Chuyện tình người nằm đan thúng

08:36 | 25/09/2011

504 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một tai nạn lao động đã khiến anh thanh niên nhanh nhẹn, tài hoa Nguyễn Hải Yến (SN 1959, xóm 7, Nam Sơn, Đô Lương, Nghệ AN) bị liệt 2 chân, gân hai bàn tay rút lại làm các ngón biến dạng co quắp. Từ đây cuộc đời anh chỉ có một tư thế: Nằm ngửa. Anh đau khổ sống bất động, đôi mắt ứa lệ mỗi khi người cha già đút cho từng thìa cơm, lau rửa cho từng kẽ ngón chân. Đã 3 lần anh tự tử nhưng không thành. Chị đến với anh, không ồn ào nhưng mang theo tình yêu kỳ diệu, khiến anh biết trân trọng sự sống của mình.

Bất hạnh ập xuống

Năm 1974, Nguyễn Hải Yến là một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, học giỏi và chăm chỉ nhất xóm. Vì có đôi tay tài hoa khéo léo nên anh thường được bạn bè nhờ viết chữ, cắt, kẻ, vẽ tranh ảnh phục vụ trong các buổi văn nghệ, tuyên truyền. Ai cũng quý anh bởi tính cởi mở hoạt bát với mọi người. Cha mẹ anh rất vừa lòng vì anh tuy là con trai thứ nhưng luôn đảm đương nhiều việc trong nhà, ngoài ruộng. Chính cái tính thanh niên cậy khỏe, hay lam hay làm đã khiến anh lâm vào tình cảnh bệnh tật đeo bám suốt đời.

Trong một lần đi chặt tre anh bị chiếc gai cắm sâu vào cổ chân, anh nhổ chiếc gai kéo theo một đoạn gân trắng lòi ra. Thấy vẫn đi lại bình thường nên anh cho đó là vết thương nhỏ, nhanh chóng lãng quên chuyện đó và tiếp tục hăng say với mọi công việc. Sau một đợt anh gánh phân bón ruộng, cái vết thương nhỏ đó bị nhiễm trùng rồi chuyển sang đau khớp. Bác sĩ ở bệnh viện cho biết anh bị lao xương, viêm đa khớp. Đã mang bệnh trong người nhưng cậy sức trai, trong trận lụt năm 1978, anh chân đất lội lụt cứu vớt mùa màng cả đêm ngày.

Sau trận ấy, anh liệt giường cho tới nay. Gân chân, gân tay rút lại làm tứ chi co quắp rồi dần teo tóp chỉ còn da bọc xương, hai chân không cử động được. Thời gian đầu những trận đau nhức, tê buốt ghê người khiến anh vật vã quằn quại.

Gia đình đưa anh đi chữa trị khắp các trung tâm y tế từ xã tới tỉnh, từ các phương pháp hiện đại tới dân gian, ai chỉ đâu là cha mẹ lại ôm con, cắp bị đi đó. Nhưng bệnh trạng anh ngày càng xấu. Từ một thanh niên to cao, khỏe mạnh nay phải co quắp nằm liệt giường đối phó với những cơn đau buốt khủng khiếp, anh hoàn toàn suy sụp.

Ban đầu bạn bè cũng năng tới chơi, động viên sau thì vãn dần và vắng hẳn. Chỉ còn lại cha mẹ thương con luôn túc trực bên cạnh, đút cơm, chải tóc, gãi ngứa cho anh, lo cho anh tắm táp, đi vệ sinh… Dần dần anh tập luyện để những ngón tay co quắp có thể tự cầm thìa ăn cơm, miệng anh trước mỗi bữa cơm phải khởi động 20 phút thì mới há, nhai được anh đã rèn luyện để nó dần bình thường trở lại. Nhưng cũng chỉ được có thế, đôi chân vẫn co quắp, teo tóp, bại liệt, các cơn đau vẫn đến thường xuyên.

Gia đình đã nghèo lại ngày càng khánh kiệt vì chữa chạy thuốc men cho anh. Đã 3 lần anh tự tử để mong quăng đi cái gánh nặng cho cha mẹ, thoát khỏi những đau buốt. Nhưng linh tính luôn mách bảo cha mẹ anh phát hiện kịp thời, giành giật anh khỏi bàn tay tử thần.

Anh Yến đã hơn 20 năm làm nghề đan thúng ở tư thế nằm ngửa

Tình yêu, phương thuốc diệu kỳ

Lúc cuộc đời tưởng như cùng kiệt nhất thì tình yêu đến với anh. Chị Lê Thị Dần vốn biết anh từ hồi còn đi học, rất mến phục nhân cách, sự hiểu biết và tâm hồn dào dạt sức trẻ trong con người khôi ngô tuấn tú ấy. Thời ấy anh còn là lớp trưởng, Bí thư đoàn trường, vậy mà, đâu ai ngờ trong khi bạn bè đều mải mê theo đuổi ước mơ cuộc đời mình thì anh lại phải nằm liệt giường.

ua nhiều lần tới thăm, chuyện trò tâm sự cùng anh, chị nhận thấy tuy anh nằm một chỗ nhưng vốn hiểu biết vẫn sâu rộng, đặc biệt chị gặp được trong anh một tâm hồn đồng điệu. Chị Dần nhớ lại: “Tôi hiểu trong anh vẫn chất chứa nhiều ước mơ lắm, giá như anh còn đôi chân khỏe mạnh và cái ý nghĩ “mình sẽ làm đôi chân cho anh” cứ dần dần rõ lên, mạnh lên trong tôi”. Gia đình chị hoảng hốt và kiên quyết phản đối, thậm chí răn đe khi biết chị có ý định về làm vợ anh. Anh viết những cánh thư chân thành, tỏ bày hết “ruột gan” gửi tới gia đình chị.

Chị lặng lẽ nhưng quyết liệt chứng minh ý định của mình là chín chắn, nghiêm túc. Dần dần tình yêu của họ đã khiến gia đình chị biết sẽ không ngăn cản nổi. Chỉ những người thân thiết mới hiểu rằng chị đến với anh không phải vì lòng thương hại, lòng thương hại không thể khiến người ta quyết định gắn bó với một người liệt cả đời được, chỉ có sức mạnh tình yêu mới làm được điều đó. Nhiều kẻ khó hiểu: Phải chăng chị muốn đùa cợt? Những kẻ ác khẩu thì buột miệng châm chọc, mỉa mai. Vượt lên tất cả, anh chị đã cưới nhau, thành vợ thành chồng tới nay đã 20 năm và có 3 đứa con, đủ trai đủ gái.

Để phụ giúp thêm cho gia đình, anh đành chọn nghề đan thúng cho vợ đi bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ban đầu ai cũng lo khi nhìn anh tập cầm dao chẻ, chuốt nan, những ngón tay co quắp kia liệu có đảm bảo để con dao sắc nhọn không rơi xuống ngực. Sau này người nhà mới yên tâm vì anh đã chứng minh ngón tay anh tuy cong queo nhưng còn khéo léo lắm. Tới nay anh đã có hơn 20 năm anh nằm ngửa đan thúng, giỏ, đó, lồng gà… bất kể mẫu gì người ta đặt anh cũng làm được. Người nhà tìm tre, luồng về là anh một mình làm các công đoạn từ đo đạc, chẻ, chuốt nan và đan thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Khi anh nỗ lực cho cuộc sống, chiếc giường chật hẹp của anh bỗng trở thành “đa năng”. Nó là nơi anh ăn, ngủ, làm việc, tiếp khách, nơi anh thể hiện ý chí, tình cảm, nơi anh ngẫm nghĩ về cuộc đời, dạy bảo con cái, nơi diễn ra tình yêu của vợ chồng và cũng là nơi vợ chồng anh bàn tính chuyện đối nhân xử thế, chuyện làm ăn.

Tuy nằm liệt giường nhưng anh đã nỗ lực trở thành trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần giúp 3 đứa con ra đời có thể tự tin sánh vai với bạn bè. Các con anh đều chăm chỉ học hành và phụ giúp cha mẹ việc nhà, đứa nào cũng muốn được chăm sóc bố nhiều hơn để bố vui.

Chúng tôi hỏi trêu anh: “Nay có muốn tự tử nữa không?”. Anh cười, đáp lại lời bạn với ánh mắt tự hào: “Tôi phải sống để bồng cháu đích tôn nữa chứ. Trước đây ấu trĩ thế đó. Nay nếu tôi chết đi ai giúp vợ tính toán làm ăn, ai răn dạy con cái điều hay lẽ phải. Có vợ con rồi tôi mới nhận ra không phải là nhan sắc, không phải là tiền của, công danh mà với tôi, cứu cánh của cuộc sống là tình yêu thương. Hạnh phúc gia đình tôi được xây đắp bởi điều đó…”.

Đào Ngọc Việt