền Nam.

Mỗi phương án đưa ra đều có những ưu điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là giải bài toán cung ứng điện một cách bền vững, lâu dài với chi phí hợp lý nhất thì đều chưa thỏa đáng. Vẫn cần đến một cách thức khác để vừa tận dụng được nguồn thủy điện và nhiệt điện than ở miền Bắc, vừa có thể gia tăng năng lực chuyển tải điện nối với miền Trung, miền Nam.

Đó là “bài toán cân não” và muốn giải được nó, chúng ta phải xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam để tận dụng nguồn thủy điện và nhiệt điện than ở miền Bắc. Giải pháp này chỉ có ý nghĩa nếu “cướp” được thời gian, khi phụ tải điện miền Bắc còn thấp hơn khả năng nguồn điện. Thời gian thì không chờ đợi ai, bởi nhu cầu điện của miền Nam cũng ngày càng tăng trong khi nguồn điện không được bổ sung thêm.

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành điện, có thể thấy, vấn đề xây dựng đường dây truyền tải điện siêu cao áp Bắc - Nam nhằm hợp nhất các hệ thống điện Việt Nam đã từng được đề cập từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước trong các chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước, trong luận chứng kinh tế kỹ thuật về truyền tải công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình… Nó được hình thành trên cơ sở các nguồn năng lượng sơ cấp có trong nước, có thể dùng cho phát điện thời bấy giờ là thủy điện và than đều tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc.

Cũng phải nhắc lại là ở thời điểm ấy, chúng ta chưa có những thông tin chính xác về tiềm năng cũng như kế hoạch phát triển ngành dầu khí ở khu vực phía Nam hay như khả năng khai thác thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên... Thêm nữa, việc đưa các tổ máy cuối cùng của Thủy điện Hòa Bình vào vận hành giữa những năm 90 của thế kỷ trước sẽ tạo nên tình huống dư thừa tạm thời công suất và điện năng ở khu vực phía Bắc. Lượng điện năng này cần được tải vào miền Trung và miền Nam để giải quyết tình trạng thiếu điện triền miên và trầm trọng.

chuyen ve duong day 500kv huyen thoai
Công nhân Truyền tải điện Quảng Trị vệ sinh sứ cách điện và siết phụ kiện đường dây 500kV

Những nghiên cứu được tiến hành cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 trong khuôn khổ các chương trình khoa học cấp Nhà nước như Chương trình 10A, 12A… nhận định: Đường dây siêu cao áp điện hợp nhất hệ thống điện Việt Nam sẽ xuất hiện vào đầu những năm 2000. Tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn I (1981-1985) của Việt Nam được thiết lập với sự hợp tác của Liên Xô (cũ) cũng đề cập đến việc xây dựng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của công trình cũng đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện tặng Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi thúc bách của thực tế, Tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn III, trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện năng cuối những năm 80 đã kết luận: Đường dây truyền tải siêu cao áp Bắc - Nam cần xuất hiện sớm hơn trong giai đoạn 1995-2000.

Ngày 31-1-1992, Bộ Năng lượng lập tờ trình về chủ chương, cơ chế đầu tư các công trình đường dây 500kV Bắc - Nam và được Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng thông qua. Ngay sau đó, Bộ Năng lượng đã cho triển khai các thủ tục để chuẩn bị xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Trong một thời gian ngắn, một loạt vấn đề quan trọng đã thảo luận và hình thành. Bộ trưởng Bộ Năng lượng giao Viện Năng lượng phối hợp với các giảng viên bộ môn Hệ thống điện Đại học Bách khoa, chủ trì là giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Long, xây dựng báo cáo khả thi về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của đường dây 500kV. Cùng thời gian này, Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 (nay là Công ty Tư vấn xây dựng Điện 1) phối hợp cùng với các chuyên gia tư vấn thiết kế của PPI (Australia) thiết kế phương án xây dựng đường dây. Các đơn vị khác hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Với các trạm biến áp công suất lớn ở miền Trung, đường dây truyền tải điện siêu cao áp Bắc - Nam bảo đảm những liên kết mạnh với các nguồn điện lớn phía Bắc và phía Nam, hợp nhất các hệ thống điện đang vận hành riêng lẻ ở cả ba miền vào hệ thống điện toàn quốc, hiệu quả khai thác hệ thống và cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân cao hơn nhiều so với trước khi hợp nhất.

Đến mùa xuân năm 1992, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải ký quyết định thành lập Ban Chỉ huy xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam do Thứ trưởng Lê Liêm làm Trưởng ban. Ban này có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ Năng lượng tham gia xây dựng công trình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; duyệt thiết bị nhập khẩu và vật tư trong nước trước khi Ban Quản lý công trình đường dây tải điện 500kV ký hợp đồng; huy động nhân lực, lực lượng, thiết bị, vật tư, phương tiện; làm đầu mối đối ngoại với các cơ quan Nhà nước, ngành, địa phương. Kèm theo quyết định này là thông báo của Bộ Năng lượng về kết luận trong cuộc họp triển khai xây dựng đường dây 500kV với mục tiêu hoàn thành đưa điện vào miền Nam cuối năm 1993, đầu năm 1994.

Và rất nhanh sau đó, ngày 25-2-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng công trình hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam. Con số rất đáng chú ý chính là thời hạn 2 năm cho một dự án có quy mô và tầm quan trọng quá lớn đối với đất nước còn nhiều khó khăn. Cũng bởi thời gian quá gấp và chúng ta chưa từng có tiền lệ thực hiện công trình như vậy nên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt cho phép thực hiện xây dựng theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư - thiết bị và thi công song song để rút ngắn tối đa thời gian cho phép.

chuyen ve duong day 500kv huyen thoai
Ban Giám đốc Công ty Xây lắp Điện 3 và các phòng ban đang họp

Ở thời điểm đó, phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật là một quyết định táo bạo, gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh niềm phấn khởi về sự phát triển vượt bậc của ngành điện, niềm hy vọng thoát khỏi cảnh thiếu điện… là những mối hoài nghi về phương tiện kỹ thuật, sự mạo hiểm về thời gian và nguồn vốn… Trong đó, đáng chú ý là lá thư của một giáo sư Trường Đại học Grenoble (Pháp) gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, nêu ra 3 lý do phản biện việc xây dựng đường dây 500kV. Lý do đầu tiên là đường dây dài gần 1.500km, là chiều dài của 1/4 bước sóng cho nên không thể tải điện ổn định đi vào miền Nam. Lá thư đó lập tức gây xôn xao dư luận, một số đại biểu Quốc hội trước đó đã đồng tình ủng hộ, hôm sau lại hoài nghi.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long kể lại: Với suy nghĩ “không có ai chỉ ra những điểm yếu của mình đầy đủ như những người phản đối mình”, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã nhận ra đó chính là “những cảnh báo mà anh em chưa đặt ra hết”. Vì vậy, dù tin anh em, ông Võ Văn Kiệt vẫn bị ám ảnh bởi ý kiến của vị giáo sư đó. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng triệu tập cán bộ kỹ thuật và yêu cầu: “Nhiệm vụ của cán bộ khoa học, kỹ thuật là chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác... đã có Chính phủ lo”.

Giáo sư Trần Đình Long đã thức trắng một đêm, xem tài liệu và tự mình tính toán. Việc xử lý chênh lệch 1/4 bước sóng bằng 5 trạm bù đã được các chuyên gia nước ngoài thẩm định. Để bảo đảm điện áp ổn định, các chuyên gia đã thiết kế các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi điện áp lên cao nó sẽ kéo xuống, ngược lại nơi nào điện áp yếu, trạm bù sẽ bổ sung để điện áp luôn ổn định. Vững lòng, ông báo cáo lại Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt: “Anh an tâm, tôi lo nhất là vấn đề an ninh chứ không phải là an toàn. Anh bảo đảm vấn đề an ninh, vấn đề kỹ thuật, tôi bảo đảm”. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt nói: “Cứ làm, nếu thất bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”.

Dư luận dù khác nhau, nhưng không thể không nhắc đến tính tất yếu của công trình là khá rõ ràng. Đó là tính hợp nhất và cần thiết bởi hệ thống lưới điện hợp nhất là một trong những cơ sở hạ tầng thường tạo ra điều kiện phát huy tối ưu các nguồn năng lượng của một quốc gia. Một đất nước thống nhất không thể không có lưới điện thống nhất. Hơn nữa việc xây dựng cũng có tính đến điều kiện thực tế trước mắt và dài hạn như việc thiếu hụt điện ở miền Trung do thiếu vốn mà phải dừng lại ý tưởng xây dựng đường dây 500kV Hòa Bình - Đà Nẵng cũng như phải đình chỉ công trình nhiệt điện Cầu Đỏ ở Đà Nẵng (1987)… Hay như với quyết định xây dựng Thủy điện Ialy, thì việc xây dựng đoạn đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm là điều đương nhiên. Công trình này đã được đưa vào vận hành sớm khoảng 4 năm so với thời điểm Thủy điện Ialy chạy tổ máy đầu tiên. Nếu so với độ dài các đoạn Hòa Bình - Đà Nẵng, Pleiku - Phú Lâm, việc xây dựng đoạn Đà Nẵng - Pleiku có chiều dài 259km để tạo được mối liên hệ Bắc - Nam là chi phí xứng đáng phải trả.

Không chờ dư luận lắng xuống, với tinh thần nhìn thẳng, nói thật, ngày 5-4-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình đường dây 500kV Bắc - Nam. Đó như là “thời khắc nổ phát súng lệnh cho đội quân năng lượng tiến vào cuộc chinh phục kỳ vĩ”. Ngày này đã trở thành mốc son trong lịch sử ngành điện.

(Xem tiếp kỳ sau)

Hải Anh